Giai đoạn 2019-2021, ngành Giáo dục huyện Đơn Dương đã có phương án sắp xếp lại trường lớp gắn với bố trí số lượng cán bộ, viên chức trong hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn,...
Giai đoạn 2019-2021, ngành Giáo dục huyện Đơn Dương đã có phương án sắp xếp lại trường lớp gắn với bố trí số lượng cán bộ, viên chức trong hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng hiệu suất lao động của đội ngũ giáo viên các bậc học.
|
Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện để đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Ảnh: H.Thắm |
Theo ông Nguyễn Văn Kháng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đơn Dương, một trong những điều kiện thuận lợi giúp ngành Giáo dục Đơn Dương có được thành tích như ngày hôm nay đó chính là quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ việc là một trong những huyện NTM của cả nước vào năm 2014 cho đến nay, quá trình đi lên NTM kiểu mẫu cũng giúp cho các yếu tố về cơ sở vật chất, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia... được đầu tư, cải thiện nhiều hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, quy mô trường, lớp học trên địa bàn còn những điểm không phù hợp như còn dàn trải, nhiều điểm trường điểm có số lượng học sinh ít, bình quân học sinh/lớp ở các cấp học còn thấp so với lượng tối đa mà điều lệ mỗi cấp học quy định. Việc quản lý, sử dụng đội ngũ nhân viên thuộc nhóm hỗ trợ ở một số đơn vị chưa phù hợp. Do đó, việc tinh giản biên chế là cần thiết để giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng hiệu suất lao động của đội ngũ giáo viên các bậc học.
Đó cũng là để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả. Đồng thời khắc phục tình trạng dàn trải và trùng lắp, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; giảm tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức.
Hiện nay, toàn huyện Đơn Dương có tổng số 48 trường.
Mục tiêu đến năm 2021 sẽ tiến hành sáp nhập 5 trường THCS với trường tiểu học (TH) thành trường có nhiều cấp học, đạt tỉ lệ 10,41%.
Cụ thể, sẽ sáp nhập TH Đường Mới và TH Lâm Tuyền thành Tiểu học Lâm Tuyền; sáp nhập Trường TH Lạc Xuân và THCS Châu Sơn thành Trường TH&THCS Lạc Xuân; thành lập Trường TH&THCS Kambute từ Trường TH Kambute và THCS Kambute; TH Đạ Ròn và THCS Đạ Ròn nhập thành TH&THCS Đạ Ròn; TH Châu Sơn và TH Lạc Viên sáp nhập thành Trường TH Lạc Xuân.
Về tinh giản biên chế, năm 2015 số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục của UBND huyện là 1.532 người, đến nay đã giảm được 75 người, đạt tỉ lệ 4,9%. Dự kiến đến năm 2021 giảm thêm 78 người, tỉ lệ 9,9%. Bên cạnh việc sắp xếp lại các trường học và thực hiện tinh giản biên chế, huyện Đơn Dương sẽ tích cực triển khai việc chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục công lập hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước sang cơ sở công lập tự chủ tài chính theo mô hình xã hội hóa ở một số địa phương có điều kiện kinh tế thuận lợi.
Thực tế không phải giai đoạn này Đơn Dương mới thực hiện sáp nhập các trường mà trong thời gian qua, huyện đã chủ động giải quyết để phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, năm học 2013 - 2014, đã sáp nhập 2 trường TH Nam Hiệp và TH Nghĩa Hiệp, năm học 2016 - 2017 đã tham mưu cho Sở Giáo dục và Đào tạo sáp nhập Trường THPT Ngô Gia Tự và THPT Hùng Vương thành Trường THPT Hùng Vương (thị trấn D’Ran) như bây giờ.
“Với đặc thù ở địa phương, các trường trong diện sáp nhập ở cách nhau chỉ khoảng vài trăm cho đến 1 km. Có nhiều lợi ích nhìn thấy được, mà đầu tiên là cơ sở vật chất. Các em học sinh có cơ hội học ở điểm chính, được tiếp cận các điều kiện dạy và học tốt hơn, cơ sở vật chất và phòng chức năng cũng tốt hơn. Từ đó, chất lượng giáo dục đào tạo được nâng cao rõ rệt. Vừa qua, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh học sinh và được 100% đồng ý”, ông Kháng cho hay.
Tuy nhiên, huyện cũng chủ trương là phải căn cứ vào tình hình thực tế về số lượng lớp, học sinh của từng địa phương, không nên thực hiện theo cơ học là mỗi địa phương phải giản 10%, làm vậy để không tạo áp lực cho huyện khi giao biên chế cho trường. Và nếu tiến hành tinh giản biên chế như hiện nay thì các trường sẽ không đảm bảo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi cắt các vị trí như y tế, thư viện, thiết bị. Điều này cần được xem xét khi Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định các trường đạt chuẩn quốc gia.
HỒNG THẮM