Nicolas bắt đầu tới Việt Nam bằng tình yêu của cuộc đời mình, nhưng ngay từ khi chạm tới Đà Lạt, anh đã biết đó là mảnh đất dành cho cuộc sống của mình.
Nicolas bắt đầu tới Việt Nam bằng tình yêu của cuộc đời mình, nhưng ngay từ khi chạm tới Đà Lạt, anh đã biết đó là mảnh đất dành cho cuộc sống của mình.
|
Nicolas Leymonerie cùng đồng nghiệp và học trò |
“Tôi đã có những ấn tượng đầu tiên về thành phố Đà Lạt nhân dịp du lịch cùng gia đình năm 2007, sau hơn một năm sinh sống ở Việt Nam. Điều ấn tượng nhất đối với tôi ngay khi đặt chân xuống Sân bay Liên Khương là không khí vô cùng mát mẻ và trong lành của bầu trời nơi đây. Sau quãng đường đèo xuyên qua rừng thông để vào thành phố, khung cảnh mở ra trước mắt khiến tôi cảm thấy như được trở về quê nhà, giống như cảm giác của Alexandre Yersin khi khám phá vùng cao nguyên này cách đây 120 năm. Nếu như đối với Yersin, quê nhà là khung cảnh vùng núi Thụy Sĩ đặc trưng, thì với tôi, đó là hình ảnh cao nguyên Limousin, miền Trung nước Pháp với những ngôi nhà mang đậm kiến trúc Pháp, tháp chuông nhà thờ phía xa, những ngọn đồi, những con đường dốc, những cánh đồng hoa và rừng thông bạt ngàn.
Ngay từ khoảnh khắc đó, tôi biết Đà Lạt sẽ là điểm đến lý tưởng trong tương lai. Ba năm sau đó, khi cậu con trai đầu được 2 tuổi, gia đình tôi quyết định chuyển tới sinh sống tại Đà Lạt, thành phố ngàn hoa tươi đẹp và trong lành”.
Có lẽ Nicolas cũng không phải là trường hợp hy hữu khi bị Đà Lạt mê hoặc, những gì anh viết trong dòng nhật ký của mình thực sự đã là câu trả lời thỏa đáng và đầy thuyết phục khi có ai đó gặng hỏi: Tại sao anh yêu và đến với thành phố này?.
Nicolas quen người vợ của mình từ khi cả hai đang còn là sinh viên của một trường đại học danh giá ở Paris. Ngay từ khi quen biết cô gái nhỏ bé đến từ một đất nước xa xôi ấy, anh đã biết đó là một nửa của cuộc đời mình đang tìm kiếm. Tốt nghiệp - kết hôn và trở về Việt Nam sinh sống theo mong muốn của vợ, mọi thứ với Nicolas giản đơn, như lẽ thường tình, như mọi chuyện phải thế và hơn cả đó là tình yêu anh dành cho cô.
Nicolas bắt đầu công việc tại Hà Nội trong vai trò của một kỹ sư phần mềm chuyên thiết kế game và các ứng dụng giải trí đúng với sở trường như những gì anh đã được học tại Pháp. Không khó để hình dung về anh ở thời điểm ấy, công việc ổn định, thu nhập cao so với mặt bằng và một mái ấm hạnh phúc. Điều ai cũng mong đợi!
Nhưng rồi cậu con trai đầu ra đời, Hà Nội - nơi anh sống với tốc độ phát triển kinh hoàng, kéo theo những hệ lụy về môi trường đã khiến anh, một chàng trai miền Trung nước Pháp luôn thích sự trong trẻo và bình lặng, cảm thấy bất an. Bằng thứ tiếng Việt tốt nhất mà Nicolas có thể diễn tả, ngắn gọn và cô đọng của dân IT chuyên nghiệp, anh nói với tôi: Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là Đà Lạt, thành phố nơi mình đã đến hai năm về trước.
“Từ khi tới Việt Nam, tôi tham gia thành lập Công ty Kỹ thuật số chuyên thực hiện các ứng dụng trên máy tính, tuy nhiên đây lại không phải là một lĩnh vực tốt tại Đà Lạt so với phát triển nông nghiệp, du lịch hay giáo dục. Với kinh nghiệm và năng lực của mình, tôi bắt đầu công việc dạy học. Tôi nhanh chóng trở thành giáo viên tiếng Pháp và tham gia các hoạt động, sự kiện liên quan tới Cộng đồng quốc tế Pháp ngữ (La Prancophonie)” - Nicolas cho hay.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Trung tâm Pháp ngữ với tên gọi Antenne đã ra đời bằng đam mê, quyết tâm của Nicolas. Không còn đơn thuần là một trung tâm giáo dục với mục tiêu đào tạo và nâng cao trình độ của học sinh cũng như hỗ trợ hoạt động học tập của các lớp song ngữ tiếng Pháp tại Đà Lạt. Bởi tình yêu Nicolas dành cho Pháp ngữ và thành phố đã lớn lao hơn nhiều, đồng thời cũng chứa đựng nhiều lý tưởng, hoài bão tốt đẹp. “Chúng tôi luôn hy vọng có thể góp chút công sức vào sự phát triển của thành phố bằng cách thúc đẩy sự hợp tác với các nước nói tiếng Pháp tại tỉnh Lâm Đồng trong các lĩnh vực kinh doanh, du lịch và đặc biệt là giáo dục”, đó luôn là một mục tiêu mà Nicolas trăn trở trong bất cứ một cuộc gặp gỡ nào với tôi và với cả những người thân thiết khác của anh.
