Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, bắt đầu triển khai cho lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu cho các khối lớp khác trong những năm tiếp theo...
Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT, bắt đầu triển khai cho lớp 1 và thực hiện cuốn chiếu cho các khối lớp khác trong những năm tiếp theo. Để thực hiện chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục Lâm Đồng đang chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý (GV, CBQL) đạt chuẩn, có đủ phẩm chất và năng lực để triển khai chương trình. Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Lâm Đồng về nội dung này.
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận trao học bổng của UBND tỉnh cho các học sinh Trường THPT chuyên Thăng Long vượt khó vươn lên trong học tập. Ảnh: N.Thi |
PV:
Xin bà cho biết tình hình đội ngũ nhà giáo ngành Giáo dục Lâm Đồng hiện nay?
Bà Phạm Thị Hồng Hải: Tính đến tháng 10/2019, đội ngũ CBQL, GV, NV cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, đảm bảo thực hiện công tác quản lý, dạy học trong các đơn vị. Toàn ngành có 22.523 CBQL, GV, NV; trong đó: CBQL 1.831 người, GV 16.959 người, NV 733 người. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, cụ thể: GV cấp Mầm non có trình độ đạt chuẩn theo quy định là 95,3%, trên chuẩn 77,2%; GV Tiểu học đạt chuẩn 99,9%, trên chuẩn 88,2%; GV THCS đạt chuẩn 99,9%, trên chuẩn 68,6%; GV THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 10,4%; GV Cao đẳng đạt chuẩn và trên chuẩn là 100%.
Về nghiệp vụ sư phạm: Đội ngũ nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trình độ tin học và ngoại ngữ của đội ngũ nhà giáo đã được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ GV, CBQL sử dụng tin học và ngoại ngữ còn hạn chế, dẫn tới gặp khó khăn trong việc tiếp cận với phương pháp giảng dạy tiên tiến, hạn chế khả năng nghiên cứu khoa học, quản lý...
|
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Yến dạy bài hát tiếng Việt cho trẻ đồng bào DTTS tại Trường Mầm non Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên). Ảnh: Đông Anh |
PV:
Vậy, Sở GDĐT Lâm Đồng đã chuẩn bị đội ngũ nhà giáo như thế nào để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới trong năm học 2020 - 2021?
Bà Phạm Thị Hồng Hải: Mặc dù số lượng nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo cao, nhưng năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số nhà giáo vẫn còn hạn chế, chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy. Do vậy, để thực hiện chương trình GDPT mới, trong thời gian qua, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã có những chuẩn bị về đội ngũ như sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ CBQL, GV, giảng viên các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn mới; xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo, bồi dưỡng CBQL, GV, giảng viên các cấp để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới; bố trí, sắp xếp đội ngũ CBQL, GV, giảng viên đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc.
Thứ hai, ngành chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu, lộ trình thực hiện chương trình GDPT mới. Theo đó, Sở GDĐT đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho GV và CBQL về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT theo các nghị quyết, quyết định của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 270/KH-BGDĐT ngày 2/5/2018 và Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT ngày 12/9/2018 của Bộ GDĐT về việc chi tiết các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng GV cơ sở GDPT thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Qua đó, lựa chọn và cử đội ngũ CBQL và GV cốt cán các cấp học, bậc học tham dự các hội thảo, tập huấn về đổi mới chương trình đào tạo; bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới và lộ trình đổi mới chương trình GDPT; các khóa bồi dưỡng tập trung phát triển các năng lực nghề nghiệp nền tảng, cốt lõi cho GV, CBQL trường phổ thông để thực hiện chương trình phổ thông mới và đáp ứng chuẩn nghề nghiệp GV theo quy định do Bộ GDĐT ban hành. Sở GDĐT đã và đang tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho CBQL và GV, trong đó, sử dụng đội ngũ CBQL, GV cốt cán làm báo cáo viên.
Trong thời gian tới, GV sẽ tiếp tục được tập huấn, bồi dưỡng nhiều chuyên đề nữa. Việc tập huấn được thực hiện dưới hai hình thức: bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng trực tuyến qua mạng Internet. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, biến quá trình đào tạo, bồi dưỡng thành tự đào tạo, tự bồi dưỡng. Ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường giúp đội ngũ nhà giáo và CBQL có ý thức tự học mọi lúc, mọi nơi, qua thực tiễn công tác để rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý và giảng dạy.
|
Bà Phạm Thị Hồng Hải - Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng tặng giấy khen của Sở GDĐT cho các nhà giáo có thành tích xuất sắc trong năm học 2018 - 2019. Ảnh: T.Hương |
PV:
Ngoài bồi dưỡng, tập huấn, đội ngũ nhà giáo cần những gì để có thể đáp ứng việc triển khai thực hiện chương trình GDPT mới, thưa bà?
Bà Phạm Thị Hồng Hải: Nhìn từ thực tế thì việc tập huấn cho GV hiện nay đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, ngoài việc bồi dưỡng, tập huấn thì GV cần phải chủ động chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức và tâm thế cho việc đổi mới tới đây. Trong đó, mỗi GV cần chủ động đọc - tìm hiểu một cách thấu đáo chương trình môn học, nhất là đối với môn học, cấp học của mình quản lý, giảng dạy đã được Bộ thông qua. Bởi đó là nội dung cơ bản nhất mà mình sẽ đảm nhận trong giảng dạy. Đồng thời, tự học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ... để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT.
Không những vậy, mỗi GV phải luôn xác định được mình sẽ là động lực để đổi mới và thúc đẩy việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thành công. Muốn vậy, mỗi GV phải thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn của mình, làm chủ được kiến thức môn học mà mình sẽ dạy, nhất là đối với những môn học tích hợp.
Bên cạnh đó, trong mỗi đợt tập huấn, GV cần chủ động lĩnh hội, học hỏi những cái mới. Những gì chưa thấu đáo cần mạnh dạn trao đổi, chia sẻ. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật những thông tin, những bài bồi dưỡng trên các website của Bộ, của Sở và các trang chuyên đề của ngành để trang bị kiến thức cho mình.
Thời điểm này, điều GV cần hướng tới là việc tranh thủ cập nhật những thay đổi của ngành. Thời gian còn lại không nhiều nếu thầy cô bị động sẽ dẫn đến thụ động và chắc chắn sẽ rất khó khi tiếp cận và thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới trong thời gian tới đây. Những khó khăn khi thực hiện chương trình mới chắc chắn sẽ còn rất nhiều và lộ trình áp dụng chương trình mới thì đã cận kề. Vì thế, sự chủ động của GV từ bây giờ là rất cần thiết, góp phần cho việc đổi mới của ngành giáo dục thành công.
PV:
Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
TUẤN HƯƠNG (thực hiện)