Don Duong Travel - ''Những kẻ mộng mơ đi xa để trở về''

06:11, 20/11/2019

Ba bạn trẻ đến từ 3 trường đại học khác nhau tại TP Hồ Chí Minh, nhưng đều sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đơn Dương xinh đẹp và cùng nhau "nuôi" ý tưởng về một dự án du lịch xanh tại quê hương của mình...

Ba bạn trẻ đến từ 3 trường đại học khác nhau tại TP Hồ Chí Minh, nhưng đều sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đơn Dương xinh đẹp và cùng nhau “nuôi” ý tưởng về một dự án du lịch xanh tại quê hương của mình. Don Duong Travel - dự án vừa lọt vào Vòng Chung kết Cuộc thi "Người Nhân văn khởi nghiệp" chính là bước đầu để họ biến ý tưởng đó thành hiện thực, với chủ đề “Những kẻ mộng mơ đi xa để trở về”.
 
Các thành viên của Dự án Don Duong Travel tại Cuộc thi “Người Nhân văn khởi nghiệp”. Ảnh: V. Quỳnh
Các thành viên của Dự án Don Duong Travel tại Cuộc thi “Người Nhân văn khởi nghiệp”. Ảnh: V. Quỳnh
 
Khác với 7 dự án khác cùng lọt vào vòng chung kết với nội dung chủ yếu hướng đến công nghệ, Don Duong Travel tạo nên sự khác biệt bởi hướng đến một vùng đất cụ thể và chưa hẳn được nhiều người biết đến. Nguyễn Anh Khoa, Kiều Thu và Phương Thảo - 3 thành viên của dự án đều là những người trẻ thuộc thế hệ sinh năm 2000, là những chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi với đầy ắp những hoài bão và “mộng mơ” đúng nghĩa. Các bạn chia sẻ: Ngày đó, những đứa trẻ chúng tôi đã từng mong mình lớn thật nhanh để rời khỏi mảnh đất Đơn Dương nhỏ bé, đến những thành phố lớn đầy cơ hội phát triển như TP Hồ Chí Minh. Để rồi đi xa mới thấy nhớ làn khí mát lạnh hít vào mỗi buổi sớm mai, nhớ ngọn thông xanh rười rượi, nhớ cái nắng vàng ươm ôm lấy từng làn gió. 
 
Nguyễn Anh Khoa, hiện đang là sinh viên năm 2 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Don Duong Travel thực chất là một tour du lịch mà bản thân em cũng như nhóm đã ấp ủ từ những ngày còn học cấp III. Sinh ra và lớn lên tại xã Lạc Lâm, em luôn nghĩ rằng, mảnh đất Đơn Dương đẹp đến như vậy, tại sao không thể phát triển du lịch, cũng như quảng bá cho nhiều khách du lịch biết đến. Những ý tưởng cứ “nhen nhóm” trong mỗi thành viên trong nhóm về một tour du lịch xanh của Đơn Dương. Và rồi Cuộc thi “Người Nhân văn khởi nghiệp” xuất hiện như là một cái “duyên” để nhóm chúng em biến Don Duong Travel thành một ý tưởng start-up về du lịch xanh, du lịch cộng đồng một cách chi tiết nhất”.
 
Theo Anh Khoa, Don Duong Travel là tour du lịch đem đến cho du khách sự thư giãn và thoải mái trong tâm hồn. Du lịch xanh tập trung vào sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Giá trị cốt lõi mà nhóm hướng đến là kết hợp giữa Trải nghiệm - Hiểu - Tham quan - Chữa lành.
 
“Người Nhân văn khởi nghiệp” là cuộc thi về khởi nghiệp do Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn và Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên Trường, CLB Cựu Sinh viên Doanh nhân cùng Dự án V2W đồng tổ chức. Cuộc thi nhằm đề cao giá trị nhân văn, trách nhiệm xã hội của các dự án ý tưởng thuộc các lĩnh vực như: giáo dục, công nghệ, truyền thông, dịch vụ,… Diễn ra từ ngày 22/8 đến 26/10, cuộc thi thu hút sự tham gia của sinh viên, học viên cao học đến từ hơn 20 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Các thành viên của dự án xây dựng nên các hành trình, trong đó, ngoài việc tham quan các địa điểm nổi tiếng, du khách còn được trực tiếp trở thành nông dân đúng nghĩa, trải nghiệm trồng rau, gieo mầm, bón phân, tưới nước,... Được đi bộ trong rừng, tham quan làng nghề truyền thống, đạp xe đạp hít khí trời, thu hoạch nông sản và sử dụng làm bữa tối. Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ hiểu được cuộc sống của người dân nơi đây, hiểu bản thân qua các hoạt động của tour, các nông sản ăn hàng ngày của vựa rau Đơn Dương. Đồng thời, du khách sẽ được trò chuyện cùng những người có chuyên môn trong lĩnh vực sức khỏe, tâm lý,... uống trà, đốt lửa, ngồi thiền, chia sẻ câu chuyện của chính mình.

