Trước thềm Festival Hoa Ðà Lạt lần thứ VIII - năm 2019, lãnh đạo thành phố cho chúng tôi biết: Tổng diện tích trồng hoa ở Ðà Lạt hiện nay gần 9.000 ha, chiếm 70% sản lượng hoa cả nước...
Trước thềm Festival Hoa Ðà Lạt lần thứ VIII - năm 2019, lãnh đạo thành phố cho chúng tôi biết: Tổng diện tích trồng hoa ở Ðà Lạt hiện nay gần 9.000 ha, chiếm 70% sản lượng hoa cả nước. Vâng, 14 năm tổ chức thành công 8 kỳ Festival, mặc nhiên, sự chung sức quan trọng hàng đầu thuộc về các nhà vườn. Không ai khác, những người bình dị, một nắng hai sương làm nên thương hiệu độc quyền “Ðà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Họ làm nên bản giao hưởng ngành hoa!
|
Với Đà Lạt lối đi nào cũng có hoa. Ảnh: Minh Ðạo |
Đà Lạt được biết đến kể từ năm 1893, khi bác sĩ người Pháp là Alexandre John Émile Yersin thám hiểm tìm ra. Với nghề canh nông, sau đó 5 năm, kể từ Missigbrott (viên sĩ quan tùy tùng của phái đoàn thám hiểm người Pháp) lập một vườn rau và chăn nuôi gia súc vào tháng 9 năm 1898, bước khởi đầu của nông trại Đăng Kia. Báo cáo ngày 15/12/1901 của Trạm trưởng A.D’André ghi nhận trồng thử nghiệm nhiều loại cây; trong đó về hoa: “Năm nay, một số lượng tương đối lớn giống hoa được trồng thử... Tôi theo dõi các giống hoa cho kết quả tốt nhất và ít tốn công chăm sóc. Nói chung, có thể nói hoa ở Pháp và các vùng ôn đới rất thích hợp trên Lang Bian. Hoa phát triển tối đa và đẹp rực rỡ. Hầu hết các giống hoa đều cho hạt tốt đã được thu hái và giữ làm giống” (Nguyễn Hữu Tranh - “Đà Lạt năm xưa”, Nhà Xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, trang 100). Cuối năm 1908, Trạm nông nghiệp được dời về Đà Lạt…
Nhân chứng hiếm hoi tôi được gặp, ông Nguyễn Ngọc, sinh ra và lớn lên tại Đăng Kia, con của cụ Nguyễn Đắc Cam, sinh năm 1905. Phải chăng sự cố kết, đùm bọc nhau và cần nhẫn của cộng đồng mấy chục nông dân Việt quê Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi… bỏ xứ đến nơi sơn lam chướng khí để làm cho người Pháp đã khắc sâu tâm trí lão nông Nguyễn Ngọc dù đã ngoài bảy mươi tuổi. Ông liệt kê vanh vách 20 nông dân thuộc thế hệ đầu tiên làm nông sản ở Trạm. Ông kể bằng sự tri ân, còn tôi thì kính phục. Năm 1947, dòng Đăng Kia được đắp làm hồ chứa nước thủy điện, những nông dân làm thuê cho Trạm nông nghiệp Lang-Bian di cư về hướng nam, thành phố Đà Lạt hôm nay. Cụ Nguyễn Quyên và Lê Văn Lưu về Phước Thành, 18 cụ bám trụ với nghề canh nông tại làng Đa Phú, Phường 7. Cùng với rau, họ trồng một số giống hoa châu Âu như cát tường, cẩm