Câu chuyện của Nicolas đến với Đà Lạt và bị thành phố “bỏ bùa” có lẽ cũng giống như hàng ngàn vạn lý do mà những người khác đến đây dừng chân, ở lại và trở thành cư dân “không có gốc” giống như tôi. Trong khi, rất nhiều người đang còn phiền muộn, đôi khi thảng thốt giật mình vì nỗi ly hương thì Nicolas lại đang như một ngọn lửa nhỏ tự thắp sáng, dẫn lối cho con đường mình đã chọn.
Chẳng đặng đừng mới nói ra điều ấy, bởi một người Việt luôn chỉ biết gật đầu và nuốt từng chữ khi một người Pháp chia sẻ về tương lai của thành phố bằng tiếng Việt, chắc hẳn rất nhiều người sẽ cảm thấy mặc cảm, lớn hơn là sự xấu hổ khi luôn muốn nói tình yêu của mình dành cho Đà Lạt.
Trong căn phòng làm việc chưa đầy 10m2 ở Trung tâm Antenne, Đà Lạt trong con mắt của Nicolas đầy những gam màu tươi sáng nhưng không hề viễn cảnh.
“5 năm qua, thành phố ngày càng phát triển, từ cơ sở hạ tầng cho tới nông nghiệp hữu cơ hay các ngành dịch vụ... Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng nơi này trở thành một thành phố lớn của Việt Nam ngay tại chính thời điểm này. Tôi luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các dự án công nghệ cao và sẽ không hề đắn đo để tham gia hoạt động trong ngành sáng tạo kỹ thuật số - sở trường của tôi. Tôi luôn cho rằng, những dự án này sẽ mang lại thu nhập cao và thu hút giới trẻ quay trở lại Đà Lạt - những người đầy năng lực phải rời thành phố để tìm kiếm một công việc tại nơi khác. Đà Lạt là một môi trường làm việc hoàn hảo cho sự sáng tạo và thời tiết mát mẻ nơi này rất thích hợp cho các thiết bị công nghệ thông tin.
Đối với Cộng đồng Pháp ngữ, tôi cho rằng sẽ ngày càng có nhiều du khách đến tham quan và tạo ra nhiều cơ hội cho các học sinh tiếng Pháp. Những kỳ vọng này có thể trở thành hiện thực nhờ vào sự mở rộng của Đà Lạt ra thế giới thông qua việc kết nối tới các điểm đến quốc tế như Singapore hoặc Bangkok.
Đà Lạt là một thành phố rất thú vị, đầy hứa hẹn và xứng đáng được biết đến nhiều hơn. Mỗi ngày luôn là một niềm vui đối với tôi khi được sinh sống, làm việc và chiêm ngưỡng phong cảnh đẹp như tranh của núi Lang Biang hùng vĩ”, Nicolas chắc chắn với tôi về những điều anh nói.
Nicolas không nói về mình nhiều, câu chuyện của anh chỉ gói gọn và liên quan về tương lai của thành phố, về Pháp ngữ và gần hơn là về Antenne. Anh quả quyết: “Việt Nam và Pháp cách biệt về địa lý nhưng luôn có một điểm chung đó là bề dày lịch sử và văn hóa. Đó mới là thứ ngôn ngữ chung tốt đẹp nhất để cả hai quốc gia hướng tới và làm nền tảng chung cho sự phát triển”.
Ở Antenne của Nicolas Leymonerie, vào tháng 3 hàng năm đều có những sự kiện liên quan để tưởng nhớ đến Alexandre Yersin (ở Việt Nam thường biết đến như là ngày giỗ). Với Nicolas, anh làm điều này chỉ đơn giản Yersin như là một biểu tượng cho giới trẻ về lòng kiên trì và sự hảo tâm.
Với tôi và có lẽ cũng như rất nhiều người, chừng nào còn tình yêu như Nicolas dành cho thành phố, Đà Lạt vẫn mãi là một thiên đường.
Ký sự: ĐẶNG TUẤN LINH