Tăng cường năng lực y tế ứng phó với dịch bệnh

06:02, 26/02/2020

Nhìn lại công tác y tế Lâm Ðồng năm 2019 với một số điểm nhấn quan trọng và nhiệm vụ năm 2020 tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế ứng phó với dịch bệnh.

Nhìn lại công tác y tế Lâm Ðồng năm 2019 với một số điểm nhấn quan trọng và nhiệm vụ năm 2020 tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế ứng phó với dịch bệnh.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo TP Bảo Lộc và Bệnh viện II Lâm Đồng về những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Khánh Phúc
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt (thứ 3 từ trái qua) trao đổi với lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo TP Bảo Lộc và Bệnh viện II Lâm Đồng về những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Khánh Phúc
 
Sắp xếp bộ máy tinh gọn
 
Hiện nay, ngành Y tế Lâm Đồng đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ngành (từ 41 đơn vị toàn ngành, xuống còn 24 cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp). Sáp nhập 12 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tuyến huyện vào Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng trên cơ sở sáp nhập 5 đơn vị: Trung tâm Y tế Dự phòng; Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội; Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe. Sáp nhập Trung tâm Tư vấn đầu tư xây dựng cơ bản của ngành Y tế vào Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Lâm Đồng.
 
Kiện toàn cơ cấu tổ chức của Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện YHCT Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện YHCT Bảo Lộc và Bệnh viện Nhi Lâm Đồng.
 
Tổ chức tuyển dụng và bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp cho 451 viên chức tại 23 đơn vị trực thuộc, hoàn thành tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp y tế năm 2019. Tổ chức thi tuyển chức danh Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Tiến hành quy trình bổ sung quy hoạch, quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2020-2025. 
 
Giải quyết nghỉ việc 39 viên chức, người lao động; trong đó có 19 bác sĩ (tuyến tỉnh 8 bác sĩ , tuyến huyện, xã 11 bác sĩ ).
 
Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho 315 công chức, viên chức, trong đó sau đại học 37 người, đại học 55 người, cao đẳng 21 người, lý luận chính trị: 71 người, quản lý nhà nước 72 người, bồi dưỡng chuyên môn 68 lượt người. 
 
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình phòng chống COVID-19 tại Bệnh xá H32.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình phòng chống COVID-19 tại Bệnh xá H32.
 
Sôi động hoạt động truyền thông
 
Thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, dự án 8 về theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế triển khai tại Lâm Đồng năm 2019 với kết quả sau: Thực hiện 203 buổi Chuyên mục sức khỏe cho mọi người trên đài phát thanh, truyền hình tỉnh và huyện, thành phố; phát 1.030 lần thông điệp tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh; thực hiện 44 buổi giao lưu bác sĩ của bạn trên sóng phát thanh và 4 phóng sự về chương trình phòng chống sốt rét và tư vấn sức khỏe trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2019. Tổ chức tuyên truyền 23.119 lần trên các loa truyền thanh của xã, phường; 17 lần xe loa tuyên truyền các thông điệp sức khỏe đến người dân; 36 lần mít tinh cổ động. Các cơ sở y tế có giường bệnh thực hiện 505 lần truyền thông vệ sinh phòng bệnh thông qua hệ thống phát thanh tại bệnh viện. Thực hiện 11.186 lượt tư vấn cho khách hàng qua điện thoại. Sang 187 đĩa tiếng, 2.200 biển cấm, dựng 190 pano treo tường, 3.200 áp phích; in ấn cấp phát 7.200 cuốn Bản tin sức khỏe, 145.000 tờ rơi phòng chống dịch bệnh; làm 1.502 băng rôn tuyên truyền về các vấn đề sức khỏe. 
 
Tổ chức nhiều hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng: Truyền thông chuyên đề, thảo luận nhóm, làm mẫu và thăm hộ gia đình, có 5.180.749 lượt người tham gia tiếp cận thông tin y tế. Tổ chức 9 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh, nước sạch vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm cho nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên y tế.
 
Năm 2019 đã tổ chức kiểm dịch y tế đối với 58.828 lượt khách trên 451 chuyến bay quốc tế đến Lâm Đồng theo quy định (đạt 100%), không phát hiện khách phải cách ly do yếu tố sức khỏe, không phát hiện trường hợp sốt nghi mắc bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ về y tế cần xử lý.
 
