(LĐ online) - Chiều nay, 8/1, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức hội nghị tổng kết công tác Y tế năm 2019 và định hướng nhiệm vụ giải pháp thực hiện công tác y tế năm 2020. PV Báo Lâm Đồng tóm lược một số vấn đề đặt ra của ngành Y tế hiện nay.
(LĐ online) - Chiều nay, 8/1, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức hội nghị tổng kết công tác Y tế năm 2019 và định hướng nhiệm vụ giải pháp thực hiện công tác y tế năm 2020. PV Báo Lâm Đồng tóm lược một số vấn đề đặt ra của ngành Y tế hiện nay.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa tham dự Hội nghị tổng kết ngành Y tế Lâm Đồng năm 2019 |
Một số thành tựu của ngành trong năm 2019 như: Tình hình bệnh dịch lưu hành tại địa phương cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm mới ổn định, không xảy ra dịch lớn. Hoàn thành chỉ tiêu các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số. Chất lượng khám chữa bệnh ngày được nâng cao, triển khai nhiều kỹ thuật mới, tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú, ngoại trú có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao. Sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành (từ 41 đơn vị xuống còn 24 cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp). Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến: 100% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đúng hạn; tỷ lệ sử dụng hộp thư công vụ đạt 100%; triển khai sử dụng văn phòng điện tử Eoffice cho tất cả các đơn vị trực thuộc.
Khó khăn, tồn tại như: Tình hình bệnh dịch lưu hành tại địa phương, đặc biệt là sốt xuất huyết, sốt rét... diễn tiến bất thường; an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là một vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Về công tác khám chữa bệnh: Thiếu bác sĩ chuyên khoa sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh và bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến huyện. Các Phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) hoạt động theo Thông tư số 15-BYT/TT ngày 17/5/1977 của Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức phòng khám bệnh đa khoa khu vực theo Nghị quyết số 15-CP của Chính phủ không thực hiện điều trị người bệnh nội trú ảnh hưởng đến hoạt động của một số PKĐKKV. Sự không thống nhất trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam dẫn đến những khó khăn trong việc khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh. Việc chưa hoặc chậm thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế "vượt trần", "vượt quỹ" gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh; chính sách phân bổ dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn bât cập.
Nguồn nhân lực chưa bảo đảm số lượng vị trí việc làm: Từ năm 2008 đến nay, các đơn vị trong ngành Y tế không được giao đủ số lượng người làm việc theo định mức tối thiểu tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BNV-BYT của Bộ Nội vụ - Bộ Y tế, đặc biệt là một số đơn vị được giao tăng giường bệnh, giao thêm nhiệm vụ; Đề án vị trí việt làm chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến: nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ nghỉ việc nhiều; việc không cho phép hợp đồng lao động làm chuyên môn là không phù hợp với vị trí việc làm trong lĩnh vực y tế vì phải có thời gian thực hành mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Về tài chính: Cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa thanh toán kịp thời kinh phí khám chữa bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị y tế trong ngành. Cụ thể: Kinh phí vượt trần, vượt quỹ năm 2017 – 2018 là 127,8 tỷ đồng (năm 2017: 25,8 tỷ đồng; năm 2018: 102 tỷ đồng). Năm 2019 chưa thực hiện thanh toán, chỉ tạm ứng 80% kinh phí cho các đơn vị. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chưa thống nhất trong các hướng dẫn về thanh quyết toán khám chữa bệnh BHYT, dẫn đến kinh phí của các cơ sở khám chữa bệnh bị chậm thanh toán, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân.
Cơ sở vật chất một số đơn vị đang hoạt động tại nhiều cơ sở dẫn đến tăng chi phí trong quản lý, điều hành: Bệnh viện đa khoa tỉnh (2 cơ sở), Bệnh viện Phục hồi chức năng (2 cơ sở), Trung tâm Y tế Đà Lạt (3 cơ sở), Trung tâm Y tế Bảo Lộc (5 cơ sở)...
|
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận phát biểu khai mạc hội nghị |
Năm 2020, ngành Y tế Lâm Đồng đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Phát triển và hoàn thiện hệ thống, tổ chức bộ máy và mạng lưới y tế cơ sở; phát triển nguồn nhân lực; thực hiện công tác phòng chống dịch, các chương trình y tế - dân số; nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; công tác dược bảo đảm cung ứng đủ thuốc phòng, chữa bệnh có chất lượng; công tác kế hoạch tài chính triển khai thí điểm cơ sở y tế hoạt động tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên, từng bước triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra.
Sở Y tế đã có kiến nghị với Bộ Y tế cần có hướng dẫn về hợp đồng lao động trước khi tuyển dụng đối với nhân viên y tế chưa có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh cho phép ngành Y tế thí điểm đơn vị sự nghiệp hoạt động tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên, bao gồm cả tự chủ về vị trí việc làm; cho phép các đơn vị y tế đang hoạt động trên nhiều cơ sở được sắp xếp bố trí về cùng một địa điểm.
DIỆU HIỀN