chướng, cúc, địa lan, hồng môn… Ông Nguyễn Ngọc rỉ rả kể “thời Đăng Kia”: Hồi đó, những người Việt làm công cho Trạm rồi khai phá thêm một ít đất quanh vùng để trồng các loại rau, vừa bán cho khách sạn vừa bán tại chợ Đà Lạt (gánh bộ từ 3 giờ sáng mới ra đến nơi). Tất cả đều bằng thủ công, dùng cuốc và nỉa làm đất, gánh nước từ suối lên tưới từng thùng… Ông ngắm ra thung lũng hoa để nói về “thời Đa Phú”: “Bây giờ làm đất có máy, tưới nước bằng hệ thống nhỏ giọt tự động và chở đi cũng bằng ô-tô… Kỹ thuật sản xuất không áp dụng theo lối xưa nữa, thay đổi liên tục à”…
***
Mặc dù những người lập làng Đa Phú là nông dân trồng hoa đầu tiên, nhưng có thể hiểu là manh nha, khúc dạo đầu của bản giao hưởng về Đời Người - Đời Hoa. Phải từ năm 1938, trồng hoa mới là nghề thực thụ. Những nông dân trồng hoa gốc tỉnh Hà Đông ở các làng Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá, Tây Tựu, Xuân Tảo, Vạn Phúc thiên di từ miền Bắc vào vùng Nam Tây Nguyên theo chiêu mộ của Tổng đốc Hoàng Trọng Phu và Thương tá Canh nông tỉnh Hà Đông Lê Văn Định tổ chức. Sử sách ghi lại: Ngày 29 tháng 5 năm 1938, ba mươi ba thanh niên, gồm 27 nam và 6 nữ, được tuyển chọn về sức khỏe tốt, huấn luyện kỹ phương thức canh tác tiên tiến của châu Âu lên tàu hỏa cùng những nông cụ, nồi niêu, giống rau, hoa châu Âu, cùng tâm trạng háo hức mở cõi lẫn lo sợ về rừng thiêng nước độc. Đầu năm 1939, thêm 19 người vào; từ năm 1940 đến năm 1942 thêm 47 người nữa. Cuối năm 1943, ấp Hà Đông đã có 57 gia đình, chung lưng đấu cật xây dựng quê mới trên vùng đất sình lầy khoảng 64 ha, neo theo thung lũng thượng nguồn hồ Vạn Kiếp. Những bậc tiền bối lập nên ấp Hà Đông nay đã về bên kia thế giới, nhưng họ tạo dựng một Hà Đông xứng danh “làng nghề hoa” ở Phường 8 nổi tiếng của Đà Lạt. Người còn lại là ông Ngô Văn Ngôn, xấp xỉ tuổi 90. Theo hồi ức của ông Ngôn, những ngày xưa ấy, cũng như nhiều vùng đất Đà Lạt, để làm ra hương hoa cho đời, người nông dân phải lam lũ giữa sương giá bao phủ, thú rừng hung dữ rập rình. Nhiệt độ có lúc xuống tới 5oC, người trồng rau hoa vẫn phải dầm thân cho kịp thời vụ. Đời Hoa lắm lúc héo hon vì thời tiết khắc nghiệt; còn Đời Người ngày thêm luyện tôi ý chí vượt khó khổ và bồi đắp kinh nghiệm để thích ứng. Nghề trồng rau hoa của nông dân ấp Hà Đông ngày càng thu hái được quả ngọt, hương sắc đúng nghĩa. Năm 1945, triều đình Huế đã ban sắc phong “tòng cửu phẩm” cùng tiền và gạo tưởng thưởng cho 16 nông dân Hà Đông vì có công tạo dựng một vùng làng xã canh nông.
