Đóng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là ngôi trường cấp 3 của học sinh 5 xã vùng Loan...
Đóng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm là ngôi trường cấp 3 của học sinh 5 xã vùng Loan. Vượt qua điều kiện còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua nên đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
|
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những ngày đầu đi học trở lại sau kỳ nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. |
Nâng cao chất lượng giáo dục
Xuôi Đà Lạt khoảng hơn 50 cây số, băng qua những vườn cà phê, rau màu bạt ngàn trên con đường gồ ghề sỏi đá, chúng tôi có mặt tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - xã Đà Loan, huyện Đức Trọng những ngày đầu học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ phòng, chống dịch COVID-19. Ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Đức Trọng hiện ra khang trang trước mặt, đặc biệt nhất là khuôn viên xanh - sạch - đẹp không thua kém gì những trường vùng trung tâm. Các dãy lớp học vang đều tiếng giáo viên và học sinh trao đổi bài theo phương pháp dạy học tích cực: giáo viên là người dẫn dắt đưa ra những gợi mở cho một vấn đề và cùng học sinh bàn luận, tìm ra mấu chốt vấn đề cũng như những vấn đề liên quan.
“Phương pháp này được nhà trường áp dụng từ vài năm học trở lại đây, lấy sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, tư duy của học sinh làm nền tảng, giáo viên không còn là người chỉ truyền đạt kiến thức một chiều. Vì vậy, tạo được hứng thú học tập cho học sinh giúp các em nhanh hiểu bài. Nhà trường luôn động viên đội ngũ giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Bùi Văn Tiện - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay.
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm được đổi tên từ Trường THPT Đà Loan - cái tên trước đây chỉ nghe thôi cũng hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của vùng đất này. Tuy nhiên, sự đổi tên trường cũng giống như sự “thay da đổi thịt” của ngôi trường vùng sâu này.
Trong niềm vui, thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường không giấu được sự phấn khởi: “Với sự quyết tâm, đồng lòng của Ban giám hiệu, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và Nhân dân trên địa bàn nên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ: đội ngũ giáo viên ngày càng tâm huyết, vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ; chất lượng đại trà của học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước; thi tốt nghiệp THPT luôn đạt và vượt mặt bằng chung của tỉnh; số lượng học sinh giỏi các môn văn hóa, thể dục thể thao hàng năm đều tăng; đặc biệt trong cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học 2 năm qua đều đạt thành tích cao…”.
Thực hiện hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua giáo dục
“Xác định các cuộc vận động và phong trào thi đua giáo dục là “đòn bẩy” góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn cố gắng triển khai và thực hiện có hiệu quả. Trong đó, chú trọng đến nội dung thực hiện nhiệm vụ giáo dục theo Chương trình hành động số 74 của Tỉnh ủy Lâm Đồng, Quyết định số 2653 về thực hiện Nghị quyết số 29 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Cùng với đó là triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Qua đó, học sinh đã có nhiều chuyển biến tích cực trong rèn luyện đạo đức, không có hiện tượng bạo lực học đường, ma túy hay các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học; không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo…”, thầy Đoàn Văn Phấn - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ.
Cùng với đó, nhà trường luôn quan tâm chăm lo học sinh dân tộc, học sinh nghèo vượt khó. Không chỉ bằng các suất học bổng nhà trường trao cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trường còn làm tốt công tác huy động xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức chính trị, xã hội trong và ngoài ngành giáo dục hỗ trợ trao xe đạp cho học sinh ở xa trường để các em có thêm điều kiện đến lớp.
Với sự phấn đấu, nỗ lực của thầy và trò, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2018. Đặc biệt, với điều kiện cơ sở vật chất và nhân sự đảm bảo, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa qua, trường được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn để tổ chức 1 điểm thi; qua đó, tạo điều kiện cho học sinh không phải vất vả đi lại xa xôi như trước đây để dự thi.
TUẤN HƯƠNG