Tà Nung: Vững bước trên đường xây dựng quê mới

06:03, 04/03/2020

Một xã vùng xa của thành phố Ðà Lạt, nơi cư dân cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đang vững vàng trên hành trình xây dựng nông thôn mới Tà Nung.

Một xã vùng xa của thành phố Ðà Lạt, nơi cư dân cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đang vững vàng trên hành trình xây dựng nông thôn mới Tà Nung.
 
Sấy khoai lang dẻo tại Tà Nung
Sấy khoai lang dẻo tại Tà Nung
 
Tà Nung, gần mà xa
 
Thuộc địa bàn thành phố Đà Lạt nhưng nằm cách một con đèo, Tà Nung là nơi sinh sống của một cộng đồng dân cư đa dạng. Người K’Ho Srê bản địa, người K’Ho Cil tới từ Lạc Dương, người Đà Lạt xuống khai hoang làm kinh tế mới cũng như cư dân tới từ nhiều vùng đất khác. Với dân số 5.393 khