Với vai trò là đảng viên, những năm qua ông Hoàng Công Trọng, người dân tộc Mường ở xã Tân Lâm, huyện Di Linh luôn phát huy phẩm chất cao đẹp, biết nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế gia đình...
Với vai trò là đảng viên, những năm qua ông Hoàng Công Trọng, người dân tộc Mường ở xã Tân Lâm, huyện Di Linh luôn phát huy phẩm chất cao đẹp, biết nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế gia đình và trở thành một trong những đầu tàu gương mẫu cho bà con trong bản noi theo; đoàn kết, xây dựng cuộc sống ở vùng quê mới.
|
Ông Hoàng Công Trọng (bìa phải) luôn gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động xã hội tại địa phương |
Năm 1992, có khoảng 20 hộ dân tộc Mường ở phía Bắc vào Tân Lâm làm kinh tế, địa hình nơi đây đồi núi, là những thôn vùng sâu, vùng xa của xã Tân Thượng cũ, đường sá đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Để phát triển, bà con đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình kinh tế, biết kết hợp giữa trồng trọt với chăn nuôi dê, nhím, dúi, cá lăng…
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực quyết tâm vượt khó của người dân trong bản, từ một vùng đất hoang vu, heo hút ngày nào nay các thôn trong vùng đã khởi sắc từng ngày.
Đời sống kinh tế dần ổn định, từ 20 hộ ban đầu, đến nay Thôn 7 đã phát triển 104 hộ (chưa tính hộ xâm canh), trong đó đồng bào Mường chiếm tỷ lệ 95%. Ông Hoàng Công Trọng bộc bạch, sau gần 30 năm, đời sống của đồng bào Mường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo thống kê, hiện Thôn 7 có khoảng 20% số hộ có cuộc sống khá giả, 10 hộ cận nghèo và còn lại 9 hộ nghèo. Số hộ nghèo này chủ yếu là hộ mới vào đây, điều kiện phát triển kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, họ thường đi làm thuê, làm mướn để tìm kế sinh nhai.
Bằng ý chí, sự cần cù, chịu khó của người đảng viên, ông Hoàng Công Trọng tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Từ 4 ha cà phê, do được chú trọng trong khâu đầu tư thâm canh, từng bước chuyển đổi giống mới, nên vườn rẫy cà phê của gia đình ông Trọng thường cho năng suất khá ổn định, bình quân đạt sản lượng trên 12 tấn cà phê nhân/năm.
Thấy được nhu cầu của bà con địa phương trong việc đào ao, nhổ bỏ cà phê giống cũ năng suất kém để trồng tái canh, thời gian qua, gia đình ông Trọng đã mạnh dạn đầu tư gần một tỷ đồng để mua sắm máy đào, xe ben phục vụ bà con trong vùng trong việc đào, múc, san ủi, vận chuyển vật liệu đất đá…
Với 10 năm giữ cương vị là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Thôn 7, ông Hoàng Công Trọng luôn gương mẫu trong mọi phong trào hoạt động xã hội tại địa phương, thường xuyên vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất; nêu cao trách nhiệm, một lòng vì sự phát triển chung của cộng đồng; niềm nở, nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Còn về phía bà con nơi đây luôn xem ông Trọng là người có uy tín, nói đi đôi với làm, gương mẫu làm kinh tế giỏi, giáo dục con cái và xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Bên cạnh đó, ông Trọng luôn đi đầu trong việc hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, hội trường thôn…, vận động bà con xây dựng thành công chương trình nông thôn mới, đô thị văn minh. Ông Hoàng Công Trọng chia sẻ: “Ý thức của người dân được nâng lên, nên rất thuận lợi trong việc vận động xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống. Tích cực chuyển đổi giống cây trồng theo mô hình đa cây nâng cao thu nhập, hiện trong thôn đã có 70 hộ chuyển đổi khoảng 15 ha cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm…”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Lâm, đồng chí Đỗ Toàn Lăng, cho biết: “Đồng chí Hoàng Công Trọng là một trong những đảng viên dân tộc thiểu số tiêu biểu. Không những cần cù, chịu khó làm kinh tế giỏi, ông còn tập hợp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết người dân trong bản trong xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới. Ông Trọng luôn được xem là tấm gương sáng về một người đảng viên dân tộc thiểu số ở địa phương để bà con học tập và làm theo”.
Hiện tâm lý của bà con trong vùng rất phấn khởi, bởi ước mơ có tuyến đường nhựa phục vụ sinh hoạt đi lại từ nhiều năm qua giờ đang trở thành hiện thực. Khi tuyến đường liên xã Tân Lâm - Đinh Trang Hòa hoàn thành sẽ giải quyết bài toán khó khăn “mùa mưa lầy lội, trơn trượt còn mùa khô thì bụi bặm”, đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân các thôn (Thôn 7, 8, 9, 10) hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc.
LAM PHƯƠNG