Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020), tưởng nhớ về nhà thơ yêu nước, vừa là nhà giáo và đặc biệt còn là một thầy thuốc mẫu mực - cụ Đồ Chiểu.
Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2020), tưởng nhớ về nhà thơ yêu nước, vừa là nhà giáo và đặc biệt còn là một thầy thuốc mẫu mực - cụ Đồ Chiểu.
|
Thế hệ trẻ đến thăm lăng mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh tư liệu |
Cuộc đời và sự nghiệp
Thi sỹ Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1 tháng 7 năm 1822, mất ngày 3 tháng 7 năm 1888, là con đầu lòng trong một gia đình đông con, ngay từ nhỏ Nguyễn Đình Chiểu đã sớm chịu cảnh lận đận ngược xuôi. Sau khi Nam Kỳ bị chiếm, cha ông đã bỏ chạy về kinh và bị cách chức rồi quay lại vào Nam đưa ông ra Huế gửi ở nhà một người bạn cũng vừa bị giáng chức, Nguyễn Đình Chiểu lại càng có điều kiện nhìn rõ những thối nát trong đám quyền quý thời bấy giờ. Bảy, tám năm sau vào khoảng năm 1840, Nguyễn Đình Chiểu trở về Nam. Năm 1843, ông thi đỗ tú tài và được một nhà giàu hứa gả con gái cho ông. Nhưng mấy năm đó chiến tranh vẫn xảy ra liên miên, dân tình cực kì đói khổ nên trong lòng người thanh niên mới bước vào đời ấy cũng khó mà yên. Năm 1847, Nguyễn Đình Chiểu vừa trở ra Huế để học và chuẩn bị đi thi thì nhận được tin mẹ mất. Nguyễn Đình Chiểu đành bỏ thi trở về Nam để chịu tang mẹ. Vì đường sá xa xôi, vì đau buồn lo nghĩ và thương mẹ nên ông bị đau mắt nặng. Bệnh tình quá nặng nên đôi mắt của ông đã vĩnh viễn không nhìn thấy nữa. Chuyện tình duyên cũng đầy éo le. Vì ông bị mù mà bị nhà gái bội ước.
Nguyễn Đình Chiểu không chỉ lận đận ngược xuôi mà cuộc đời ông còn là một chuỗi những đau khổ, éo le mà ít ai phải chịu đựng. Giấc mộng công danh đã không thành lại thành người tàn phế, tình duyên thì trắc trở, tương lai tưởng như chấm hết, cánh cửa cuộc đời tưởng như đóng sập trước mắt ông. Thế nhưng, bằng ý chí và nghị lực phi thường, ông đã vượt qua mọi khó khăn, biến đau thương thành sức mạnh vươn lên làm chủ số phận của mình, chứng minh cho mọi người thấy rằng mình tàn nhưng không phế. Từ đây, ngoài việc đèn sách, ông còn gánh vác việc gia đình. Ông dạy dỗ, kèm cặp các em học hành. Nghe tiếng ông hay chữ, tính nết điềm đạm, giàu lòng thương người nên học trò theo học rất đông. Từ đó, người ta gọi ông là Đồ Chiểu. Ngoài việc dạy học, ông còn nghiên cứu thêm về y học và bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Trong hoàn cảnh bị mù, Đồ Chiểu nỗ lực học làm thầy thuốc, một thầy thuốc được nhân dân yêu kính.
Người thầy thuốc được Nhân dân kính yêu
Nghị lực phi thường này là bài học lớn cho hậu thế, chính là “thái độ sống có văn hóa, là nhân cách cao đẹp của Nguyễn Đình Chiểu”. Trong ba con người đó là nhà thơ lớn, nhà giáo và thầy thuốc. Nhiều thế hệ môn sinh của cụ Đồ Chiểu tiếp thu sự giáo dục của thầy nuôi dưỡng ý chí, rèn luyện tinh thần để trở thành những con người vì đất nước mà không mang danh lợi.
Nguyễn Đình Chiểu một thầy thuốc giỏi, một lương y thông hiểu sâu sắc y lý phương Đông và y lý Việt Nam cả về y thuật và y đức mà y đức của Nguyễn Đình Chiểu chính là đạo cứu người lồng trong nghĩa vụ cứu dân, cứu nước. Ngư Tiều vấn đáp y thuật khái quát nội dung và nói lên quan điểm y học của tác giả, biện luận trên cơ sở âm dương - những điều thiết yếu nhất về phương pháp và đường hướng trị bệnh. Nói lên một đường hướng y học chân chính, cả về đạo đức và chuyên môn. Nguyễn Đình Chiểu đã nghiên cứu nghề thuốc rồi làm lương y để chữa bệnh cho dân và viết sách thuốc truyền tâm nguyện đến mọi người. Ông đã dốc lòng giới thiệu nghề thuốc của mình và trình bày những cương mục về lí luận Đông y có kèm theo giải thích một số thuật ngữ thiết yếu liên quan đến ngành y. Nhất là vấn đề về y thuật gồm có các phần: Mạch, chế dược, vận khí, thương hàn, sản phụ, nhi khoa... Rồi đến ngũ tạng trong cơ thể con người bao gồm tâm, can, tỳ, phế, thận, là những tạng khí có công năng tàng trữ và gạn lọc, chế tạo ra tinh khí. Một tạng bị bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành chung. Ông cũng chỉ ra những bài thuốc cụ thể: cây cỏ đều có chất độc lành khác nhau, chưa rõ tính chớ nên dùng. Thử ngậm ô mai, răng ê ngay mà nước vãi chảy. Vừa thổi bồ kết, hắt hơi liền nhưng lỗ mũi thông. Nước đái rùa chữa được cấm khẩu, xương xẩu chuột làm cho mọc răng...
Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn trích lục phần cốt yếu để biện luận về âm dương, có những nguyên lý cơ bản của Đông y đã được Nguyễn Đình Chiểu trình bày trên cơ sở âm dương, thủy hỏa, khí huyết. Ông đã trình bày một cách cụ thể về cách chữa bệnh vì bệnh có “hư hư thực thực”, biến đổi nhiều, nhiều chứng, nhiều phương. “Chữa bản” là chữa thẳng vào bệnh. “Nên bổ” nghĩa là lối chữa bệnh chủ yếu về dinh dưỡng, dùng thuốc để phục hồi sức khỏe. “Nên trước nên sau” là bệnh nào gấp hơn thì chữa trước nhưng phải tùy nghi mà dùng. Chỉ cần chẩn trị sai lệnh một chút thì sẽ an nguy đến tính mạng.
Ngoài phần chuyên môn, còn nhấn mạnh đến đạo đức nhân thuật, nhằm bổ cứu tình hình nghề y đương thời. Một số người không hiểu y dược, chỉ biết một vài phương thuốc lăng nhăng cũng làm nghề chữa bệnh. Vì thế, Ngư Tiều vấn đáp y thuật ra đời nhằm chấn hưng y học cổ truyền, xây dựng một nghề y chân chính. Nguyễn Đình Chiểu đã lên án các việc làm bất chính hại đến tính mạng con người. Ông đề cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc đối với tính mạng bệnh nhân, thương yêu người bệnh và răn ngừa việc lợi dụng hay lừa dối người bệnh để lấy tiền một cách vô lương tâm. Nhắc nhở những người làm nghề y phải quán triệt “Nhân thuật”, cần phải hết lòng cứu chữa cho người bệnh một cách kịp thời và dốc hết tâm sức vào công việc được ví như là thiên mệnh ấy: “Thấy người đau giống mình đau/Phương nào cứu đặng mau mau trị lành; Đứa ăn mày, cũng trời sinh/Bệnh còn cứu đặng, thuốc đành cho không”.
Ông luôn đề cao lương tâm của những người thầy thuốc, ta thấy được Nguyễn Đình Chiểu đã không dừng lại ở chổ sẵn lòng “săn sóc miễn phí cho người nghèo” hay “thương người như thể thương thân” - một đạo lý vốn có giá trị ngàn đời của dân tộc. Việc cứu chữa cho những người nghèo khổ và chu cấp thuốc men, giúp đỡ họ với sự tận tình từ tấm lòng người thầy thuốc mà không có sự phân biệt đối xử giữa kẻ giàu - người nghèo hay bất cứ giai cấp tầng lớp nào trong xã hội. Đặc biệt hơn, đó chính là người thầy thuốc chân chính sẵn sàng quên đi mọi quyền lợi riêng tư cá nhân bởi khái niệm “nhân” mãi luôn không thể nào tách rời khỏi chữ “nghĩa”.
Ở bất cứ mọi công việc nào cũng luôn rất cần đặt chữ “Tâm” và trách nhiệm lên hàng đầu. Và trong nghề y - một nghề cao quý thì chữ “Tâm” lại càng ngời sáng và quan trọng hơn cả. Đâu phải ngẫu nhiên mà dân gian ta có câu thành ngữ rằng “Lương y như từ mẫu”? Mang trong mình một sứ mệnh cao cả - chữa bệnh cứu người, những người thầy thuốc cần phải biết đặt chữ Tâm, chữ Nhân nghĩa lên hàng đầu. Mặt khác, ông cũng phê phán những kẻ “khoác áo lương y”, quên đi chức trách của mình. Càng tôn trọng sinh mạng của con người và yêu thương Nhân dân bao nhiêu thì Nguyễn Đình Chiểu lại càng căm ghét và lên án những kẻ đáng lẽ nên “đi làm thợ bện đăng” nhưng lại làm “thầy thuốc lăng nhăng khuấy đời”. Có kẻ chỉ biết một phương thuốc gia truyền nhưng lại không biết phân biệt bệnh lý (hàn, nhiệt, hư, thực) cũng dám đem áp dụng bừa bãi hoặc là dùng bệnh nhân như những đồ vật thí nghiệm: “Mạng dân nào phải trái chơi/Dám đem thuốc thử bệnh vời thêm đau”.
Tư tưởng nhân đạo cao quý và bản lĩnh liêm chính, tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy trong nghề nghiệp của người thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu rất đáng ngợi ca. Giáo sư Lê Trí Viễn từng viết trong lời tựa quyển “Ngư tiều y thuật vấn đáp” lần xuất bản năm 1982 rằng: “Y thuật ấy là kết tinh nghề thuốc trong hằng trăm bộ sách của mấy mươi thế kỷ. Yêu nước ấy có chiều sâu cá nhân một đời người và chiều sâu lịch sử dân tộc hằng mấy ngàn năm. Nhưng cả hai đều đúc lại thành một thang thuốc hồi sinh, một đạo lý sống, một con đường phù hợp cho những con người yêu nước bình thường trong tình hình quê hương rơi vào tay giặc: giữ vững khí tiết không phục vụ quân thù, làm một công việc vừa có ý nghĩa vừa giúp dân, vừa giúp nước...”.
CÔNG NAM