Ngày 10/12, tại thành phố Đà Lạt, cùng với các Vườn Quốc gia (VQG) của Việt Nam, VQG Bidoup - Núi Bà chính thức đón Chứng nhận các Vườn Di sản ASEAN...
Ngày 10/12, tại thành phố Đà Lạt, cùng với các Vườn Quốc gia (VQG) của Việt Nam, VQG Bidoup - Núi Bà chính thức đón Chứng nhận các Vườn Di sản ASEAN. Nhưng, trước đó, các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp nghiên cứu xây dựng một dự án (DA) đánh giá đa dạng sinh học (ĐDSH) nhằm cung cấp những dữ liệu quan trọng để nhà quản lý hướng đến xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới.
|
Các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam nghiên cứu hệ thực vật tại Bidoup - Núi Bà. Ảnh: M.Đạo |
VQG Bidoup - Núi Bà (Vườn) thành lập ngày 19/11/2004 theo Quyết định 1240/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có tổng diện tích vùng lõi 65.143,47 ha và vùng đệm 33.966 ha, trải dài từ đai độ cao 600 m đến 2.287 m. Nếu Việt Nam là trung tâm ĐDSH của thế giới, các hệ sinh thái tự nhiên phong phú, thì VQG Bidoup - Núi Bà là một trong bốn trung tâm ĐDSH của Việt Nam; một trong 221 vùng chim đặc hữu quốc tế (EBA) với 3 vùng chim quan trọng (IBA)… Các loài thực vật đã được ghi nhận tại Vườn có 39 loài đặc hữu, phân bố hẹp, được la tinh hóa như mẫu chuẩn theo tên Đà Lạt, Langbiang, Bidoup. Đây là vùng địa lý sinh học cây hạt trần Việt Nam với 14 loài trong tổng số 33 loài của Việt Nam. Nhiều loài đặc hữu cao nguyên Langbiang có giá trị cao về khoa học. Vườn Bidoup - Núi Bà chiếm gần 1/6 về đa dạng thực vật có mạch của Việt Nam. Hệ thực vật rất đa dạng, phân bố theo đai độ cao, với 5 kiểu rừng chính: rừng kín thường xanh núi trung bình, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim, rừng thưa lá kim á nhiệt đới, rừng lùn núi cao, rừng rêu. Vườn có khoảng 1.946 loài thực vật có mạch đã được ghi nhận, gồm 91 loài đặc hữu, 73 loài có trong Sách Đỏ Việt Nam, 132 loài có nguy cơ bị đe dọa được ghi nhận trong danh mục của IUCN. Một nghiên cứu về đa dạng thực vật tại vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Langbian mới đây cùng nhóm các nhà khoa học Trường Đại học (ĐH) Kyushu, Nhật Bản, tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Ngọc, Trường ĐH Đà Lạt cho biết: “Những năm gần đây, đã có rất nhiều loài mới được phát hiện và mô tả, như: Mộc lan Bidoup (Magnolia bidoupensis), Đa tử trà hương (Polyspora huongiana), Trà mộc (Camellia ligustrina), Nam tinh langbian (Arisaema langbianense), Giang ly noan (Billolivia noanii), và Giang ly truc (Billolivia trucii)… Điều này chứng tỏ rằng hệ thực vật tại Khu DTSQ thế giới Langbian còn nhiều bí ẩn, cần tiếp tục được nghiên cứu để đánh giá chính xác mức độ đa dạng thực sự của nó”. TS Ngọc còn cung cấp thêm: Từ năm 2012 đến nay, được sự tài trợ của Bộ Môi trường Nhật Bản, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 8 chuyến điều tra thực địa tại hàng loạt các địa điểm và ô tiêu chuẩn trong VQG. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Bidoup - Núi Bà và các khu vực lân cận có hệ thực vật núi cao đa dạng nhất khu vực Đông Nam Á. Nhóm đã thu được 3.200 tiêu bản thực vật, phát hiện và mô tả 7 loài thực vật mới, đặc hữu cho Vườn. Tháng 3/2019, sách ảnh cho hệ thực vật VQG Bidoup - Núi Bà (tập I: Khu hệ thực vật Langbian) đã được xuất bản, trong đó có 117 loài thực vật thuộc 43 họ và 75 chi được ghi nhận, các thông tin về vật hậu của 20 loài ưu thế của khu vực này cũng được cung cấp, 19 loài được đề xuất là loài mới cho khoa học. TS Nguyễn Văn Ngọc nói: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xuất bản thêm 2 tập sách ảnh cho hệ thực vật VQG, đồng thời chúng tôi sẽ kết hợp các kết quả nghiên cứu hình thái, vật hậu học và các bằng chứng phân tử để biết chính xác: (1) Mức độ đa dạng của hệ thực vật VQG Bidoup-Núi Bà? (2) Còn bao nhiêu loài mới chưa được ghi nhận tại VQG? (3) Bao nhiêu loài đặc hữu? Những kết quả này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng các chiến lược bảo tồn và khai thác bền vững”.
Cùng với quá trình nghiên cứu trên, ngày 7/10/2019, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ xin phép tiếp nhận DA “Đánh giá ĐDSH và xây dựng hệ thống bảo tồn ở khu vực miền núi phía Nam của Việt Nam” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) viện trợ không hoàn lại từ nhóm các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản như các TS Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Thị Bình, Lê Văn Hương, các giáo sư (GS) Akiko Satake, Tetsukazu Yahara, Yoshihisa Suyama, Kaoru Kitajima,... Thời gian dự kiến thực hiện DA 5 năm (2020-2025); địa điểm thực hiện VQG Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng và Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Khánh Hòa. DA gồm 4 hợp phần: (1) Đánh giá ĐDSH sử dụng phương pháp giải trình tự trên toàn hệ gen (MIG-seq); (2) Đánh giá sự phản ứng của thực vật với biến đổi khí hậu sử dụng các phân tích biểu hiện gen (RNA-seq); (3) Đánh giá vòng tuần hoàn vật chất trong các hệ sinh thái rừng; (4) Xây dựng kế hoạch bảo tồn có hệ thống và đồng quản trị thích ứng về ĐDSH.
Trong Khu DTSQ của UNESCO, khung pháp lý đã được phát triển vào năm 1996 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “Tập hợp tất cả các nhóm lợi ích và các lĩnh vực trong cách tiếp cận hợp tác với DTSQ cả ở cấp độ địa điểm và mạng lưới”. GS Tetsukazu Yahara (Trường ĐH Kyushu) đã làm việc với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Khoa học của Di sản thiên nhiên thế giới đảo Yaku, Nhật Bản, nơi đã được công nhận Khu DTSQ của UNESCO và ông đã có kinh nghiệm quản trị thích nghi trong Khu DTSQ bao gồm phương pháp hợp tác và quản lý thích nghi. Dựa trên những kinh nghiệm này, DA sẽ góp phần phát triển quản trị thích ứng ở VQG Bidoup-Núi Bà và Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Để thực hiện DA, Trường ĐH Đà Lạt và ĐH Kyushu đã có Biên bản ghi nhớ hợp tác. Trong khuôn khổ DA SATREPS, ĐH Kyushu sẽ độc lập đề xuất Chính phủ Nhật Bản tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho DA (do ĐH Đà Lạt đề xuất), các nhà khoa học của Nhật Bản sẽ được Chính phủ Nhật Bản tài trợ khoản kinh phí độc lập để tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho DA. Việc tổ chức quản lý và thực hiện DA được thực hiện đồng thời cả ở 2 phía Nhật Bản và Việt Nam. Trong đó, tổ chức quản lý tại Nhật Bản do GS Akiko Satake sẽ làm chủ nhiệm DA, quản lý 4 nhóm chịu trách nhiệm cho 4 hợp phần; tổ chức quản lý tại Việt Nam do Khoa Sinh học Trường ĐH Đà Lạt là đơn vị trực tiếp thực hiện. Theo đó, TS Nguyễn Văn Ngọc làm chủ nhiệm DA, sẽ tham mưu Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt tổ chức Ban chỉ đạo DA gồm các cán bộ của UBND tỉnh Lâm Đồng, Trường ĐH Đà Lạt, VQG Bidoup-Núi Bà, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và các thành viên liên quan khác…
MINH ĐẠO