Láng giềng với ấp Hà Đông là ấp Nghệ Tĩnh, từ năm 1975-1985, hai ấp từng hợp nhất thành Tập đoàn 3 Đông Tĩnh. Ấp Nghệ Tĩnh do quan Quản đạo Đà Lạt là Phạm Khắc Hòe đưa dân Nghệ Tĩnh vào lập sau ấp Hà Đông, năm 1940. Ban đầu khoảng 36 ha đất cấp cho 70 hộ dân, sau đó mở rộng diện tích dần. Nhân vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển ấp Nghệ Tĩnh mà tôi gặp là cụ Nguyễn Thái Huyền, nay đã 92 tuổi, sinh ra ở huyện Đô Lương, theo bố mẹ vào thị xã Đà Lạt năm 1935. Ông nhớ nhiều về đời sống người dân ấp Nghệ Tĩnh. Theo ông, sản xuất nông nghiệp chủ yếu rau và hoa nhưng không đủ nhân lực phải thuê lao động bản địa. Giống cây mua của người Pháp, phân cá mua tại Phan Rang… “Đà Lạt rất rét, luôn có tuyết rơi. Tôi rất nhớ vì có chuyện thế này. Tuyết phủ rọ ươm (cây giống), bông đóng kín, bà con nấu nước ấm đổ lên cho tan tuyết… Thế rồi chết luôn cây…”. Ông Huyền chậm rãi nói, nhấp ngụm trà, nhìn ra con đường Nguyễn Công Trứ tấp nập dòng người, để giàu thêm suy nghiệm. Nhưng “dân xứ Nghệ” vốn cần cù, chịu khó, siêng năng học hỏi để ngày thêm “dần dần đủ ấm” như ông Huyền nhận xét... Cùng họ với ông Huyền, nhiều công lao với Đà Lạt là kỹ sư canh nông Nguyễn Thái Hiến, vào Đà Lạt năm 1927. Ông Hiến tích cực đưa nhiều giống rau hoa từ Pháp vào Đà Lạt, trong đó có bà con ấp Nghệ Tĩnh. Khi làng hoa Hà Đông và làng rau Nghệ Tĩnh phát triển, nông sản vượt nhu cầu, ông Nguyễn Thái Hiến đã nghĩ đến việc thành lập thương điếm để tiêu thụ cho nông dân. Hoa Đà Lạt theo “ngạch” này mà đến với nhiều vùng trong đất nước và các quốc gia… Bây giờ khác xưa lắm rồi. Anh Nguyễn Thái Mai, thế hệ sau của những người lập ấp, tổ trưởng Nghệ Tĩnh 3 cho tôi biết: 100% diện tích rau và hoa của ấp đều ứng dụng công nghệ cao; doanh thu bình quân từ hoa mỗi năm trên 1 ha khoảng 250 triệu đồng trở lên.
***
Thành phố Đà Lạt được mệnh danh là “thiên đường Tình Yêu”, nhờ cảnh quan và khí hậu. Trong không gian Tình Yêu ấy, có một nơi trở thành linh hồn, ở đó là thủ phủ của loài hoa “tình yêu và hiến dâng”. Tôi tra cứu danh pháp loài thực vật này, chi là “Rosa”, họ là “Rosaceae”; hội nghĩa latinh giữa rosa (hoa hồng) với ros (mưa và sương), thì “Hoa Hồng” là biểu tượng của sự tái sinh, phục sinh, của tình yêu và dâng hiến. Vâng, đây là hoa hồng làng Vạn Thành, phường 4. Năm 1954, những cư dân tỉnh Hà Nam (vốn là vùng đất hình thành từ lòng đáy biển cổ xưa), di cư vào Nam, neo vào vùng non cao cách nơi quê quán 1.500 m về độ cao, đó là Đà Lạt. Cũng như nông dân các ấp khác, những tháng ngày đầu định cư, dân Vạn Thành trồng rau làm cây chủ lực. Hơn chục năm sau, khoảng chục người Vạn Thành bắt đầu cắm những cây hoa xuống đất, như là thú chơi tao nhã của kẻ sĩ Bắc Hà. Tiên phong cuộc “chuyển đổi” ấy là cụ Nguyễn Văn Sáu và cụ Vũ Như Lâm, cùng quê huyện Duy Tiên. Cụ Lâm mất năm 2012 và được thành phố Đà Lạt suy tôn “nghệ nhân trồng hoa” cách đây 10 năm. Tiếc cho cụ Sáu mất khi thành phố chưa có chủ trương này…