Với những hoạt động như vậy, dự án hướng đến mục đích góp phần thúc đẩy được nền kinh tế địa phương, xây dựng được thương hiệu nông sản Đơn Dương, mở ra cơ hội việc làm (hướng dẫn viên du lịch, tâm lý) cho người trẻ và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương. Quan trọng nhất, Don Duong Travel là cơ hội để khách hàng nhận được sự kết nối giữa thiên nhiên và tâm hồn.
 
Với slogan “Những kẻ mộng mơ đi xa để trở về”, Nguyễn Du Kiều Thu, hiện đang học năm 2 Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đó là một trong những câu nói tiếp thêm nghị lực cho chúng em rất nhiều trong khoảng thời gian này. Những đứa con xa nhà chịu rất nhiều áp lực cũng như khó khăn, và hơn hết là nỗi nhớ nhà da diết. Em luôn tự nhủ rằng mình đang đi xa thôi, mình đi xa để kiếm “nguyên liệu” xây dựng cho mộng mơ của mình. Và đến một lúc nào đó, khi đã mộng mơ đủ rồi, em sẽ trở về quê hương thân yêu của mình”.
 
Khi còn ngồi trên ghế Trường THPT Đơn Dương, bản thân Anh Khoa cùng với Kiều Thu đã tham gia rất nhiều cuộc thi do tỉnh Lâm Đồng tổ chức, cụ thể như hội thi khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, vì cả 3 thành viên của nhóm đều sinh ra và lớn lên ở Đơn Dương, nên cả 3 đều hiểu về mảnh đất, tài nguyên, con người và văn hóa nơi đây. Tuy nhiên, vì đến từ 3 trường với lịch học khác nhau, nên việc sắp xếp thời gian để trao đổi, thảo luận thật sự là khó khăn lớn nhất của nhóm. Và là cuộc thi khởi nghiệp đầu tiên mà cả 3 thành viên của dự án tham gia, nên sự bỡ ngỡ và thiếu sót về kỹ năng, kinh nghiệm là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, vượt qua tất thảy những khó khăn đó, giải khuyến khích mà dự án đạt được không phải là tất cả những gì mà các em “gặt hái” được sau cuộc thi. Bởi theo Khoa: “Chưa bao giờ bản thân em nghĩ rằng mình đủ sức tham gia một cuộc thi start-up. Nhưng khi tham gia “Người Nhân văn khởi nghiệp”, nhóm em đã nhận được rất nhiều thứ: sự tự tin, sự kết nối... Nhóm chúng em đã được nghe rất nhiều lời nhận xét từ giám khảo và nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ các mentor là người có chuyên môn trong lĩnh vực khởi nghiệp”.
 
Hay Phương Thảo - cô sinh viên Trường Đại học Tài chính Maketing đã chia sẻ sau cuộc thi rằng: “Người ta đi thi bằng kế hoạch. Chúng mình đi thi bằng mộng mơ. Mỗi cuộc thi mà chúng em tham gia đều là một hành trình, và nhờ tham gia Người Nhân văn khởi nghiệp mà chúng em ứng dụng được thêm nhiều kiến thức đã học vào thực tiễn và hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng khác”.
 
Anh Khoa khẳng định rằng: “Slogan của dự án là “Những kẻ mộng mơ đi xa để trở về”, chắc chắn em hay 2 thành viên còn lại của nhóm sẽ “trở về” trong tương lai để sống, để cống hiến và để phát triển địa phương. Chúng em luôn tin rằng: cho dù bạn là ai đi chăng nữa, thì bạn đều muốn quay về nơi mình từng sinh ra và lớn lên”.
 
VIỆT QUỲNH