Về Nam Hà ngày cận tết

06:01, 20/01/2020

Với sự cố gắng bằng nội lực và sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà năm nay đón tết cổ truyền càng phấn chấn khi xuân về. 

Với sự cố gắng bằng nội lực và sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức, xã Nam Hà, huyện Lâm Hà năm nay đón tết cổ truyền càng phấn chấn khi xuân về. 
 
Niềm vui ngày tết đến gần với Trường Tiểu học Hai Bà Trưng, xã Nam Hà
Niềm vui ngày tết đến gần với Trường Tiểu học Hai Bà Trưng, xã Nam Hà
 
Ngày 16/1, Chủ tịch UBND xã Nam Hà, anh Tiêu Văn Bính cho tôi biết, để đón một cái tết an vui và đầm ấm, xã đã phân công các vị lãnh đạo đến hơn 30 hộ đối tượng chính sách thăm và tặng quà; chuẩn bị tổ chức đến 23 hộ nghèo và 70 hộ cận nghèo để động viên và tặng quà của huyện, xã; đặc biệt năm nay có thêm 500.000 đồng/hộ là quà của huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội gửi tặng. Cùng đó, đường làng lối thôn được phong quang sạch đẹp; kế hoạch trực tết của các tổ chức, bộ phận trong xã đã sẵn sàng...
 
Xã Nam Hà thành lập từ năm 2003, hiện có 6 thôn với 1.157 hộ, 4.225 nhân khẩu, theo số liệu điều tra năm 2019. Đến cuối năm 2019, diện tích cà phê của Nam Hà đã chuyển biến tốt về mặt tiến bộ kỹ thuật (ghép chồi 22 ha, đạt 110% kế hoạch; tái canh 12,5 ha, đạt 125% kế hoạch), có 40 ha cà phê năng suất kém chuyển đổi sang trồng rau, hoa, cây ăn quả... Tuy nhiên, do yếu tố khách quan, năm nay năng suất, sản lượng và nhất là giá cà phê giảm mạnh nên hiệu quả kinh tế từ ngành cà phê không còn tác động tích cực đến đời sống người dân Nam Hà. Bù lại, đây là năm Nam Hà có thu nhập cao từ ngành rau, hoa và thanh long ruột đỏ. Toàn xã có tổng diện tích 43 ha rau và 39 ha hoa. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 8 ha dâu trồng mới, 30,7 ha cây tiêu; 56 ha mắc ca (trong đó 1,9 ha trồng thuần, số diện tích còn lại chủ yếu được trồng xen cây cà phê). Cây ăn quả của toàn xã có tới 75 ha; riêng thanh long ruột đỏ 55 ha, trong đó có 30 ha trồng mới; số còn lại là bơ, sầu riêng trồng xen cam và quýt... Nhờ đúc kết kinh nghiệm, sự nỗ lực và khả năng lao động cũng như chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng nên năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của Nam Hà đã đạt 54,6 triệu đồng (tăng 2,6 triệu đồng so với năm 2018). Cùng đó, là chăn nuôi cũng duy trì được tính hiệu quả về kinh tế. Toàn xã có 216 con bò, trong đó 169 bò sữa; 5.480 con heo; 46.800 con gà; 16.300 con vịt. Mặc dù dịch bệnh với heo có lây lan đến xã nên đã làm giảm số lượng, nhưng với gia cầm không xảy ra dịch bệnh, vẫn giữ được tính ổn định và hiệu quả kinh tế...
 
Trong năm 2019, tổng số dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của xã Nam Hà là 111 tỷ đồng với 325 khách hàng; số dư tiết kiệm 27,5 tỷ đồng, không có nợ quá hạn và nợ xấu. Còn tổng số dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 14,6 tỷ đồng với 12 tổ tiết kiệm vay vốn. Số tiền này đã góp phần quan trọng giúp người dân nâng cao đời sống thông qua sử dụng để giải quyết việc làm, tạo vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, chi trả việc xuất khẩu lao động, hỗ trợ học tập đối với học sinh, sinh viên...
 
 Kết thúc năm 2019, xã Nam Hà đã đạt được khá nhiều chỉ tiêu khác thật vui, ngoài thu nhập vừa nêu trên. Đó là: giá trị sản xuất ước đạt 631,18 tỷ đồng, tăng 5,2%; thu ngân sách nhà nước đạt 185% kế hoạch (6.267 triệu đồng); thu ngân sách địa phương đạt 183% kế hoạch (ước đạt hơn 8.725 triệu đồng); tổng chi ngân sách 178% kế hoạch (8.357 triệu đồng); số tiền quỹ các loại đã phân bổ đạt 97% (108,8 triệu đồng). Toàn xã giảm được 8/8 hộ nghèo đã đăng ký, so với năm 2018, hiện còn 23 hộ (1,99%) và 70 hộ cận nghèo (6,05%). Năm 2019, Nam Hà nỗ lực xây dựng nông thôn mới theo lộ trình nâng cao. Theo đó, tiếp tục đầu tư làm 11 tuyến đường bê tông với tổng đầu tư 5.850 triệu đồng, tổng chiều dài hơn 6.000 m; tăng cường bảo hiểm y tế tự nguyện (đạt 84% người dân tham gia); hoàn thiện xây dựng các hạng mục của Trường Tiểu học Hai Bà Trưng, Trường Mẫu giáo Nam Hà hướng đến đạt chuẩn quốc gia 100% trường học trên địa bàn... Khi đời sống nói chung khởi sắc, các lĩnh vực an ninh - chính trị càng ổn định, tính đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới càng được phát huy. 
 
Năm 2020, theo Chủ tịch xã Tiêu Văn Bính, Nam Hà tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là ngành nông nghiệp. Cụ thể, ghép chồi cải tạo cà phê 15 ha; tái canh thêm 7 ha cà phê; trồng mới 18 ha dâu, 12 ha mắc ca, 7 ha cây ăn quả, 13 ha rau và 61 ha hoa... Cùng đó, giữ nguyên 30,7 cây tiêu, 6 ha cây chè,... Một trong những thành công về phát triển nông nghiệp được chú trọng ghi nhận để tiếp tục phát huy đó là tiếp tục thành lập hợp tác xã và xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị và sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là trái thanh long ruột đỏ. Dĩ nhiên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng - an ninh, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường... cùng đó xã đã xây dựng các kế hoạch cụ thể để phấn đấu. Chỉ tiêu xã Nam Hà đặt ra là tăng trên 7% về giá trị sản xuất; thu nhập 57 triệu đồng bình quân trên đầu người; thu ngân sách Nhà nước đạt 100% kế hoạch. Đó còn là trên 90% gia đình văn hóa; dưới 1,5% về hộ nghèo; 11,5% về trẻ em 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế...
 
Với những bước đi vững chắc và sự nỗ lực nội tại, Nam Hà bước vào năm 2020 sẽ tiếp tục vươn lên đạt những cột mốc mới. Rất nhiều kế hoạch đã được hoạch định cùng những bài học đúc kết kinh nghiệm, bức tranh nông thôn mới Nam Hà càng rõ màu sắc và đường nét. Về Nam Hà những ngày giáp Tết 2020, tín hiệu ấy đã bắt đầu thể hiện.
 
MINH ĐẠO