(LĐ online) - Ngành giáo dục Lâm Đồng luôn xác định mục đích của giáo dục là chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau một cách toàn diện, bao gồm "đức, trí, thể, mỹ"...
(LĐ online) - Ngành giáo dục Lâm Đồng luôn xác định mục đích của giáo dục là chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau một cách toàn diện, bao gồm “đức, trí, thể, mỹ”. Trong đó, kết hợp hài hòa ba yếu tố “dạy người, dạy chữ và dạy nghề”. Để thực hiện tốt mục tiêu đó, việc chăm lo nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng đặt lên hàng đầu.
|
Cô trò Trường TH Nguyễn Trãi (huyện Di Linh). Ảnh: Đông Anh |
Không ngừng đổi mới
“Cùng với cả nước, ngành giáo dục Lâm Đồng không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo” - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Quang Long cho biết.
Năm học này, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng số 700 trường học, từ mầm non đến phổ thông trong và ngoài công lập với hơn 320 nghìn học sinh. Toàn ngành có gần 17.000 giáo viên. Theo đánh giá, phần lớn đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn. “Cơ bản đội ngũ nhà giáo có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tuỵ với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” -Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Trường THPT chuyên Thăng Long (TP Đà Lạt), được đánh giá là lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, nơi đào tạo, ươm mầm những học sinh tài năng tham gia và đạt nhiều giải thưởng quốc gia, quốc tế. Khi nhắc chuyện đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo của trường, ông Đào Mạnh Trinh - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT chuyên Thăng Long nói ngắn gọn: “Trách nhiệm, tâm huyết và luôn làm mới bản thân”. Theo thầy Trinh, cùng với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của ngành giáo dục; nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên “làm mới” bản thân bằng các chương trình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các trường chuyên trong nước; mời chuyên gia đầu ngành trao đổi, cập nhật kiến thức; tài trợ những giáo viên tham gia các khóa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo quy chế… “Nhà trường đã ban hành bộ tiêu chuẩn đánh giá thi đua. Trong đó, trình độ và năng lực chuyên môn là tiêu chí quan trọng nhất. Giáo viên không tự cập nhật kiến thức thì “cũ” ngay, nhất là môi trường trường chuyên. Nâng cao chất lượng giáo viên sẽ cải thiện kết quả học tập của học sinh” - thầy Trinh khẳng định.
Hiện Trường THPT chuyên Thăng Long có 73 giáo viên, gồm ba giáo viên có trình độ tiến sĩ, 44 thạc sĩ và 26 giáo viên trình độ đại học. Đó có thể là những con số đáng mơ ước của nhiều ngôi trường trong cả nước. “Mỗi giáo viên ở đây đều phải rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu và phải có “nét riêng”, tư duy đột phá để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời kỳ mới. Sự đào thải trong môi trường trường chuyên rất lớn, nếu không “làm mới” bản thân thì sẽ là những tiết học tẻ nhạt” - thầy Nguyễn Xuân Linh, giáo viên ngữ văn, Trường THPT chuyên Thăng Long, thổ lộ.
Giờ ra chơi, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, phía chân núi Lang Biang rộn ràng trong nắng mai. Hiệu trưởng Hoàng Thị Cúc Huyền cho biết hiện trường có 34 cán bộ, giáo viên và nhân viên; trong đó có 20 giáo viên đều đạt chuẩn, hơn 92% trên chuẩn. “Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhà trường quyết tâm triển khai ứng dụng CNTT trong giảng dạy từ năm 2008. Cùng với việc giúp giáo viên nâng cao kiến thức, tính sáng tạo trong những tiết học; giờ đây, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số đã rất thích thú với những tiết học sinh động” - Hiệu trưởng Hoàng Thị Cúc Huyền chia sẻ.
|
Trước giờ vào lớp của các em học sinh Trường THCS Ka Đô (huyện Đơn Dương). Ảnh: Mai Văn Bảo |
Khơi dậy nhiệt huyết và trách nhiệm
Để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đáp ứng chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục Lâm Đồng tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ theo tiêu chuẩn mới; rà soát tinh giản, bố trí, sắp xếp đội ngũ phù hợp với yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương, bảo đảm số lượng, đáp ứng về chất lượng. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Quang Long, ngành luôn chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu, lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tổ chức, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp; có chế độ, chính sách phù hợp trong phát triển đội ngũ nhà giáo… “Ngành luôn chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá đội ngũ; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng thiết thực, hiệu quả; quan tâm việc nêu gương nhà giáo tiêu biểu, nhằm khơi dậy nhiệt huyết và trách nhiệm, niềm tự hào nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo” - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng chia sẻ.
Ngành giáo dục Lâm Đồng cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động, như “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cho rằng, với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục địa phương, chất lượng, hiệu quả giáo dục – đào tạo được nâng rõ nét, toàn diện và thực chất; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng nâng lên, đáp ứng nhu cầu dạy học. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, ngành giáo dục tỉnh nhà cần tập trung đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương; chủ động thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Đồng thời, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành có giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục…
|
Giờ tin học tại Trường tiểu học Liêng Srônh (huyện Đam Rông). Ảnh: Mai Văn Bảo |
Năm học mới, ngành giáo dục Lâm Đồng đề ra chín nhóm nhiệm vụ để triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục – đào tạo… “Con người là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của việc đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục – đào tạo. Vì vậy, ngành giáo dục Lâm Đồng đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; nâng cao đạo đức nhà giáo và thực hiện tốt các chính sách phát triển đội ngũ chất lượng” - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Quang Long cho biết thêm.
MAI VĂN BẢO