Thời gian qua, công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm, coi đó là trách nhiệm thiêng liêng...
Thời gian qua, công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm, coi đó là trách nhiệm thiêng liêng. Việc làm ý nghĩa này đã thể hiện sự tri ân sâu sắc công lao của các mẹ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung.
|
Đồng chí Trần Đức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ân cần thăm hỏi Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tư (thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà) nhân dịp Tết Canh Tý 2020. Ảnh: Thy Vũ |
Theo chân cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà, chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tư ở khu phố Sơn Hà, thị trấn Đinh Văn. Mẹ Tư năm nay đã 90 tuổi. Mẹ có 8 người con thì 8 người đều xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Ngày đó, Mẹ cứ thế lần lượt tiễn chồng và các con lên đường nhập ngũ, rồi chồng và 2 con của mẹ đã mãi mãi nằm xuống không về. Hiện, mẹ đang sống với vợ chồng người con trai thứ 7 là anh Tống Văn Thanh. Anh Thanh chia sẻ: Chiến tranh đã qua đi nhưng những nỗi mất mát người thân trong chiến tranh vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Từ ngày chồng, con mất đi, lúc nào mẹ tôi cũng được sự quan tâm, động viên, chăm sóc của Nhà nước, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho gia đình. Hằng tháng, ngoài nhận trợ cấp tiền tuất của các liệt sỹ; Công ty Du lịch Lâm Đồng cũng nhận phụng dưỡng mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng; rồi từ 3 năm nay, 3 xã Tân Văn, Gia Lâm, Phúc Thọ cũng góp lại, phụng dưỡng mẹ mỗi tháng 1 triệu đồng... Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, lãnh đạo thị trấn và các tổ chức, cá nhân thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà; ưu tiên mời tham dự các hội nghị lớn của thị trấn… Khi nghe chúng tôi hỏi ngược về quá khứ, có chuyện mẹ nhớ như in, nhưng cũng có chuyện mẹ đã không còn nhớ rõ. Song, nhìn mẹ vẫn còn rất minh mẫn và khỏe mạnh, trước khi chia tay chúng tôi, mẹ móm mém cười thật hiền lành nói: “Giờ mẹ thấy mình hạnh phúc lắm rồi, chỉ mong mình có sức khỏe để con cháu khỏi phải lo lắng!”.
|
Bí thư Thành ủy Bảo Lộc tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Huệ (Phường 1). Ảnh: Đông Anh |
Theo ông Hà Thanh Tuấn - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà, hiện trên địa bàn huyện có 5 mẹ VNAH đang còn sống. Trong những năm qua, ngoài quy quy định của Nhà nước, Phòng cũng tham mưu cho huyện cùng các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc các mẹ VNAH trên địa bàn, mỗi cơ quan, đơn vị như vậy nhận phụng dưỡng, chăm sóc các mẹ với số tiền trung bình từ 500 ngàn - 1 triệu đồng. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, huyện cũng tổ chức các đoàn tới thăm hỏi, động viên các mẹ. “Hiện trên địa bàn ngoài 5 Mẹ VNAH đang còn sống thì vẫn còn 21 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm, vì vậy, chúng tôi đã làm công tác tham mưu để các đơn vị, cơ quan nhận phụng dưỡng, chăm sóc thường xuyên những trường hợp này. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là làm sao để những gia đình có công ngày càng được chăm sóc tốt hơn, đời sống được cải thiện hơn. Đồng thời, thông qua hoạt động này chúng tôi cũng muốn giáo dục hệ trẻ trên địa bàn về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”- ông Hà Thanh Tuấn nói thêm.
|
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Lâm Ðồng thăm Mẹ Trần Thị Thung (Phường 9, TP Đà Lạt). Ảnh: Nguyệt Thu |
Đến thăm nhà Mẹ VNAH Thái Thị Tương (thôn Phú Thạnh, Hiệp Thạnh, Đức Trọng) một ngày đầu Xuân Canh Tý, con dâu của mẹ - cô Trần Thị Ánh cho biết mẹ vừa mới đi ngủ trưa. Không muốn đánh thức mẹ, chúng tôi ngồi trò chuyện cùng cô Ánh. Cô cho biết, mẹ năm nay cũng đã bước qua tuổi 90, nhưng vẫn còn minh mẫn, mỗi bữa mẹ vẫn ăn được 1 chén cơm, ngoài ra còn uống thêm sữa, nước yến. “Để có được như vậy, chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chính quyền huyện Đức Trọng, xã Hiệp Thạnh và của các đơn vị thời gian qua đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, mỗi tháng, mẹ còn được các đơn vị như Công ty Bình Điền, Hội LHPN xã... nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Vào các dịp lễ, tết hay ngày giỗ các liệt sĩ, xã, huyện đều tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên, những việc làm này đã góp phần động viên tinh thần mẹ rất nhiều” - cô Trần Thị Ánh nói.
|
Vietcombank thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mặc. Ảnh: Lê Hoa |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 324 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH, trong số này hiện còn có 21 mẹ hiện còn sống. Nhằm tri ân những đóng góp to lớn của các Bà mẹ VNAH cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và chăm lo đời sống đối với Bà mẹ VNAH. Trước hết, công tác xác nhận, giải quyết chế độ đối với Bà mẹ VNAH luôn được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan đặc biệt quan tâm. Dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 hoặc ngày lễ, tết, các mẹ còn sống cũng như thân nhân của các mẹ đều được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh và địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh tích cực vận động nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân chăm sóc, phụng dưỡng các Bà mẹ VNAH, thực hiện tốt các hoạt động “Ðền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đồng thời, thực hiện xét phong tặng, truy tặng cho các trường hợp chính xác, đảm bảo đúng quy định. Các buổi lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ VNAH luôn được tỉnh và các địa phương tổ chức trang trọng.
Có thể khẳng định, sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã phần nào xoa dịu những mất mát, đau thương, động viên các mẹ sống vui, sống khỏe, sống có ích.
THY VŨ