Cô giáo bản làng là danh xưng của học sinh và phụ huynh xã Đạ Tông, huyện Đam Rông khi nhắc đến cô K'Blin Cil...
Cô giáo bản làng là danh xưng của học sinh và phụ huynh xã Đạ Tông, huyện Đam Rông khi nhắc đến cô K’Blin Cil. Bằng tình yêu thương học trò, cô đã miệt mài “gieo chữ” cho học sinh vùng sâu suốt hơn 10 năm qua.
|
Cô giáo K’Blin cùng đội văn nghệ của lớp chủ nhiệm |
“Cảm hóa” học sinh cá biệt
Trong câu chuyện về công tác chủ nhiệm suốt 8 năm liền, những lần “cảm hóa” được trường hợp học sinh cá biệt là niềm vui lớn nhất đối với cô K’Blin Cil - giáo viên Trường THPT Đạ Tông.
Cô K’Blin tâm niệm: “Đứng trên bục giảng thì sẽ có nhiều trường hợp giáo viên không lường trước được. Và giáo viên không thể áp đặt học sinh theo ý của mình, có những trường hợp mình phải nhẫn nại, không được đánh, không được quát mắng mà phải tìm cách làm bạn với học trò...”. Chính vì thế, cô luôn dùng phương pháp “lạt mềm buộc chặt”, gần gũi để hiểu và để uốn nắn học sinh. Cô luôn cố gắng nắm bắt kịp thời suy nghĩ, tâm lý học trò và bằng những cách thức nhẹ nhàng như trò chuyện, nhắn tin, lắng nghe... để “cảm hóa” những học sinh cá biệt trở thành những người bạn nhỏ của mình. Từ cậu học trò nghịch ngợm, lười học, đến cô học sinh nhút nhát, qua những lần trò chuyện cùng cô giáo chủ nhiệm K’Blin, các em đã thay đổi: ngoan ngoãn, lễ phép, biết chào hỏi, biết cảm ơn khi được người khác giúp, biết xin lỗi khi mắc lỗi, biết tự giác học tập, thân thiện với bạn bè… “Mình vẫn còn nhớ những cái tên tinh nghịch ấy như Liêng Jrang Ha Jak Bi, Ko Dong Ha Nuông… Và giờ các em đã trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đó là món quà ý nghĩa nhất đối với người giáo viên như mình”, cô K’Blin chia sẻ.
Trong những năm làm chủ nhiệm, cô K’Blin luôn tranh thủ thời gian đến thăm gia đình của hầu hết học sinh trong lớp, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để kịp thời động viên, giúp đỡ học sinh có cơ hội vươn lên trong học tập và không bỏ học giữa chừng.
8 năm làm công tác chủ nhiệm, 7 năm liên tục cô K’Blin đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường. Trong Hội thi Giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh năm học 2016 - 2017, cô đoạt giải nhất chính từ những câu chuyện về “cảm hóa” học sinh cá biệt.
“Trồng người” nơi vùng khó
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Lang Biang huyền thoại, tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng với chuyên ngành sư phạm Vật lý, cô K’Blin hăng hái về nhận công tác tại ngôi trường ở xã vùng sâu, vùng xa Đạ Tông. Giảng dạy nơi đây, khó khăn thiếu thốn không phải là điều giáo viên bận tâm bằng việc huy động học sinh ra lớp. Không quản đường sá xa xôi, lầy lội, khó đi, có những lần dù trời đã tối, cô K’Blin vẫn cùng với các giáo viên khác đến tận nhà học sinh để khuyên bảo và vận động các em đến trường. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh ra lớp của Trường THPT Đạ Tông luôn được giữ vững.
Bên cạnh tình yêu thương học trò, một mặt cô K’Blin không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.
Cô còn giữ trọng trách là tổ trưởng tổ chủ nhiệm, tổ tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về việc học.
Không chỉ nỗ lực trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh, cô K’Blin còn là hạt nhân trong các phong trào của trường, đặc biệt là “cây” văn nghệ với năng khiếu hát múa. Cô từng dẫn đoàn trường tham dự hội thi văn nghệ huyện Đam Rông và đoạt giải nhì, cá nhân cô đoạt giải khuyến khích giáo viên tài năng duyên dáng cấp huyện... Từng là Phó Bí thư Đoàn trường và giờ là Phó Chủ tịch Công đoàn trường, cô luôn nhận được sự tin yêu, quý mến của đồng nghiệp.
Như lời thầy Cao Xuân Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Đạ Tông: “Cô K’Blin là giáo viên trẻ nhưng đầy nhiệt huyết với công việc, cô luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, cô hết mực thương yêu học trò, luôn ân cần, chăm sóc và giáo dục học sinh. Năm 2016, cô đã được vinh danh Nhà giáo ưu tú. Đây cũng là niềm tự hào của nhà trường và là tấm gương để nhiều đồng nghiệp noi theo”.
Miệt mài “gieo chữ” cho học sinh vùng sâu Đạ Tông, cô K’Blin càng thêm gắn bó với mảnh đất này khi tìm thấy hạnh phúc của mình với một chàng trai bản địa. Để rồi, mãi là cô giáo bản làng nơi đây.
VIỆT HÙNG