Chúng tôi thường gọi chuyến công tác thay, thu quân và chúc tết cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là những ngày mang "tết" ra Trường Sa...
Chúng tôi thường gọi chuyến công tác thay, thu quân và chúc tết cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là những ngày mang “tết” ra Trường Sa. Chuyến hải trình ấy, không chỉ gói gọn những món hàng, quà tặng, đặc sản các địa phương mà chất chứa trong đó biết bao tình cảm của người dân cả nước với mong muốn cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên đảo đón một mùa xuân thật vui nơi đầu sóng ngọn gió.
|
Khoảnh khắc thiêng liêng |
Tết ở Trường Sa thường đặc biệt hơn vì bắt đầu sớm - từ lúc những chuyến tàu ra thăm, chúc tết của Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân mang theo biết bao tình yêu thương từ đất liền. Mùa xuân sớm ấy ngoài những món quà từ Bộ Quốc phòng, lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, các tổ chức, đơn vị… còn có cây quất cảnh mang vào từ Hải Dương, có lan Hồ điệp gửi xuống từ Lâm Đồng, có bưởi Diễn Thủ đô… Tất cả với một mong muốn là đem đến cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác nơi đảo xa một cái tết đủ đầy, ấm áp hơn.
|
Khoảnh khắc tàu rời khỏi cầu cảng, bắt đầu chuyến công tác thay, thu quân và chúc tết quân, dân trên huyện đảo Trường Sa. |
Một cái tết chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Tý cổ truyền hơn được “chở” ra đảo bằng tất cả tình yêu thương. Nhìn cái cách từng món quà được bao bọc cẩn thận, vuông vức để không bị ảnh hưởng bởi sóng gió của biển, cảm thấy càng trân quý. Với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo, đó là một cái tết sớm về mặt tinh thần. “Bây giờ là đang vui như tết rồi đây này!”, mọi người thường nói với chúng tôi như thế. Đó là cái tết của sự nghĩa tình, của sự sum họp. Trong suốt chuyến hải trình, chúng tôi bắt gặp những cái ôm, những cái bắt tay của những người đồng đội, đồng chí, của những người đã lâu không gặp, của những người vừa gặp mà đã quen. Những tràng vỗ tay, từng nụ cười trong chương trình giao lưu văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân, hái hoa dân chủ… với sự tham gia của cả đoàn công tác, phóng viên, người dân, chiến sĩ… đã thắm chặt tình quân - dân, động viên tinh thần cho những người con đang hằng ngày canh giữ biển trời.
Để rồi đến những ngày cận kề Tết Nguyên đán, mâm ngũ quả được trưng lên, bàn thờ nhỏ được trang hoàng, bánh chưng xanh được gói bằng cả lá dong mang từ đất liền và lá tra trên đảo… khiến các anh, dù ở nơi xa vẫn cảm nhận được từng hơi ấm của đất liền, vơi đi phần nào nỗi nhớ gia đình.
|
Vận chuyển hàng hóa vào các đảo. |
Chiến sĩ trẻ Lê Quyết Bằng quê ở Ninh Thuận không giấu nổi bồi hồi đêm trước ngày chia tay đồng đội. Những ngày cuối cùng trên đảo Trường Sa Lớn, Bằng như muốn ôm trọn cả thị trấn nhỏ vào lòng để ghi dấu từng ngóc ngách, từng nhành cây, ngọn cỏ. Bằng nhớ về những ngày này của một năm trước khi em lần đầu tiên ăn một cái tết xa gia đình. Những giọt nước mắt chỉ biết nuốt trọn vào trong, nỗi nhớ nhà cất vào một góc nhỏ. Suốt quãng thời gian làm nhiệm vụ trên đảo đủ để chàng trai đôi mươi hiểu thế nào là sự đùm bọc, chở che của hàng trăm con người xa lạ dưới một mái nhà chung. Một năm không dài, nhưng đó là 365 ngày đầy rẫy những yêu thương. Thế nên đến ngày trở về, Bằng nói: Em vui nhưng cũng buồn lắm. Em được về nhà gặp người thân nhưng cũng buồn vì sắp phải chia tay những người đồng đội đã từng gắn bó suốt một thời gian ở đây.
|
Bánh chưng được gói từ lá dong mang từ đất liền. |
Cái tết sớm ở Trường Sa không chỉ có sum họp, mà có cả sự chia ly - một sự chia ly đã được báo trước. Hội ngộ rồi chia xa, như một quy luật tất yếu của tạo hóa rồi để lại trong lòng người không chỉ là sự vấn vương mà còn là niềm tự hào, hy vọng. Người về thì mang theo một nỗi nhớ khắc khoải của những ngày tháng đầy gian lao nhưng kiên trung, bất khuất. Người ở lại thì vững vàng một niềm tin sẽ mãi luôn chắc tay súng, giữ tinh thần chiến đấu vì sự yên bình của biển cả quê hương.
|
Khúc hát tâm tình trước lúc chia tay của chiến sĩ trẻ. |
Trước giờ lên tàu, một nhóm chiến sĩ trẻ nhờ chúng tôi chụp cho vài kiểu ảnh trước cột mốc chủ quyền với lời nhắn nhủ: Để tụi em giữ làm kỷ niệm vì không biết đến khi nào mới được đặt chân trở lại nơi này. Nỗi đượm buồn trên gương mặt từng người được thay bằng nụ cười rạng ngời dưới cột mốc chủ quyền. Dẫu vui hay buồn, tất thảy đều là những cảm xúc thiêng liêng của những người được đặt chân đến với Trường Sa. Dù là người về hay người ở lại vẫn mãi một niềm tự hào mãi son sắt - canh giữ biển trời Tổ quốc thiêng liêng.
HỒNG THẮM