Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới

06:03, 10/03/2020

Mỗi năm, Lâm Đồng chi hàng tỷ đồng để đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn cho hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.

Mỗi năm, Lâm Đồng chi hàng tỷ đồng để đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn cho hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
 
PGS.TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng tốt nghiệp cho học viên lớp cao cấp chính trị hệ không tập trung, khóa học 2017 - 2019. Ảnh: Đức Lâm
PGS.TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trao bằng tốt nghiệp cho học viên lớp cao cấp chính trị hệ không tập trung, khóa học 2017 - 2019. Ảnh: Đức Lâm
 
Trên 3,7 tỷ đồng cho đào tạo, bồi dưỡng 
 
Có rất nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng được tỉnh mở ra hằng năm dành cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh.
 
Như trong năm 2019 vừa qua, đã có tổng cộng 1.430 học viên các cấp trong tỉnh tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Trong đó, tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị khu vực 2 mở lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 96 học viên; Trường Chính trị Lâm Đồng mở 14 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 863 học viên cùng các lớp sơ cấp và bồi dưỡng lý luận chính trị cho 471 học viên.
 
Để bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, trong năm qua, Trường Chính trị Lâm Đồng và Đại học Nội vụ Hà Nội mở tổng cộng 10 lớp, trong đó có 3 lớp chuyên viên chính với 222 học viên; 7 lớp ngạch chuyên viên với 697 học viên. Tỉnh cũng cử 2 công chức tham dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý ngạch chuyên viên cao cấp tại Học viện Chính trị Khu vực II.
 
Trong đào tạo chuyên môn, có 9 học viên của tỉnh tham dự chương trình đào tạo tiến sỹ; 226 học viên đào tạo thạc sỹ; đào tạo trình độ đại học 848 học viên; đào tạo cao đẳng - trung cấp chuyên nghiệp 180 học viên. 
 
Trong bồi dưỡng, tỉnh cũng cho phép các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh phối hợp với các trường, các học viện, các cơ sở đào tạo trong nước có đủ điều kiện, năng lực đào tạo để tổ chức các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp các hạng cho 2.059 lượt CBCCVC. Tỉnh cũng cử 353 cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức trước khi bổ nhiệm; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân với 138 học viên tham gia; phối hợp với Đại học Nội vụ Hà Nội mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng - thống kê cho 133 công chức cấp xã. 
 
Cùng đó, các cơ sở đào tạo của tỉnh đã mở nhiều lớp ngắn hạn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, vị trí việc làm cho 6.445 lượt người; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho hơn 1 nghìn lượt người cùng nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn khác
.
Tỉnh cũng tổ chức các đợt thi và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số K’Ho, Mạ cho 972 học viên; đào tạo ngoại ngữ cho 409 học viên và đào tạo tin học cho 483 học viên. 
 
Với Đề án củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, trong năm vừa qua, tỉnh đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ điều kiện và năng lực để tổ chức mở 14 lớp cho 672 học viên tham gia tại địa phương, trong đó có 2 lớp trung cấp lý luận chính trị, 5 lớp tiếng dân tộc thiểu số K’Ho, Chu Ru; 5 lớp kiến thức quản lý nhà nước và 2 lớp nghiệp vụ cho những người không chuyên trách cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. 
 
Tỉnh trong năm 2019 cũng có 23 CBCCVC đi đào tạo ở nước ngoài trong các chương trình quản lý nhà nước, dịch vụ công, chính sách công, cùng các lớp chuyên ngành. 
 
Tính tổng cộng trong năm 2019 vừa qua, tỉnh đã chi trên 3,7 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong tỉnh, trong đó kinh phí dành cho cấp tỉnh trên 678 triệu đồng và cấp huyện trên 3 tỷ đồng.
 
Mục tiêu hướng đến 
 
Vẫn còn rất nhiều tồn tại được Sở Nội vụ Lâm Đồng nêu ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC hiện nay.
 
Đó là một số lớp đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh còn mang nặng tính hình thức; dù nội dung tuy đã được cập nhật, đổi mới nhưng vẫn còn hạn chế về tính ứng dụng thực tiễn. Rất nhiều giảng viên, báo cáo viên trong các lớp chủ yếu là cán bộ các cơ quan chuyên môn nên thiếu kỹ năng sư phạm, làm giảm hiệu quả các lớp bồi dưỡng. 
 
Tỉnh cũng cho biết vẫn còn tình trạng nhiều viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp chưa được tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp chuyên ngành. Công tác đào tạo ở một số ngành và địa phương chưa sát với quy hoạch; bố trí, sử dụng cán bộ chưa phù hợp với thực tế; các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã còn tổ chức quá gần nhau; việc chuẩn hóa cán bộ cấp xã còn nhiều khó khăn do trên thực tế số cán bộ, công chức cấp xã chưa có trình độ chuyên môn đa phần là những cán bộ đã có thời gian tham gia công tác lâu năm nhưng lại quá tuổi để tham gia các lớp đào tạo chuẩn hóa trình độ cán bộ.
 
Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo nên trong những năm gần đây, đội ngũ CBCCVC Lâm Đồng đã có bước phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng. Đội ngũ CBCCVC đã không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ lẫn lý luận chính trị, năng lực quản lý, điều hành, kỹ năng thực thi công vụ. Cùng đó, việc hợp tác của tỉnh với các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức giáo dục... cũng đạt được những kết quả quan trọng; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo bồi dưỡng của tỉnh được đầu tư, nâng cấp. 
 
Theo đánh giá của tỉnh, sự phát triển nguồn nhân lực của đội ngũ CBCCVC và người lao động là một trong những yếu tố có tính chất quyết định trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh lâu nay, góp phần không nhỏ đưa Lâm Đồng phát triển nhanh và bền vững. 
 
Để làm tốt hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng trong tình hình mới tại địa phương, đồng thời khuyến khích CBCCVC không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết trong thời gian đến khi xây dựng nội dung các chương trình đào tạo bồi dưỡng luôn chú ý cả về lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành; nhất là kỹ năng thực thi công vụ của CBCCVC, tạo sự chuyển biến mạnh về chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. 
 
Cùng đó, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo từng chức danh vị trí việc làm, theo từng giai đoạn trong định hướng lâu dài đến năm 2030 nhằm xây dựng một đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và nền kinh tế trí thức.
 
Trong năm 2020 này, Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết tỉnh đã bố trí một nguồn ngân sách trên 3,9 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của tỉnh.
 
GIA KHÁNH