Để học sinh sáng tạo với môn Mĩ thuật

06:12, 20/12/2019

Thay vì chỉ vẽ và tô màu, học sinh tiểu học được thỏa sức sáng tạo với nhiều kỹ thuật như nặn, cắt, xé dán, vẽ biểu cảm, vẽ theo nhạc, tạo hình 3D… giúp các em phát huy khả năng sáng tạo...

Thay vì chỉ vẽ và tô màu, học sinh tiểu học được thỏa sức sáng tạo với nhiều kỹ thuật như nặn, cắt, xé dán, vẽ biểu cảm, vẽ theo nhạc, tạo hình 3D… giúp các em phát huy khả năng sáng tạo. Đây là kết quả của việc đổi mới dạy học môn Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch (dạy Mĩ thuật theo phương pháp mới) được triển khai tại các trường tiểu học trên địa bàn huyện Di Linh trong thời gian qua. 
 
Dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch giúp phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Ảnh: T.Hương
Dạy học Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch giúp phát huy khả năng sáng tạo của học sinh. Ảnh: T.Hương
 
Chỉ từ 10 trường được chọn dạy thí điểm trong năm học 2015 - 2016, đến nay, 100% các trường tiểu học trên địa bàn huyện Di Linh đã thực hiện dạy học môn Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch. Đây cũng là địa phương được Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng đánh giá triển khai tốt việc dạy Mĩ thuật theo phương pháp mới. 
 
Theo bà Đặng Thị Thu - Chuyên viên Giáo dục Tiểu học Phòng GDĐT huyện Di Linh: Thuận lợi của địa phương là ngay từ khi Bộ GDĐT triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới, Di Linh may mắn có một giáo viên Mĩ thuật được tham gia lớp tập huấn do Bộ tổ chức. Sau đó, thực hiện sự chỉ đạo của Sở GDĐT, Phòng GDĐT Di Linh đã tổ chức tập huấn lại cho cán bộ quản lý và tất cả giáo viên dạy môn Mĩ thuật về các kỹ thuật tổ chức dạy học môn Mĩ thuật theo định hướng phương pháp mới của Đan Mạch trong trường tiểu học. 
 
“Khi bắt đầu triển khai dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới, các trường được lựa chọn dạy thí điểm không dạy tất cả các bài mà lựa chọn một số bài học riêng lẻ cho giáo viên xây dựng thành chủ đề và thực hiện. Trong quá trình thực hiện, Phòng GDĐT phân công cán bộ, giáo viên thường xuyên dự giờ tư vấn hỗ trợ giáo viên. Cuối năm học tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm, các giáo viên đánh giá rất cao hiệu quả của phương pháp dạy học mới mang lại”, bà Thu cho hay. 
 
Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong việc áp dụng những phương pháp mới dạy học Mĩ thuật cấp tiểu học và được tham gia lớp tập huấn dạy Mĩ thuật theo phương pháp Đan Mạch do Bộ GDĐT tổ chức, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Duy Huyên - Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho rằng: “Điểm nổi bật của phương pháp dạy học mới môn Mĩ thuật là giáo viên có thể chủ động theo từng nội dung tiết dạy và kết hợp nhiều quy trình trong một bài dạy như vẽ biểu cảm, vẽ cùng nhau, xây dựng cốt chuyện, tạo hình con rối 2D/3D… Thông qua những tiết học Mĩ thuật hấp dẫn theo từng chủ đề, học sinh đã tạo được những sản phẩm độc đáo, thể hiện sự sáng tạo và cảm thụ cuộc sống một cách sinh động. So với phương pháp truyền thống thì phương pháp mới phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, học sinh tích cực, hào hứng tham gia các hoạt động hơn. Các em được cùng làm việc, cùng nhau sáng tạo ra các sản phẩm môn học giúp nâng cao tinh thần hợp tác, làm việc nhóm, vừa phát huy được khả năng của những em có năng khiếu mà không làm những em không có năng khiếu bị tự ti, mặc cảm. Do vậy, tiết học thoải mái và sinh động hơn, học sinh rất thích thú, thậm chí có nhiều em còn mong chờ tới các giờ học Mĩ thuật. Với phương pháp mới, học sinh vừa học, vừa chơi, vừa sáng tạo và các em có cơ hội thực hành, ứng dụng trong học tập và cuộc sống nhiều hơn. Ưu điểm của phương pháp này là học sinh được tự do sáng tạo và khám phá ra những điều mới mẻ trong mỗi tiết học. Phương pháp mới còn phát triển khả năng giao tiếp, khả năng thuyết trình sản phẩm của học sinh trước lớp”.
 
Cũng theo bà Đặng Thị Thu - Chuyên viên Giáo dục Tiểu học Phòng GDĐT Di Linh, việc dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh, đáp ứng được mục tiêu dạy học Mĩ thuật theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Do đó, trong thời gian tới, Phòng GDĐT Di Linh tiếp tục chỉ đạo các nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, môi trường học tập, trang thiết bị, dụng cụ học tập... để học sinh có một môi trường học tập ổn định, năng động và sáng tạo; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên được chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng thời khóa biểu, nội dung phương pháp dạy học hợp lý, thay đổi không gian dạy học phù hợp với chủ đề. Các giáo viên dạy Mĩ thuật cần nắm vững nội dung trọng tâm của môn Mĩ thuật, quan tâm xây dựng kế hoạch dạy học theo chủ đề một cách linh hoạt; trong quá trình dạy học cần phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh, khuyến khích và hướng dẫn học sinh tích cực tham gia các cuộc thi vẽ tranh như cuộc thi “Chiếc ô tô mơ ước” và “Ý tưởng trẻ thơ”. 
 
Bên cạnh đó, Phòng GDĐT Di Linh cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh, cộng đồng về chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong đó có môn Mĩ thuật. Qua đó, giúp hiểu đúng mục tiêu, vai trò của dạy học Mĩ thuật trong trường tiểu học để đội ngũ cán bộ, giáo viên có định hướng, chuẩn bị tâm thế tốt khi thực hiện Chương trình GDPT mới. Đặc biệt, làm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng đồng hiểu dạy học môn Mĩ thuật trong trường tiểu học không nhằm đào tạo các em trở thành họa sĩ mà thông qua các hoạt động để khơi gợi và phát huy khiếu thẩm mỹ vốn có ở trẻ, gây hứng thú cho các em trước cái đẹp tiến tới hình thành thị hiếu thẩm mỹ của riêng mình trong cuộc sống hằng ngày.
 
TUẤN HƯƠNG