Trả lời câu hỏi - nếu được chọn lại nghề, cô có chọn nghề giáo, hay theo nghề khác - cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), không ngần ngại nói: "Nghề giáo là nghề vất vả...
Trả lời câu hỏi - nếu được chọn lại nghề, cô có chọn nghề giáo, hay theo nghề khác - cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm), không ngần ngại nói: “Nghề giáo là nghề vất vả. Tuy vậy, nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn muốn gắn bó với nghề này, với những đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu. Tôi hạnh phúc khi được thấy trẻ đến trường mỗi ngày”.
|
Nhà giáo Nguyễn Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai. Ảnh: T.Chu |
Tận tâm, yêu trẻ
Tháng 10 năm 2014, cô giáo Nguyễn Thị Thúy được điều động về Trường Mầm non Sao Mai giữ chức vụ Hiệu trưởng. “Trước thời điểm tôi về nhận nhiệm vụ công tác, Trường Mầm non Sao Mai đã là trường điểm của huyện Bảo Lâm. Vì thế, mới đầu tôi rất lo lắng. Bởi làm công tác quản lý ở một ngôi trường có bề dày thành tích, cái khó là làm sao giữ vững danh hiệu hiện có của trường, đồng thời đưa trường có những bước phát triển mới”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy tâm sự.
Từ thực tiễn đó, sau nhiều trăn trở, suy nghĩ, phân tích, cô giáo Nguyễn Thị Thúy xác định phải bắt đầu bằng tình yêu người, yêu nghề, trách nhiệm. Qua những việc làm cụ thể, cô giáo Nguyễn Thị Thúy đã từng bước tạo được uy tín của mình với đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường. Ngoài ra, cô giáo Nguyễn Thị Thúy cùng tập hợp tập thể giáo viên, nhân viên tăng cường sự gắn kết với từng gia đình học sinh, nắm bắt tình hình thực tế của học sinh để xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng năm học. “Chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, đó là 3 nhiệm vụ trọng tâm của bậc học mầm non. Trong cả 3 nhiệm vụ này, tôi đều có những giải pháp để tạo uy tín đối với giáo viên nhà trường và mang lại niềm tin yêu cho phụ huynh. Trong công tác quản lý, tôi luôn tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên, nhân viên được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, giáo dục tư tưởng chính trị, cũng như kịp thời động viên, khen thưởng, khích lệ những người hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo động lực, tình yêu thương để giáo viên cảm thấy sự thoải mái trong công việc” - cô giáo Nguyễn Thị Thúy cho hay.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Trường Mầm non Sao Mai hiện có 368 trẻ, phân thành 10 lớp. Trường có 3 cán bộ quản lý, 20 giáo viên và 10 nhân viên. Trong năm học 2018 - 2019, Trường Mầm non Sao Mai có trên 93% trẻ đạt bé chăm, 91% bé khỏe, 97% bé ngoan và hơn 90% trẻ đạt bé khỏe ngoan. Đặc biệt, sĩ số nhà trường luôn duy trì ở mức 100%.
Cũng trong năm học này, tập thể Trường Mầm non Sao Mai được công nhận Tập thể Lao động xuất sắc, Chi bộ và Công đoàn, Chi đoàn nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Góp phần thay đổi nhận thức giáo dục mầm non
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy tâm sự rằng, ngoài điểm trường chính, Trường Mầm non Sao Mai còn có một phân hiệu nằm trên địa bàn thôn B’Kẻh. Nơi đây, phần đa là người dân tộc thiểu số, nhận thức về bậc học mầm non có những hạn chế nhất định. Thêm nữa, việc chi tiêu thiếu hợp lý dẫn đến nhiều gia đình gặp phải tình cảnh kinh tế eo hẹp cũng là một nguyên nhân cản trở việc ra lớp của trẻ. Thế nên, việc vận động trẻ 5 tuổi ra lớp và việc duy trì sĩ số gặp rất nhiều khó khăn. “Bên cạnh việc phân công giáo viên kết hợp với Ban nhân dân thôn B’Kẻh đến tận nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp, tôi còn trực tiếp gặp từng phụ huynh, thăm dò ý kiến vì sao không cho trẻ ra lớp. Rồi tùy theo từng lý do cụ thể, tôi sẽ tìm cách giải quyết phù hợp. Ví như phụ huynh không có tiền đóng tiền ăn cho trẻ, tôi bảo cứ để trẻ mang cơm đến trường, nhà trường sẽ hỗ trợ thêm ...”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy cho biết.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thúy, những giải pháp như nêu ở trên chỉ là giải pháp trước mắt, cái lâu dài, mang tính chất quyết định chính là chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Một khi phụ huynh thấy được con em mình được chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục tốt, lại được học trong ngôi trường khang trang, sạch đẹp, an toàn, tự khắc phụ huynh sẽ đưa trẻ đến trường. “Hàng năm, tôi đều sắp xếp, chọn những giáo viên nòng cốt, có năng lực tốt, đảm trách công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại phân hiệu B’Kẻh; qua đó, đã tạo được uy tín đối với phụ huynh, cũng như khẳng định được chất lượng của nhà trường. Về cơ sở vật chất, những gì ở điểm trường chính có, tôi cũng cố gắng đầu tư cho phân hiệu, để phụ huynh cảm thấy yên tâm khi gửi con em mình vào trường. Giờ đây, ở phân hiệu B’Kẻh, trẻ 5 tuổi ra lớp và duy trì sĩ số luôn ổn định”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy nói thêm.
Chia sẻ về những việc đã làm, cô giáo Nguyễn Thị Thúy thành thật: “Mỗi ngày đến trường, tôi luôn tự nhủ bản thân phải bằng tình yêu thương và trách nhiệm trong công tác. Mình phải có tình thương yêu, phải coi trẻ như con em mình, gắn trách nhiệm của mình với trẻ. Niềm vui, hạnh phúc của mình cũng từ niềm vui, hạnh phúc của trẻ”.
TRỊNH CHU