Anh hùng thời chiến - anh hùng thời bình

06:02, 03/02/2020

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt hay khi hòa bình thống nhất đất nước, trên vùng đất Nam Tây Nguyên luôn xuất hiện những người con dũng cảm, can trường viết lên thiên anh hùng ca thời đại...

Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt hay khi hòa bình thống nhất đất nước, trên vùng đất Nam Tây Nguyên luôn xuất hiện những người con dũng cảm, can trường viết lên thiên anh hùng ca thời đại. Đó là những tấm gương ngời sáng của những Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) hay Anh hùng lao động kiến thiết quê hương sẽ mãi là tài sản vô giá, đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, của tỉnh Lâm Đồng, niềm tự hào đối với các thế hệ noi theo.
 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến thăm và tặng quà Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đức Trọng (Ảnh chụp năm 2015).
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến thăm và tặng quà Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đức Trọng (Ảnh chụp năm 2015).
 
Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ: “Mưu trí, dũng cảm trở thành niềm tự hào cho các thế hệ”
 
Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ (SN 1939, quê ở xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà) - người chiến sĩ đặc công mưu trí, anh dũng với thành tích trong suốt 37 trận đánh tại chiến trường Tuyên Đức, Lào. Ông luôn là người đi đầu, dũng cảm xông pha vào các trận địa gay go ác liệt của địch để thăm dò và tìm mọi cách cùng đồng đội giành thế thắng, không để một chiến sĩ nào của ta bị thương vong… 
 
Cựu binh, Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ năm nay đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn còn rất minh mẫn và nhớ tường tận từng trận đánh năm xưa. Gần 15 năm trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã tham gia tổng cộng khoảng 50 trận đánh lớn nhỏ và đã đánh là thắng, chưa một lần thất bại.
 
Trận đầu tiên đơn vị ông được giao đảm nhận là đánh vào Dinh Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên (Xuân 1968). Không mắc một sai sót nào, đội của ông đã hành động đúng như dự định và đến 9 giờ ngày mồng 2 Tết, mục tiêu hoàn toàn được chiếm lĩnh. Sau trận đánh vào Dinh Tỉnh trưởng, đơn vị ông tiếp tục làm cho chính quyền ngụy thêm một phen điên đảo khi tổ chức đánh vào Trường Chiến tranh Chính trị, trận đánh đã thành công vang dội, tiêu diệt được trên 500 tên địch.
 
Một trận đánh khác cũng gây được tiếng vang không kém, đó là trận tập kích vào Sân bay Cam Ly (Đà Lạt) vào đêm 30 tháng 3 năm 1969. Trận đánh diễn ra khoảng hơn 30 phút đã tiêu diệt hơn 30 tên địch, phá hủy 3 máy bay, hàng chục xe quân sự, làm cháy kho xăng khoảng 2 triệu lít và làm nổ kho đạn lớn kéo dài từ đêm 30 đến đêm 31 tháng 3. Đây là trận đánh được trên đánh giá là đạt hiệu suất chiến đấu cao và gây tiếng vang lớn ở chiến trường Đà Lạt - Tuyên Đức lúc bấy giờ.
 
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, năm 1972 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân. Giờ đây tuổi đã cao nhưng tinh thần yêu nước, quả cảm của người chiến sĩ đặc công năm xưa vẫn luôn kiên định, luôn khao khát truyền lửa cho các thế hệ trẻ. Những chiến tích oai hùng giờ đây đã đi vào huyền thoại với những câu chuyện kể luôn sống động dành cho con cháu và các thế hệ mai sau. 
 
Trên vùng quê Đức Trọng - Lâm Đồng, ông là tấm gương mẫu mực trong giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước và  phát huy khí chất anh “Bộ đội Cụ Hồ” cho các thế hệ trẻ.
 
Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh (bên phải).
Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh (bên phải).
 
Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh: Khí tiết của người cộng sản luôn ngời sáng
 
Trong ngôi nhà khang trang ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng với rất nhiều kỷ vật, bằng khen và phần thưởng cao quý được Đảng, Nhà nước trao tặng, Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh kể về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức đặc biệt của mình và hành động khó tin của thời niên thiếu khi tròn 16 tuổi đã tự mổ bụng mình để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc. Sinh năm 1956 tại Đà Nẵng, năm 13 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng và nhận nhiệm vụ liên lạc cho Đại đội CK3, T89 Đặc công tỉnh Quảng Đà. Ngày 20/2/1969, ông được tổ chức giao phối hợp với Đội An ninh vũ trang Quận 3 đánh vào Kho đạn Quận 3 - Đà Nẵng. Kế hoạch bị lộ, ông bị địch bắt và cũng từ đây cuộc đời cách mạng của ông luôn gắn với lao tù. Những ngày bị bắt, địch dùng đủ mọi cách để tra khảo nhưng ông quyết không khai nơi đóng quân của đơn vị. Cuối cùng chúng đã đưa ông ra tòa mặt trận, khép vào tội phản quốc, xử 10 năm tù khổ sai và đưa đi Côn Đảo.
 
Đầu năm 1970 đến tháng 10 năm 1971, ông Mai Thanh Minh đã được đưa từ Côn Đảo về nhà giam Chí Hòa và sau đó được đưa lên Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt.
 
