Thực trạng công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

05:11, 28/11/2019

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch tại các đô thị luôn được tỉnh Lâm Đồng, các ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương quan tâm.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch (QH) tại các đô thị luôn được tỉnh Lâm Đồng, các ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương quan tâm. Đến nay, tình hình triển khai công tác QH đô thị trên địa bàn tỉnh có 15/15 đô thị đã quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt, trong đó 3 đô thị được phê duyệt đồ án điều chỉnh QH chung, 12 đô thị đã có QH và đang thực hiện điều chỉnh QH. 
 
Thành phố Bảo Lộc - đô thị đã được quy hoạch qua các bước theo quy định. Ảnh: M.Đạo
Thành phố Bảo Lộc - đô thị đã được quy hoạch qua các bước theo quy định. Ảnh: M.Đạo
 
Theo định hướng QH vùng tỉnh đến năm 2025 đã được phê duyệt, toàn tỉnh sẽ có 18 đô thị, trong đó 5 đô thị tổ chức lập đồ án QH; gồm: thị trấn Hòa Ninh (Di Linh), Phước Cát (Cát Tiên), Đạ Mri (Đạ Huoai), Bằng Lăng và Đạ Rsal (Đam Rông). Các đồ án QH được nghiên cứu mở rộng đến hết ranh giới hành chính của đô thị, tạo thêm không gian phát triển cho toàn bộ đô thị, khai thác hiệu quả quỹ đất; đồng thời triển khai xây dựng đô thị theo kế hoạch phát triển cho từng năm và từng giai đoạn phù hợp với tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương; kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thêm nguồn lực để phát triển đô thị. Bên cạnh đó, các QH lập mới và điều chỉnh từng bước đã giải quyết được các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, v.v… Các khu vực dân cư được chỉnh trang, các chỉ tiêu quản lý nhà ở được ban hành tạo nhiều thuận lợi cho việc cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, đảm bảo cho tổ chức, cá nhân và người dân được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất và đầu tư xây dựng công trình...
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện QH trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là: Tiến độ triển khai lập QH ở một số địa phương, một số đồ án còn chậm so với kế hoạch và yêu cầu, có địa phương còn lúng túng trong quá trình triển khai. Mặt khác, nội dung, chất lượng và tính khả thi của một vài đồ án chưa cao, nhất là các đồ án QH phân khu, QH chi tiết. Có địa phương chưa chú trọng nội dung và chất lượng QH; QH chủ yếu dựa vào hiện trạng và chỉnh trang nâng cấp, khảo sát hiện trạng vẫn chưa sát thực tế. Việc định hướng QH còn chung chung, chưa thật sự rõ nét, chưa sát thực tế. Đơn vị tư vấn chưa đưa ra được các yếu tố mang tính động lực, chưa chỉ ra được những công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính quyết định để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
 
Đó còn là, công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy chế quản lý QH và cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng ngoài thực địa chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những hạn chế trong triển khai đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng và thu hút đầu tư. Công tác QH nông thôn chủ yếu tập trung QH chung; chưa chú trọng lập các đồ án QH chi tiết làm cơ sở cho việc triển khai đầu tư, cải tạo, chỉnh trang, quản lý trật tự xây dựng và môi trường kiến trúc cảnh quan ở nông thôn. 
 
Đâu là nguyên nhân của tồn tại, hạn chế? Đó là năng lực các đơn vị được giao là chủ đầu tư các đồ án QH chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc bố trí vốn thực hiện các đồ án QH còn chậm dẫn đến triển khai theo kế hoạch bị kéo dài, không đảm bảo thời gian yêu cầu. Mặt khác, năng lực các đơn vị tư vấn lập QH còn hạn chế, ít kinh nghiệm dẫn đến một số đồ án QH chất lượng chưa cao, chưa đảm bảo thành phần hồ sơ, áp dụng đúng các Quy chuẩn xây dựng và bám sát những quy định của đồ án QH cấp trên. Một vài đồ án chủ yếu cập nhật hiện trạng, định hướng đưa ra thiếu tính chiến lược, tính đột phá làm nòng cốt cho phát triển. Công tác khảo sát đánh giá hiện trạng một số đồ án chưa được chú ý đúng mức dẫn đến đồ án QH không bám sát hiện trạng, thiếu tính khả thi, phải điều chỉnh nhiều lần. Đó còn là, cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện tổ chức thẩm định, quản lý QH trình độ chuyên môn hạn chế, nhất là địa phương cấp huyện. Chưa quan tâm tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định QH theo quy định (cấp huyện) để thực hiện thẩm định các nhiệm vụ và đồ án trước khi phê duyệt. Công tác lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư chưa đảm bảo yêu cầu. Việc phối hợp, lấy ý kiến các sở, ban, ngành, đặc biệt là các phòng, ban chuyên môn cấp huyện chưa thực sự chặt chẽ. Khâu tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý còn sơ sài, chưa bám sát nội dung dẫn đến sau khi QH được phê duyệt còn có phát sinh đơn thư, kiến nghị về nội dung QH. Về thẩm định phê duyệt QH, các địa phương còn chạy theo tiến độ hoàn thành QH nên các nội dung tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, góp ý phản biện đồ án của các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa chủ đầu tư (cấp xã) với đơn vị tư vấn và cơ quan cấp huyện chưa thường xuyên, liên tục. Công tác thẩm định, phê duyệt của cấp huyện cũng còn nhiều hạn chế. Về triển khai QH, bước công bố, công khai QH còn chưa kịp thời, chỉ mang tính chiếu lệ. Khả năng vận dụng, khai thác đồ án QH chung của một số xã còn hạn chế nên triển khai QH thực tế gặp rất nhiều khó khăn.
 
Thời gian tới, những nhiệm vụ đặt ra là: (1) Triển khai thực hiện hiệu quả các QH được duyệt; tập trung nguồn lực, đầu tư xây dựng; kêu gọi các tổ chức và cá nhân tham gia cùng các cấp chính quyền trong việc triển khai thực hiện QH. (2) Thành lập, kiện toàn các hội đồng thẩm định QH, tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện từ các Hội Quy hoạch phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư và các cơ quan chuyên ngành khác trong quá trình tổ chức lập, thẩm định các đồ án QH. (3) Đẩy nhanh công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án QH chung xây dựng đô thị, QH phân khu, QH chi tiết; tăng cường công tác quản lý QH sau khi được duyệt, kêu gọi đầu tư. Tổ chức rà soát đồ án QH đã phê duyệt, để xây dựng lộ trình điều chỉnh cho phù hợp nhằm tăng tính khả thi của đồ án trên cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng và quy định; Công bố, công khai minh bạch các đồ án QH sau khi được phê duyệt. (4) Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung năng lực chuyên môn về QH xây dựng cho đội ngũ CB-CC các cấp trong việc thực hiện thẩm định, phê duyệt và quản lý QH, quản lý xây dựng đảm bảo yêu cầu hiện nay và trong tương lai.
 
KTS PHAN VĂN TRUNG (Trưởng phòng QHKT - Sở Xây dựng)