Những món quà từ biển

05:02, 13/02/2020

Dưới bàn tay sáng tạo của quân, dân sống trên quần đảo Trường Sa, từng vỏ ốc, từng nhánh san hô khoác lên mình diện mạo mới và là món quà mang đầy ý nghĩa được gửi về nơi đảo xa.

Dưới bàn tay sáng tạo của quân, dân sống trên quần đảo Trường Sa, từng vỏ ốc, từng nhánh san hô khoác lên mình diện mạo mới và là món quà mang đầy ý nghĩa được gửi về nơi đảo xa.
 
Chị Mỹ Dung tận dụng khả năng vẽ của mình để làm ra những món quà độc đáo. Ảnh: H.T
Chị Mỹ Dung tận dụng khả năng vẽ của mình để làm ra những món quà độc đáo. Ảnh: H.T
 
Hầu hết các cán bộ, chiến sĩ sau thời gian công tác, huấn luyện trên đảo đều có một khả năng đặc biệt, đó là tạo tác ra những chậu hoa hồng từ vỏ ốc biển. Nhiều hộ dân sinh sống trên đảo cũng không ngoại lệ. Những ngày Tết cổ truyền, từng nhành hoa ốc biển có treo đèn LED lấp lánh, thay thế cho hình ảnh những nhành mai, cây quất trong đất liền. 
 
Họ gọi đó là những món quà của biển. Và những món quà ấy, theo chân các cán bộ, chiến sĩ hay trở thành món quà “đặc sản” từ Trường Sa, cùng với cây, quả bàng vuông có mặt ở đất liền yêu thương. Nắm bắt được điều này, vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - một trong những cư dân của đảo Trường Sa Lớn đã sử dụng sự khéo léo của đôi bàn tay mình, biến những vỏ ốc, san hô biển trở nên màu sắc, ý nghĩa hơn.
 
Những nhành hoa ốc biển rực sáng lung linh trong gian nhà nhỏ. Ảnh: H.T
Những nhành hoa ốc biển rực sáng lung linh trong gian nhà nhỏ. Ảnh: H.T
 
Chị Mỹ Dung chưa từng nghĩ rằng, đam mê và năng khiếu vẽ tranh của mình có một ngày lại trở nên hữu dụng đến thế nơi tuyến đảo xa xôi của Tổ quốc. Ban đầu chỉ là vẽ cho vui, khỏi nhớ cây cọ, sau này nhận thấy cán bộ, chiến sĩ trên đảo đến “đặt hàng” ngày càng nhiều, chị quyết định biến nó trở thành một nghề tay trái, vừa là để kiếm thêm thu nhập, cũng là để truyền thêm một thông điệp ý nghĩa từ Trường Sa.
 
Tuy nhiên, điều kiện khó khăn, thiếu thốn trên đảo đã gây không ít trở ngại cho công việc này của chị Mỹ Dung. Chị đã phải mất một thời gian khá dài để có thể có được đầy đủ các loại cọ, màu vẽ… bằng cách nhờ người thân gửi ra từ đất liền trong những chuyến tàu của ngư dân hay các đoàn công tác. Chồng chị, anh Quốc Anh biết đam mê của vợ nên cũng tranh thủ thời gian đi tìm ốc, tìm mua vỏ ốc từ tàu của ngư dân ghé đảo… “Nhiều người biết vợ mình vẽ nên mỗi khi tàu vào âu mang theo vỏ ốc, khi thì đặt vẽ làm quà, khi thì bán lại số vỏ ốc mà họ thu nhặt được trong quá trình đi biển. Ít nhiều gia đình cũng có thêm thu nhập từ nghề này”, anh Quốc Anh chia sẻ.
 
Ngôi nhà nhỏ trên đảo Bình Ba của gia đình chị Dung cũng bắt đầu xuất hiện hình dáng của những chú ốc, nhánh san hô. Mỗi vỏ ốc, sau khi được làm sạch, vẽ trang trí thường có giá dao động từ vài trăm cho đến hơn 1 triệu đồng tùy hình dáng, kích thước. Anh chị cứ thế làm rồi gửi về cho người thân, rồi khách tới nhà thấy đẹp và lạ mắt lại nhắn ra đảo đặt hàng. Mỗi chuyến tàu về, chị lại gửi nhờ đem vào đất liền. “Mọi người thích nhất là vẽ tranh cột mốc chủ quyền Trường Sa lên đá san hô. Rồi những bài thơ về biển đảo, chữ thư pháp về gia đình… luôn đắt khách. Ban đầu là đam mê, sau này thấy đây là món quà ý nghĩa, nhìn cách mọi người nâng niu, trân trọng nó mà mình càng muốn nghiên cứu thêm để có thể vẽ những bức vẽ có hồn hơn, đẹp hơn”, chị Mỹ Dung tâm sự. 
 

 

Những tác phẩm của chị Dung được yêu thích ở đất liền. Ảnh: H.T
Những tác phẩm của chị Dung được yêu thích ở đất liền. Ảnh: H.T
 
Thế nhưng để có được những sản phẩm đẹp mắt như thế cũng chẳng phải việc đơn giản. Chị Mỹ Dung giải thích: Số lượng vỏ ốc ngày càng khan hiếm trong khi mình phải chọn những con ốc lành lặn, không sứt mẻ, có hình dáng đẹp. Vẽ lên tranh, giấy thì rất dễ chứ vẽ lên ốc, lên đá thì phải cẩn thận hơn bởi nhiều lý do như bề mặt không bằng phẳng, chất liệu không dễ bám dính… Chính vì thế mình mất nhiều công để nghiên cứu rồi lựa chọn những loại màu thích hợp để có thể vẽ lên mặt bóng, mặt đá, màu nào vẽ mà không trôi, không lem… 
 
Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, cuộc sống của quân dân trên đảo Trường Sa nay đã ổn định, đầy đủ hơn. Các anh hằng ngày tham gia gác đảo, bơi thuyền thúng đi câu hải sản, đi săn bắt ốc; các chị ở nhà nội trợ, nấu cơm hoặc tham gia quét dọn chùa, đài tưởng niệm, các công trình tâm linh trên đảo. Còn lại thời gian rảnh rỗi, chồng làm hoa ốc, vợ ngồi vẽ tranh, cùng trông coi hai đứa con nhỏ. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh chị lúc nào cũng tíu tít tiếng nói, cười. Đợt thay, thu quân cuối năm 2019, nhiều cán bộ, chiến sĩ lại tìm đến chị, để mang về những món quà quý giá của biển, của tình quân dân. Tay chị còn đang lấm lem màu vẽ thì cô con gái nhỏ chốc chốc lại nũng nịu đòi vòng tay mẹ. Nghỉ một lát chơi với con rồi chị Dung cất giọng dịu dàng: “Mỹ Hòa ngoan ra ngoài chơi với các anh để mẹ vẽ nốt cho kịp các chú mang quà về nhà”.
 
HỒNG THẮM