Khám sàng lọc bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
Khám sàng lọc bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
 
Bổ sung 317 kỹ thuật
 
Năm 2019 các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện 2.385.751 lượt khám bệnh, đạt 102,8% kế hoạch năm, công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tỉnh đạt 103,8%. Một số cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, chuyển giao kỹ thuật mới và thực hiện luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề khám chữa bệnh. Trong năm, Sở Y tế đã phê duyệt bổ sung 317 kỹ thuật cho 8 đơn vị bao gồm: Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Di Linh: 140, Bệnh viện Nhi: 110, TTYT huyện Bảo Lâm: 23, TTYT huyện Cát Tiên: 20, TTYT huyện Đơn Dương: 14, BVĐK Lâm Đồng: 5, TTYT huyện Đạ Huoai: 3... Đồng thời cho phép triển khai thí điểm 21 kỹ thuật (Bệnh viện Nhi 14 và BVĐK Lâm Đồng 7).
 
Các bệnh viện đã quan tâm triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện; đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế. Điểm trung bình Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam có xu hướng gia tăng qua từng năm từ năm 2016 đến năm 2019 đối với các bệnh viện có mức điểm > 3 có xu hướng chững lại (BVĐK Lâm Đồng 3,3; BV YHCT Phạm Ngọc Thạch 3,17; Bệnh viện huyện Đơn Dương 3,38).
 
Ngoài các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện đã tăng cường nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp nên tỷ lệ hài lòng của người bệnh có xu hướng tăng và giữ ở mức cao. Tỷ lệ trung bình hài lòng của người bệnh nội trú và ngoại trú ở các bệnh viện công lập năm 2019 ở mức khoảng 90%. 
 
Ngành đã tiếp nhận và cho phép 42 đoàn khám chữa bệnh từ thiện trên địa bàn tỉnh đã khám cho 49.944 lượt bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách với tổng kinh phí từ thiện, nhân đạo hơn 4,38 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ 2.048 lượt bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo và 899 lượt hỗ trợ tiền ăn và đi lại với tổng kinh phí 13,7 tỷ đồng từ Quỹ Khám chữa bệnh người nghèo của tỉnh.
 
Y tế cơ sở đến nay, tại Lâm Đồng có 143/147 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 (đạt 97,3%). Có 112/116 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí y tế (tiêu chí 15) của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới (đạt 96,5% số xã toàn tỉnh).
 
Nhiệm vụ và giải pháp năm 2020
 
Phát triển và hoàn thiện hệ thống, tổ chức bộ máy và mạng lưới y tế cơ sở: Quy hoạch, phát triển hệ thống bệnh viện bảo đảm nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân địa phương và khách du lịch; bảo đảm chỉ tiêu giường bệnh/10.000 dân theo kế hoạch. Rà soát, sắp xếp lại phòng khám đa khoa khu vực, bao gồm phòng khám đa khoa quân dân y theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Duy trì xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
 
Phát triển nguồn nhân lực: Tiếp tục thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2020. Đào tạo bác sỹ, dược sỹ theo địa chỉ, liên thông để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y tế cho địa phương, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện để viên chức giữ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược sĩ hạng IV được tham gia đào tạo chuẩn hóa trình độ cao đẳng chuyên ngành theo quy định. Đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa sâu cho bệnh viện tuyến tỉnh; chuyên khoa cho bệnh viện tuyến huyện; nguyên lý y học gia đình cho tuyến xã, phường, thị trấn. Triển khai đào tạo liên tục cho cán bộ y tế. Tổ chức thi tuyển viên chức để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị trong ngành.
 
Thực hiện công tác phòng chống dịch, các chương trình y tế - dân số: Củng cố và hoàn thiện hệ thống giám sát, cảnh báo dịch và phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả đối với các bệnh dịch lưu hành tại địa phương và bệnh dịch mới nổi - COVID-19. 
 
Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Tiếp tục triển khai các đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên. Triển khai chế độ luân phiên cán bộ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới. Tiếp tục triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam.
 
Công tác dược: hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác đấu thầu thuốc, hóa chất, vật tư y tế; bảo đảm cung ứng đủ thuốc phòng, chữa bệnh có chất lượng. Củng cố hệ thống phân phối thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế; quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện; thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng giữa cơ sở khám bệnh và nhà thuốc, quản lý chặt chẽ quy chế kê đơn, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc. 
 
Tiếp tục triển khai đúng tiến độ kế hoạch các dự án hợp tác quốc tế, dự án ODA; tham mưu triển khai thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị cho Bệnh viện II Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Áo và Hungary. Tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế theo quy định của Bộ Y tế cho các đơn vị trong ngành. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong cung cấp dịch vụ y tế phù hợp với nhu cầu của người bệnh. Triển khai thí điểm cơ sở y tế hoạt động tự chủ hoàn toàn kinh phí hoạt động thường xuyên. Từng bước triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
 
Tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra: Xây dựng công cụ và triển khai giám sát hỗ trợ các hoạt động tại các đơn vị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Tổ chức thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các lĩnh vực phụ trách trên địa bàn. Tăng cường vai trò của Phòng Y tế để tham mưu cho UBND huyện, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.
 
AN NHIÊN