Để phản đối sự hà khắc của nhà tù, các ông đã thực hiện rất nhiều cách như tuyệt thực, chống chào cờ, nhưng ít nhiều chưa mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là cần phải có những hành động quyết liệt vừa làm cho kẻ thù kinh sợ, đồng thời cổ vũ tinh thần các bạn tù, tổ chức lãnh đạo tù thiếu nhi đã bàn bạc, tìm phương án đấu tranh và đi đến thống nhất cách thức hành động là chấp nhận hy sinh tự mổ bụng để trấn áp kẻ thù, chống lại sự đàn áp dã man của địch. Trước hết, lấy tinh thần xung phong, lãnh đạo tù thiếu nhi đã phát động phong trào “Dũng sỹ mổ bụng”. Có 9 người xung phong, nhưng cuối cùng tập thể quyết định chọn 5 người, trong đó có Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh. Không ngần ngại, ông vạch áo chỉ vào vết thương ngày nào và nhớ lại thời khắc đáng sợ “Đó là vào khoảng 16 giờ ngày 23/11/1971, địch thực hiện ý đồ đàn áp tù nhân. Lúc này, Đà Lạt vào đông trời rất lạnh. Tôi cầm lưỡi dao lam tự rạch vào bụng mình, nhát thứ nhất không đạt yêu cầu, tôi liền rạch nhát thứ hai, máu ra ướt đẫm. Rồi lấy hết can đảm, tôi rạch nhát thứ ba thì ruột lòi ra, máu chảy đầm đìa…”.
 
Anh hùng LLVT Mai Thanh Minh khẳng định, việc tự mổ bụng mình thật khủng khiếp, nhưng lúc đó chỉ nghĩ đến lợi ích chung thì hy sinh bản thân cũng sẵn sàng. Nhiều chục năm sau chiến tranh, đất nước hòa bình ông vẫn luôn nhiệt huyết, say mê với công việc được Đảng, Nhà nước giao phó. Với tư cách là Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày nhiều năm liền, là tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh, ông tiếp tục phát huy tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.
 
Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền.
Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền.
 
Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền: Khoảnh khắc anh hùng
 
Vẫn giọng nói đặc sệt của người dân xứ Nghệ, Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền đã kể về một thời trai trẻ rất đỗi tự hào. Ông nhập ngũ năm 1964 và vào miền Nam chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất. Trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến năm 1974, Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền đã cùng với đơn vị thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 11 - Trung đoàn Ngô Quyền tham gia chiến đấu trên 100 trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, riêng ông đã tiêu diệt trên 130 tên, thu 15 súng và bắn rơi 4 máy bay các loại. Với những thành tích đạt được trong chiến đấu và công tác, ngày 23 tháng 9 năm 1973, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng LLVT Nhân dân.
 
Năm nay đã bước sang tuổi thất thập (ông sinh năm 1944), Anh hùng LLVT Hoàng Đình Kiền vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội ở vùng quê trù phú, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. Ông được Hội Cựu chiến binh tỉnh, huyện, thị trấn Nam Ban luôn biểu dương là tấm gương sáng, tấm gương mẫu mực cho các thế hệ trẻ noi theo.
 
Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng (bên trái).
Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng (bên trái).
 
Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng: Đôi chân huyền thoại 
 
Người đàn ông ấy là Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng (SN 1957, ở buôn Bnơr C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, chàng trai K’riêng được Bưu điện huyện Lạc Dương nhận vào làm bưu tá, chịu trách nhiệm vận chuyển thư từ, công văn của bưu điện đến các địa bàn trong huyện. “Ngày đó điều kiện đi lại còn nhiều thiếu thốn nên mình chỉ toàn đi bộ để đưa thư từ. Hầu như ngày nào mình cũng phải đi bộ gần cả trăm cây số đường rừng để đến được địa bàn. Con sông Đạ Dâng khi ấy chưa có cầu bắc qua nên muốn sang được bờ bên kia thì phải lội sông. Có những hôm trời mưa lớn, nước sông dâng cao, sợ thư từ, công văn bị chậm trễ mình phải dùng nhiều túi ni lông bọc lại thật kỹ rồi cứ thế ôm đống tài liệu bơi qua bên kia sông”, ông Cil Múp Ha K’riêng kể. 
 
Trong những năm tháng gian khó ấy, ông phải ăn cơm nắm, ngủ rừng là “chuyện thường ngày”. Không những thế, nhiều lần ông còn phải đối mặt với nguy hiểm từ thú rừng bởi thời đó thú hoang ở đây còn rất nhiều. 
 
Trong những năm tháng còn làm Tổ trưởng Tổ bưu tá, thử thách lớn nhất đối với ông không chỉ là những đỉnh dốc cao, dòng suối chảy xiết mà còn là sự chống phá của bọn Fulrô. Để đảm bảo an toàn bí mật, ông phải cải trang thành những người dân tộc đi rừng, sắp xếp tài liệu, công văn vào đáy gùi, bên trên để các vật dụng thông thường khác… Vào mùa mưa, Ha K’riêng thường phải lấy tấm ni lông của mình để che tài liệu, thư từ cho khỏi ướt với suy nghĩ “người mình ướt thì khô ngay được, còn nếu để thư từ, công văn ướt thì sẽ hỏng hết…”. Rồi có những lần bị sốt rét rừng, bụng đói, trời mưa, Ha K’riêng đành để quần áo ướt ngủ qua đêm trong rừng. Có hôm trời sương mù, người bưu tá đi cùng ông bị gấu rừng tấn công cào xước khắp mặt mũi chân tay, ông là người đã lao vào cứu đồng đội…
 
Với tinh thần vượt khó, trách nhiệm, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ,  bưu tá Cil Múp Ha 
 
K’riêng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2001.
 
NGUYỆT  THU