Giai đoạn 2011 - 2019, với sự quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), chất lượng giáo dục dân tộc tỉnh Lâm Đồng ngày càng được nâng lên. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục vùng dân tộc.
Giai đoạn 2011 - 2019, với sự quan tâm, đầu tư phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), chất lượng giáo dục dân tộc tỉnh Lâm Đồng ngày càng được nâng lên. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục vùng dân tộc.
|
Các em học sinh DTTS Trường Tiểu học Liêng Srônh học bài sau giờ đến lớp. Ảnh: P.Nhân |
Nâng cao chất lượng giáo dục
Nỗ lực đầu tiên để phát triển giáo dục vùng DTTS phải kể đến sự đầu tư phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục. Cơ sở vật chất trường lớp các cấp học vùng DTTS được quan tâm đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục vùng DTTS được ban hành như: chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; chính sách đối với cơ sở giáo dục; chính sách đối với nhà giáo...
Hiện nay, phần lớn các thôn, bản trong toàn tỉnh đều có lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ mầm non DTTS đến trường được duy trì, ổn định hàng năm. Nếu như năm 2011, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trẻ em DTTS chỉ đạt 16% thì năm 2019 tỷ lệ này đạt 100%. Sở GDĐT đã chỉ đạo triển khai việc tách lớp ưu tiên phát triển các lớp cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng DTTS. Đồng thời, tập trung các biện pháp huy động trẻ đến lớp mẫu giáo 5 tuổi, đáp ứng yêu cầu phổ cập trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ em DTTS chuyển tiếp từ mẫu giáo lên tiểu học hàng năm trên 99%.
Chất lượng giáo dục tiểu học có nhiều chuyển biến rõ rệt. Nhiều địa phương đầu tư cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục và tổ chức môi trường giáo dục thân thiện nhằm thu hút học sinh đến lớp, hạn chế tình trạng bỏ học. Hầu hết các trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số đều thực hiện chương trình giáo dục mới theo hướng dẫn thực hiện chương trình tại vùng khó khăn. Đặc biệt, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em 5 tuổi vùng dân tộc để chuẩn bị tốt khi vào tiểu học. Năm 2011, tỷ lệ học sinh DTTS cấp tiểu học bỏ học 0,49% thì đến năm 2019, tỷ lệ này giảm còn 0,17%. Tỷ lệ học sinh DTTS đi học tiểu học đúng độ tuổi năm 2011 đạt 91%, năm 2019 đạt 99,8%.
Đối với cấp THCS, tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học năm 2011 là 1,31%, năm 2019 giảm còn 0,93%. Tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành cấp THCS là 93% năm 2011, 99,6% năm 2019. Tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS bỏ học còn cao một phần do ảnh hưởng một số hủ tục, tập quán lạc hậu ở vùng DTTS dẫn đến nạn tảo hôn, bỏ học sớm; mặt khác, do ý thức nhiều em không xác định được mục tiêu học tập, không có hứng thú học tập nên dẫn đến bỏ học giữa chừng. Để giải quyết tình trạng này, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối kết hợp tuyên truyền, huy động học sinh DTTS ra lớp. Các nhà trường thành lập tổ tư vấn học đường, tổ công tác xã hội nhằm sớm phát hiện những trường hợp có nguy cơ bỏ học và kịp thời có các biện pháp để ngăn chặn.
Chất lượng giáo dục THPT ngày càng được nâng lên, đa số các trường THPT có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.Tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT khá cao, tuy nhiên tỷ lệ khá, giỏi chưa nhiều.
|
Các trường vùng DTTS được quan tâm đầu tư. Ảnh: V.Hùng |
Giáo dục văn hóa cho học sinh DTTS
Bên cạnh dạy kiến thức, các cơ sở giáo dục chú trọng giáo dục văn hóa cho học sinh DTTS. Vào các buổi chào cờ hay hoạt động ngoại khóa, nhiều trường dành thời gian tuyên truyền về nét đẹp văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc... để học sinh thêm yêu bản sắc văn hóa của dân tộc.
Tại các trường dân tộc nội trú đều hướng đến tổ chức đời sống nội trú văn minh, tiến bộ như: giáo dục học sinh tự chăm sóc bản thân; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nội trú; kỹ năng sử dụng, bảo quản các trang thiết bị được cấp phát và đồ dùng chung trong phòng ở, khu nội trú; giáo dục học sinh kỹ năng phòng tránh tệ nạn xã hội, bạo lực học đường; giáo dục học sinh ý thức lao động phục vụ cuộc sống, lao động nghĩa vụ… Cô Phạm Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Lâm Đồng cho hay: “Một trong những hoạt động giáo dục học sinh được nhà trường chú trọng là giáo dục kỹ năng sống. Từ kỹ năng giao tiếp, ứng xử, ăn uống văn minh lịch sự đến kỹ năng hoạt động nhóm đều được nhà trường tổ chức qua các buổi ngoại khóa. Do đó, những học sinh khi mới vào trường còn rụt rè, nhút nhát thì chỉ sau vài tháng, các em đã mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động. Đặc biệt, nhiều em đã tham gia vào các cuộc thi khoa học kỹ thuật, thi học sinh giỏi...”.
Các trường vùng dân tộc thiểu số còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động giáo dục theo chủ đề, chủ điểm; các hoạt động giao lưu văn hóa và các hoạt động xã hội khác, nhằm bảo tồn và khuyến khích học sinh tìm hiểu, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
VIỆT HÙNG