Trong không gian trang trọng của lễ cưới tại Nhà thờ Thạnh Mỹ (Đơn Dương), cô gái trẻ Rô Đa Nai Kha trở thành cô dâu xinh đẹp, thật đặc biệt...
Trong không gian trang trọng của lễ cưới tại Nhà thờ Thạnh Mỹ (Đơn Dương), cô gái trẻ Rô Đa Nai Kha trở thành cô dâu xinh đẹp, thật đặc biệt. Bởi thay vì mặc chân váy thổ cẩm cùng áo sơ mi trắng như bao người trước đó, Nai Kha rạng rỡ và tự tin trong bộ váy cưới hiện đại nhưng được may từ chính những tấm vải quen thuộc của dân tộc K’Ho mình.
|
Nguyễn Đình Tuyền cùng vợ chăm chút cho từng bộ váy cưới từ thổ cẩm. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Bộ váy mà Nai Kha mặc trong lễ cưới cách đây gần nửa năm và nhận được rất nhiều lời khen, là sản phẩm đầu tiên của Nguyễn Đình Tuyền - chàng trai trẻ ở Đơn Dương luôn ấp ủ việc ứng dụng vải thổ cẩm của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương lên trang phục cưới.
Tuyền là chủ một studio cưới ở thị trấn Thạnh Mỹ. Ở đó, số cô dâu chú rể người K’Ho, Chu Ru chiếm gần 50% lượng khách hàng của Tuyền. Tuyền kể rằng, sau khi hoàn thành việc chụp ảnh cho mỗi tiệc cưới, anh thường được chủ nhà tặng những tấm vải thổ cẩm như một món quà cảm ơn. Và niềm tò mò, yêu thích của anh đối với vải thổ cẩm được vun đắp dần từ đó. Cũng trong những câu chuyện bâng quơ với cô dâu, chú rể mỗi lúc chụp ảnh cưới hay trong lúc đợi tiệc, không ít cô gái trẻ bày tỏ tâm tư muốn mặc gì đó mới mẻ hơn trong lễ cưới nhưng không biết tìm ở đâu. Tuyền đã nghĩ rằng, tại sao mình không phải là người đầu tiên làm điều đó, anh chia sẻ: “Tôi muốn làm gì đó mới lạ, thổi một luồng gió mới cho vải thổ cẩm”.
Ý tưởng được nung nấu trong một thời gian dài. Thế nhưng, điều khiến anh đau đầu nhất là tìm nguồn vải thích hợp. Những tấm thổ cẩm đầu tiên được Tuyền lấy từ Ka Đơn (Đơn Dương). Nhưng vải ở đó đơn giản về màu sắc và họa tiết, không phù hợp với váy cưới cần sự tươi sáng. Tuyền lại phải ngược vào các buôn làng, nhà thờ khác để tìm, thậm chí ra tận Sa Pa để mua thổ cẩm của người Tây Bắc. Những tấm thổ cẩm của người Mông rực rỡ sắc màu, nhưng người K’Ho không thích vì đó không phải là bản sắc của họ, Tuyền lại phải đổi. Sau một năm thử qua nhiều loại thổ cẩm, hiện tại, Tuyền sử dụng thổ cẩm ở Bảo Lộc, K’Long (Đức Trọng), Ka Đơn, kết hợp với chất liệu thổ cẩm từ Kon Tum, Ninh Thuận để vừa giữ được tông màu xanh đen truyền thống của người đồng bào dân tộc K’Ho tại địa phương, vừa nhấn nhá thêm những chi tiết đa dạng về màu sắc.
Từng học và tốt nghiệp ngành Mỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, Tuyền tự tin trong việc tự mình có thể lên ý tưởng và thiết kế những bộ sore cưới từ vải thổ cẩm. Thế nhưng, khi cầm tấm thổ cẩm trên tay, Tuyền vẫn loay hoay không biết mình phải làm gì và bắt đầu từ đâu, bởi “thổ cẩm là chất liệu rất thô, rất cứng, trong khi váy cưới thì phải luôn luôn thể hiện sự mềm mại. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để đo kích thước, phom dáng chuẩn nhất, cứ hư là bỏ đi, làm lại”. Tuyền mất 6 tháng để hoàn thành nên bộ váy đầu tiên.