Tôi bước qua chiếc cầu tạm của con suối nhỏ róc rách thứ ngôn ngữ đại ngàn để khom vào khu vườn nhà kính, bắt gặp ngay ông Nguyễn Văn Quỹ, người con trưởng của cụ Sáu. Ông bảy mươi tuổi, đôi tay vẫn thoăn thoắt ghép cây giống hoa hồng. Gieo duyên một lúc ông mới mở lòng với tôi về những ngày đầu khởi thủy làng hoa. Để thỏa thú chơi, cụ Lâm và cụ Sáu tìm giống hoa hồng ghép trồng thí nghiệm trên khoảnh đất vỡ vạc bên mép suối dưới triền. Ông Quỹ kể: “Tôi chở cụ bằng chiếc xe “sáu bảy” đi mua giống. Đến Thái Phiên mua mấy bụi hoa chong chóng, còn gọi là hoa đồng tiền (gerbera); đến Trại Hầm mua giống hoa hồng bê-bê và sang khu mười tám (gần thác Cam Ly) mua giống hoa xác pháo (salvia splendens)”… Câu chuyện giữa chúng tôi nhận được cộng hưởng từ anh Vũ Thế Hào, con thứ hai của cụ Lâm: “Tôi nhớ mãi… Lúc giải phóng Đà Lạt năm 1975…, cả nhà chạy loạn xuống Sài Gòn. Sau một tháng quay lại, cả một vườn hồng ba tôi trồng nở đỏ rực…!”. Vâng, hoa hồng là tình yêu thương mà, chẳng thuộc về chiến tranh. Những năm 700 trước Công nguyên, thần thoại Hy Lạp từng miêu tả thần Venus trao bông hồng cho Eros để chàng trở thành vị thần bảo hộ Tình Yêu đó sao! Thế nhưng, đắng lòng hơn khi nghe ông Quỹ tâm sự: Những năm 1973, 1974, chiến tranh ác liệt nên hoa không có ai chơi và gần mười năm sau, nông dân chỉ dành đất trồng rau và su su để chống đói... Bỏ thì thương vương thì khổ, hoa hồng với người Vạn Thành là vậy. Như đôi lứa, đã yêu nhau là quấn quýt, thủy chung, chẳng muốn rời xa. Chả khác sự yêu trong bài thơ “Vô đề” của nhà thơ thời Đường Lý Thương Ẩn: “Tương kiến thì nan biệt diệc nan” (Gặp gỡ nhau đã khó, chia lìa nhau lại càng khó). Bởi thế, nông dân Vạn Thành vẫn giữ lại nơi góc vườn, chỗ hồi nhà mấy cụm hoa hồng cho đỡ nhớ nhung và vơi luyến tiếc… Họ mong trở lại thời hoàng kim của hoa hồng vào năm 1972 như ông Quỹ hào hứng chia sẻ: “Lúc đó, nhà tôi chỉ có khoảng năm sào bông hồng nhưng giá cao lắm, ba hào một bông, ngày lễ tết lên đến một đồng. Cụ nhà tôi tự hào nói: thu nhập của cụ bằng lương của bộ trưởng, một trăm ngàn đồng/tháng đấy!…”. Nhưng nghề níu nghiệp. Dân Vạn Thành “biết làm gì khác đâu, ôm vườn mà sống” như ông Quỹ nói. Vẫn phải chìm nổi Đời Hoa - Đời Người…
Thật may mắn, con cháu cụ Sáu, cụ Lâm nối nghiệp bậc tiền nhân. Làng Vạn Thành bây giờ có hơn 200 hộ trồng hoa với hơn 200 ha. Các loại hoa hồng cũ nhường chỗ cho hàng chục loại hoa hồng mới: cánh sen, vàng ánh trăng, trắng xoáy, cam ù, hồng nhung, hồng phấn, hồng song tỉ, hồng kiss… của Hà Lan, của Italia… Để đạt cành hồng chất lượng cần quy trình kiên nhẫn kéo dài 1 năm mới thu hoạch...
Bút ký: TĨNH XUYÊN