Ở Ðam Rông, nhiều phương án ôn tập được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn vùng sâu, vùng xa để đảm bảo học sinh không "đánh rơi" kiến thức trong kỳ nghỉ kéo dài bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ở Ðam Rông, nhiều phương án ôn tập được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn vùng sâu, vùng xa để đảm bảo học sinh không “đánh rơi” kiến thức trong kỳ nghỉ kéo dài bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
|
Học sinh Trường Tiểu học Rô Men chia nhóm, tự giác hoàn thành bài tập trong thời gian nghỉ. |
Nguyễn Thu Phương - cô học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Rô Men, dù đã nhiều ngày không tới lớp theo hướng dẫn chung để phòng dịch nhưng em chẳng lơ là nhiệm vụ chính của mình. Chiếc bàn gỗ cũ được bố đưa từ sau nhà ra trước hiên, đóng lại cho chắc chắn để trở thành bàn học của Thu Phương và 2 người bạn cùng lớp. Mỗi ngày, sau khi phụ giúp bố mẹ những công việc vặt trong nhà, buổi chiều đến là Phương, Thắng, Huyền lại cùng nhau ngồi làm toán, viết tập làm văn. Cách học nhóm này đang được Trường Tiểu học Rô Men cũng như nhiều trường ở Đam Rông áp dụng trong mùa dịch. Từng bài tập cụ thể, chia theo ngày được lớp trưởng và cô giáo phát tận nhà, chia theo nhóm cho những học sinh ở gần nhà nhau cùng hoàn thành, ôn tập kiến thức.
Theo cán bộ, giáo viên ở đây, việc triển khai dạy và học trực tuyến đang được áp dụng tại các thành phố, khu vực phát triển mang lại hiệu quả tích cực, nhưng ở vùng sâu còn nhiều hạn chế về điều kiện và khả năng sử dụng internet, mạng xã hội nên việc học dựa vào ý thức tự giác, tự nguyện của học sinh và sự phối hợp quản lý con em của phụ huynh. Như đối với Rơ Liêng Ka Khẩn, học sinh lớp 9A1 Trường THCS Đạ M’Rông, đây là những ngày phải dành mọi sự tập trung cao độ cho kỳ thi học sinh giỏi tỉnh sắp tới. Thế nhưng, điều kiện gia đình lại không cho phép em dành nhiều thời gian để học tập. Không đành lòng nhìn cha mẹ và các em vất vả, Ka Khẩn hằng ngày theo chân mọi người lên rừng tìm hái những bông đót, tranh thủ kiếm thêm chút thu nhập. Tối đến em mới dành thời gian cho bản thân, ngồi vào bàn ôn tập. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, cả em và cha mẹ đều không có điện thoại thông minh để kết nối internet và sử dụng mạng xã hội như những học sinh khác. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phải đều đặn đến nhà để hướng dẫn, giao bài tập và kiểm tra liên tục. Dẫu vậy, em vẫn quyết tâm sẽ nỗ lực để giành được kết quả tốt nhất.
Việc cho học sinh nghỉ học dài ngày là biện pháp an toàn để phòng tránh dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây lại là thách thức cho các trường học trong việc rèn luyện, ôn tập kiến thức cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Gia An, Hiệu phó Trường Tiểu học Đạ Tông cho biết, học sinh trên địa bàn các xã khu vực Đầm Ròn phân bố rải rác, các thôn ở cách xa nhau nên để từng giáo viên đến tận nhà giao bài cho các em là điều khó có thể thực hiện. Thay vào đó, giáo viên chủ nhiệm từng lớp sẽ tiến hành chia theo nhóm, tổ để các em có thể học và kiểm tra chéo lẫn nhau. Trường bố trí thầy cô ở từng thôn luôn theo sát, thường xuyên nhắc nhở cả học sinh và phụ huynh không quên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như hạn chế di chuyển đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, sử dụng khẩu trang...
Theo ông Trần Phú Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, một trong những khó khăn trước mắt được xác định khi đi học trở lại là tình trạng học sinh không ra lớp đầy đủ. Thông thường mọi năm, tình trạng này chỉ xảy ra sau hè. Trong tình hình hiện nay, chỉ còn cách tăng cường sự liên kết giữa giáo viên và phụ huynh chứ việc triển khai học trên các ứng dụng, phần mềm học trực tuyến rất khó. Kế hoạch ôn tập được thực hiện và những nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo đã phần nào giúp phụ huynh, học sinh yên tâm vượt qua mùa dịch
Như ở Trường Tiểu học Đạ Tông, vào chủ nhật hàng tuần, tổ vận động kết hợp với giáo xứ tiến hành thông báo, phổ biến đến phụ huynh khi đi lễ nhà thờ nội dung nhắc nhở con em quay trở lại học đầy đủ khi có lịch cụ thể. Giáo viên chủ nhiệm cũng đưa bài tập đến từng người, yêu cầu phụ huynh theo dõi sát quá trình tự học ở nhà của các em. Nếu gia đình nào có sử dụng zalo, facebook thì chủ động kết nối để kịp thời kiểm tra, hướng dẫn.
Hầu hết các trường đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để đủ điều kiện đón học sinh quay trở lại trường khi có hướng dẫn và tiếp tục duy trì các biện pháp đảm bảo an toàn. Trung tâm Y tế huyện cũng hướng dẫn cán bộ, giáo viên các trường tổ chức dọn dẹp, sử dụng các loại hóa chất kháng khuẩn để tiến hành lau chùi, vệ sinh các khối phòng học, hành lang, vật dụng, đồ dùng học sinh cũng như các trang thiết bị phục vụ giảng dạy.
“Đây là khó khăn được xác định cần có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương và toàn ngành giáo dục cùng tuyên truyền, vận động. Trong thời gian này, chúng tôi phối hợp với địa phương nơi cư trú thực hiện tuyên truyền, quản lý chặt chẽ để phòng tránh các trường hợp đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông... đáng tiếc xảy ra như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin trong thời gian gần đây”, ông Vinh cho biết thêm.
HỒNG THẮM