Công sức bỏ ra không phải là ít. Nhưng những lời khen nhận lại được, chính là động lực để Tuyền hoàn thành thêm những bộ váy cưới tiếp theo. Rô Đa Nai Kha, cô dâu có duyên được mặc chiếc váy cưới thổ cẩm đầu tiên của Tuyền tâm sự : “Em đã trông chờ từng ngày để mặc thử chiếc váy. Một chút nghi ngờ, một chút lo sợ, nhưng lớn hơn cả vẫn là niềm háo hức và hồi hộp. Ngay khi vừa nhìn thấy và ướm thử chiếc váy, em đã quên đi hết mọi nhược điểm của cơ thể mình và cả sự nghi ngại, chỉ còn niềm hãnh diện và hạnh phúc khó diễn tả”. Không xúc động sao được, khi tuổi thơ của Nai Kha đã gắn với hình ảnh mẹ và bà ngồi bên khung cửi, bây giờ, trong giây phút hạnh phúc nhất của người con gái, cô lại được khoác lên mình bộ váy làm từ chất liệu quen thuộc đó.
|
Những bộ váy cưới với kiểu dáng hiện đại được làm từ chất liệu thổ cẩm khiến các cô dâu K’Ho thêm xinh đẹp và hãnh diện về bản sắc dân tộc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Bên cạnh váy cưới thổ cẩm dành cho cô dâu, chú rể cũng có những chiếc áo thổ cẩm khoác ngoài áo sơ mi. Với những trường hợp người Kinh lấy người K’Ho, khi mà người Kinh muốn người K’Ho mặc áo dài, người K’Ho lại muốn người Kinh mặc váy thổ cẩm, thì áo dài pha thổ cẩm là cách mà Tuyền thực hiện để giao thoa giữa hai nền văn hóa, để cả hai vừa giữ được bản sắc dân tộc mình, nhưng vẫn hiện đại, mới mẻ và hội nhập. Ở đó, ngoài những chiếc váy với tông màu xanh đen chủ đạo của người K’Ho, còn có những chiếc váy với màu trắng là chủ đạo để phục vụ cô dâu người Chu Ru.
Gặp gỡ nhiều, tiếp xúc nhiều, Tuyền nói rằng anh đã được nghe không ít người trăn trở rằng bản sắc văn hóa của họ đang dần bị mai một. Nhưng rất nhiều lời khen ngợi, lời cảm ơn từ những người lớn tuổi, hay mọi người hào hứng chụp hình với cô dâu mặc váy cưới hiện đại từ vải thổ cẩm, tự hào khoe, chia sẻ lên mạng xã hội Facebook khiến Tuyền cảm thấy vui và có thêm động lực để cố gắng.
Đến nay, cửa tiệm của Tuyền chỉ mới có trên dưới 20 bộ váy cưới, chưa nhiều, nhưng đó là cả tâm huyết của chàng trai trẻ. Trang Facebook Thổ cẩm Nora được lập ra, là nơi mà Tuyền tự hào giới thiệu những hình ảnh cô dâu xinh đẹp trong bộ váy cưới thổ cẩm. Điều khiến Tuyền bất ngờ nhất là ngoài các cô dâu tại địa phương, anh còn nhận được nhiều lời khen ngợi và liên hệ từ các tỉnh Tây Nguyên, xa hơn là Đà Nẵng. “Tôi không nghĩ là váy cưới thổ cẩm sẽ đi xa đến thế” - Tuyền chia sẻ.
Mặc dù làm váy cưới thổ cẩm vô cùng kỳ công và tốn kém, nhưng Tuyền vẫn cho thuê với giá rẻ hơn các sore trắng thông thường, với mong muốn tạo điều kiện để các cô dâu người đồng bào dân tộc thiểu số đều có cơ hội được mặc. 3 năm mở tiệm váy cưới, Tuyền bảo rằng mình có lợi thế là một người trẻ, hiện đại, sáng tạo nên có thể áp dụng những cái mình đã được học vào váy cưới.
Sự đơn giản, mộc mạc của thổ cẩm K’Ho đã được Tuyền đưa lên váy cưới một cách mềm mại. Những bộ váy cưới với kiểu dáng hiện đại được may bằng vải thổ cẩm, khiến các cô dâu người K'Ho, Chu Ru tự hào và kiêu hãnh khi được khoác lên mình sản phẩm văn hóa độc đáo của dân tộc mình. “Nhưng có một điều khác nữa” - Tuyền nói - “Đó là câu chuyện về sự thành công của Hoa hậu H’Hen Niê đã truyền cảm hứng cho rất nhiều cô gái trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tự tin và tự hào hơn khi được mang trên mình bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là lý do mà các cô dâu K’Ho, Chu Ru ở đây lựa chọn váy cưới thổ cẩm ngày càng nhiều”.
VIỆT QUỲNH