Điểm sáng trong giảm nghèo ở Lạc Dương

06:11, 27/11/2019

Trước đây, mỗi khi nhắc đến Đạ Sar, một xã vùng dân tộc thiểu số của huyện Lạc Dương, người ta thường nghĩ đến hình ảnh về sự nghèo khó, trẻ em lười đến lớp, giao thông bất lợi...

Trước đây, mỗi khi nhắc đến Đạ Sar, một xã vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Lạc Dương, người ta thường nghĩ đến hình ảnh về sự nghèo khó, trẻ em lười đến lớp, giao thông bất lợi... Nhưng nay, nhờ thực hiện tốt chính sách dân tộc, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới (NTM) nên đời sống của bà con nơi đây đang ngày một thêm ấm no, hạnh phúc. 
 
Đạ Sar ngày càng khang trang. Ảnh: N.Nghĩa
Đạ Sar ngày càng khang trang. Ảnh: N.Nghĩa
 
Đạ Sar là một xã vùng cao, nằm ở phía Đông Bắc của huyện Lạc Dương, cách trung tâm huyện khoảng 13 km theo tuyến đường ĐT79. Xã có xuất phát điểm thấp, đa số người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp, đời sống khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu. Có dịp trở lại Đạ Sar, huyện Lạc Dương, điều dễ nhận thấy nhất chính là sự đổi thay rõ rệt trong đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân các dân tộc nơi đây. Nhà cửa của người dân trên tuyến đường ở khu vực gần trung tâm xã khang trang, sạch đẹp; nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, trụ sở làm việc cũng được xây dựng mới khang trang, to đẹp. Trong xã, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được triển khai thành công và nhân rộng đến bà con nhân dân mang lại hiệu quả kinh tế cao...
 
Xã có 6 thôn với 1.309 hộ/5.368 nhân khẩu. Trong đó, có 1.173 hộ/4.872 nhân khẩu là người đồng bào DTTS, chiếm 90,76% dân số toàn xã. Những năm qua, cùng với đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, diện mạo của Đạ Sar đã có những khởi sắc. Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù không phải là một xã điểm hay xã ưu tiên về xây dựng NTM, nhưng Chương trình xây dựng NTM ở Đạ Sar vẫn được triển khai với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhận được sự đồng lòng của người dân. Thành công lớn nhất và cũng chính là “lực đẩy” giúp Đạ Sar ngày càng phát triển đó chính là nhờ sự thay đổi về tư duy trong lao động sản xuất của bà con các DTTS nơi đây. Bà con đã biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và bước đầu đã chịu khó học hỏi, làm theo các chương trình phát triển kinh tế mới để nâng cao đời sống hộ gia đình. Quá trình vận động và thay đổi tư duy này của bà con, theo lãnh đạo UBND xã diễn ra khá khó khăn. Nhưng nhờ các đảng viên, cán bộ đi trước chứng minh hiệu quả của mô hình, rồi kiên trì vận động, thuyết phục mà người dân đã làm theo. Nhiều hộ sau khi mạnh dạn chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng từ cà phê sang trồng rau, mang lại hiệu quả cao đã trở thành những tấm gương tiêu biểu kịp thời được nhân rộng, biểu dương trên địa bàn xã và cả huyện, và cứ thế nhiều người dân trong thôn thấy hiệu quả cũng học tập dần chuyển đổi.
 
Là một xã thuần nông, bà con dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm phần lớn, nên song song với việc vận động người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, xã còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ sự nghiệp nông nghiệp để hỗ trợ bà con nghèo sản xuất. Xã đã thực hiện hỗ trợ cho 120 hộ người đồng bào DTTS nghèo chuyển đổi được 31,93 ha cà phê già cỗi sang trồng rau hoa công nghệ cao. Những năm gần đây, triển khai thực hiện mô hình liên kết trồng cây actiso với Công ty Cổ phần sản xuất Dược liệu Lâm Đồng và bước đầu đã mang lại hiệu quả lớn, giúp tăng thu nhập của người dân, qua đó cũng thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, tạo đầu ra ổn định, xóa đói giảm nghèo thành công cho một bộ phận người dân trong thôn. 
 
Bộ mặt nông thôn của xã từ đó có nhiều đổi mới, cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên. Trong phát triển hạ tầng kinh tế, xã cũng nhận được sự đồng thuận rất cao từ Nhân dân. Nhiều hộ gia đình nhờ nhận thức và tư duy thay đổi đã sẵn sàng hiến đất cũng như ngày công để làm đường. Đến nay, kết cấu hạ tầng cơ sở về cơ bản đã đồng bộ, các trục đường chính của xã xuống các thôn đều được cứng hóa, 100% thôn có đường đi lại thuận tiện, 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của tất cả các cấp học trong xã đều đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc gia; hệ thống điện lưới đạt chuẩn, trên 98% hộ được sử dụng điện. 
 
Theo số liệu của UBND xã Đạ Sar, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của xã hiện đã giảm đáng kể, chỉ còn 5,7%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 42 triệu đồng/người/năm, trong khi trước khi bước vào xây dựng NTM (khoảng năm 2012), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ là 12,23%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13 triệu đồng/người/năm.
 
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng biểu dương, đã được đánh giá là một trong những điểm sáng của tỉnh về xóa đói giảm nghèo, xã cũng đã được công nhận hoàn thành chương trình xây dựng NTM vào năm 2017, nhưng vẫn phải thừa nhận, hiện công tác giảm nghèo ở xã vẫn chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân còn ở mức cao; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; trình độ canh tác tuy có nhiều thay đổi nhưng còn lạc hậu... Vì vậy, để phấn đấu và duy trì xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, Đạ Sar cũng đã đặt ra nhiều giải pháp thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc vận động, tuyên truyền và nâng cao hiệu quả của công tác lãnh chỉ đạo, công tác phối hợp để tạo sự đồng thuận, đồng lòng cao hơn nữa của Nhân dân; lựa chọn mô hình xây dựng NTM phù hợp, bảo đảm tính hiệu quả và bền vững để triển khai rộng trên địa bàn. 
 
NGUYỄN NGHĨA