Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với quyết tâm thoát nghèo, chịu khó làm ăn, đến nay hội viên Hội Nông dân Hoàng Thị Phúc (thôn Liên Châu, xã Tân Châu, huyện Di Linh) đã có cơ ngơi khang trang, vươn lên làm giàu và trở thành "nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" cấp tỉnh.
Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với quyết tâm thoát nghèo, chịu khó làm ăn, đến nay hội viên Hội Nông dân Hoàng Thị Phúc (thôn Liên Châu, xã Tân Châu, huyện Di Linh) đã có cơ ngơi khang trang, vươn lên làm giàu và trở thành “nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh.
|
Mô hình gà đẻ trứng của chị Hoàng Thị Phúc mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.Brừm |
Năm 1990, gia đình chị Hoàng Thị Phúc vào Di Linh (Lâm Đồng) lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Những năm đầu ở vùng quê mới, vợ chồng chị Phúc và các con thơ gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau nhiều năm tích góp từ việc chăn nuôi heo và làm phụ hồ của chồng, với quyết tâm làm giàu, gia đình chị Phúc đã mua đất mở rộng diện tích canh tác cà phê với tổng diện tích 3,6 ha, cuộc sống từng bước được ổn định.
Xác định nếu chỉ độc canh cây cà phê thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thiếu bền vững, do đó chị Phúc đã kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi nhằm nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình. “Với định hướng kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, năm 2015, gia đình tôi quyết định bán 2,6 ha cà phê để có kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống gà nuôi lấy trứng. Lúc đầu vì vốn còn hạn chế, nên gia đình tôi chỉ đầu tư nuôi 2.000 con. Sau hai năm, nhờ giá trứng gà trên thị trường ổn định, có thu nhập khá, năm 2017 tôi quyết định đầu tư kinh phí khoảng 1 tỷ đồng mở rộng chuồng trại để nuôi thêm 3.000 con và nâng tổng số đàn gà hiện nay lên 5.000 con. Thu nhập bình quân mỗi tháng 48 triệu đồng, nếu quy ra cả năm cũng tương đương 576 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Ngoài ra, hàng năm, gia đình còn có thêm nguồn thu 192 triệu đồng từ việc bán phân gà”, chị Hoàng Thị Phúc chia sẻ thêm.
Hiện nay, gia đình chị Phúc đang chuẩn bị mở rộng thêm diện tích chuồng trại để nâng tổng đàn gà hiện nay lên đến 6.000 con. Từ khi thực hiện mô hình kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi, vài năm trở lại đây thu nhập của gia đình chị Phúc đã được nâng lên đáng kể. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình chị Phúc có tổng thu nhập đạt từ 750 - 900 triệu đồng.
Kinh tế phát triển ổn định, vợ chồng chị Phúc đã có điều kiện chăm lo cho con cái học hành thành đạt.
Hiện nay, hai người con trai của anh chị đang hành nghề kiến trúc sư và dược sĩ, còn con gái út đang theo học đại học năm thứ nhất. Bên cạnh đó, gia đình chị Phúc đã đầu tư kinh phí xây dựng nhà cửa khá khang trang, mua sắm các nông cụ, máy móc để phục vụ sản xuất, chăn nuôi và các tiện nghi sinh hoạt gia đình.
Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Liên Châu, ngoài chia sẻ kinh nghiệm, vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như: nuôi gà đẻ trứng, trồng dâu nuôi tằm, nuôi bò sữa... gia đình chị Phúc cũng đã giúp đỡ, hỗ trợ một số gia đình khó khăn về vốn không tính lãi để có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất; đồng thời tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động tại địa phương.
Ông Tôn Thất Thành - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Châu nhận xét: “Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Phúc tích cực vận động gia đình hội viên chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế của địa phương; phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với bà con trên địa bàn để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm giàu”.
Chị Hoàng Thị Phúc vinh dự là một trong những hội viên Hội Nông dân huyện Di Linh được Hội Nông dân tỉnh biểu dương và nhận Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2013 - 2018.
NDONG BRỪM