Từ ngày 2/3 đến 8/3, phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài - đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam...
Từ ngày 2/3 đến 8/3, phát động phụ nữ cả nước mặc áo dài - đây là hoạt động trong khuôn khổ sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam, 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
|
Nữ sinh viên Đại học Đà Lạt thướt tha áo dài. Ảnh: Thụy Trang |
… “Đẹp biết bao/ quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu/ Dù ở đâu/ Paris, Luân Đôn hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó/ em ơi…” - Đây là ca từ khiến những người Việt cảm thấy tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mỗi khi nghe ca khúc Một thoáng quê hương.
Ca khúc Một thoáng quê hương được nhạc sĩ Thanh Tùng viết cùng nhạc sĩ Từ Huy. Đây là bài hát đặc biệt dành riêng cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức lần đầu năm 1989. Một thoáng quê hương cũng được ca sĩ Hồng Nhung thể hiện khá thành công, về sau ca khúc phổ biến rộng rãi và xuất hiện ở nhiều chương trình âm nhạc lớn. Theo cố nhạc sĩ Thanh Tùng, chính ông cũng không ngờ ca khúc ấy đã trở thành một ca khúc được nhiều người ưa chuộng và có mặt trong nhiều cuộc thi liên quan đến phụ nữ và áo dài.
Gõ từ khóa “Áo dài Việt Nam” trên Google sẽ ra ngay khoảng 90.300.000 kết quả trong 0,43 giây, rõ ràng sự quan tâm của mọi người đến “chiếc áo nhiệm mầu” quá lớn.
|
Phụ nữ lộng lẫy và duyên dáng hơn trong chiếc áo dài Việt Nam |
Nếu không quan tâm đúng mức, chúng ta sẽ mất đi bản quyền sở hữu “Áo dài Việt Nam” về mặt thủ tục sở hữu trí tuệ từ hồi chuông cảnh báo tại Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 và Tuần lễ thời trang xuân hè 2020 đều diễn ra ở Bắc Kinh. Ne-Tiger - một thương hiệu thời trang nội của Trung Quốc - đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế. Không dừng lại ở đó, Đài CGTN (Trung Quốc) dẫn lời ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne-Tiger, tuyên bố quan điểm của ông “khi sáng tạo ra bộ sưu tập, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”.
Áo dài được xem là quốc phục của phụ nữ Việt Nam, trong tiếng Anh giữ nguyên không dịch từ này, cũng như từ phở, là hồn cốt văn hóa Việt không lẫn vào đâu được, cho nên “… Mai đây dù có đi xa/ Trong tim là cả quê hương” như lời kết ca khúc Một thoáng quê hương. Chỉ “một thoáng” thôi, chiếc áo dài cũng đã khắc họa, gợi nhớ về hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Đó là hình ảnh quen thuộc gần gũi trong mỗi người đã trở thành biểu tượng người phụ nữ Việt Nam, là người bà, người mẹ, người em gái, là bao thế hệ tiếp nối đã gìn giữ chiếc áo dài từ truyền thống đến cách tân, đã tạc tượng vào tâm hồn, trái tim của người Việt. Trong đời người phụ nữ Việt Nam, ai cũng có ít nhất một chiếc áo dài, là kỷ niệm trong ngày lên xe hoa, hay thời thiếu nữ trong chiếc áo dài trắng học trò tinh khôi và muôn sắc màu áo dài từ đời thường đến sàn diễn thời trang. Hiển nhiên, chiếc áo dài là “quốc hồn, quốc túy”, bảo vệ chiếc áo dài là bảo vệ “chủ quyền văn hóa Việt”.
Hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam”, Hội LHPN Lâm Đồng phát động “Tuần lễ Áo dài” năm 2020. Hội LHPN các huyện, thành phố và cơ sở tùy tình hình thực tế của địa phương quy định “Tuần lễ mặc Áo dài đến công sở” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ nhân dịp 8/3/2020 và mặc áo dài trong những hội nghị, những ngày lễ lớn của đất nước, của Hội.
Đồng thời, Hội LHPN Lâm Đồng phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh truyền thông quảng bá áo dài Việt Nam và hưởng ứng cuộc vận động 10.000 bước chân mỗi ngày năm 2020. Mục đích khẳng định vị thế, giá trị, chủ quyền của áo dài trong đời sống xã hội hiện nay; tôn vinh chiếc áo dài Việt Nam trong thời đại mới, qua đó cổ vũ đông đảo mọi người cùng bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tích cực truyền thông đến các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp và cá nhân về vị thế của áo dài trong đời sống xã hội Việt Nam. Kịp thời động viên những tập thể, cá nhân gìn giữ bản sắc, văn hóa áo dài Việt Nam thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
|
Người đẹp Nguyễn Thị Thu Phương (Trường Mầm non 11 Đà Lạt) đoạt giải Nhất Hội thi Duyên dáng áo dài thành phố Hoa năm 2019 |
Chương trình truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên, CNVC-LĐ và toàn thể Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tôn vinh những đơn vị thường xuyên sử dụng trang phục áo dài trong công tác và trong các hoạt động khác.
Xin ghi lại ý kiến của ông Hoàng Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Đà Lạt, Trưởng Ban Giám khảo chung kết Hội thi “Duyên dáng áo dài thành phố Hoa” năm 2019: “Tôi rất ấn tượng cuộc thi nhiều ý nghĩa, thu hút lực lượng thí sinh đông đảo (với 50 thí sinh và 41 tập thể) tham gia dự thi. Tiêu chí “Duyên dáng áo dài” cho nên áo dài phải được kết hợp với sự duyên dáng người phụ nữ, các yếu tố đó hòa quyện với nhau. Ban Giám khảo đánh giá cao các thí sinh dự thi đảm bảo tiêu chí trang phục phù hợp vóc dáng người trình diễn, sáng tạo chiếc áo dài chân phương hay cách điệu phải gần gũi cuộc sống”. Trưởng Ban Giám khảo Hội thi đánh giá cao chất lượng Hội thi “Duyên dáng áo dài thành phố Hoa” năm 2019 và kiến nghị Ban tổ chức nên có định kỳ tổ chức hội thi 1 hoặc 2 năm một lần, bởi đây là một hội thi đẹp, từ thí sinh đến lực lượng cổ động viên tham gia hưởng ứng nhiệt tình.
Chiếc áo nhiệm mầu - Chiếc áo dài Việt Nam luôn tạo nên hấp lực lớn, gắn với đời người phụ nữ Việt Nam qua bao thế hệ, chiếc áo mang biểu tượng của quê hương. Mỗi người phụ nữ Việt Nam tự hào và có trách nhiệm nâng niu gìn giữ vốn quý này bằng hành động thiết thực: Hãy mặc áo dài trong các sự kiện phù hợp!
AN NHIÊN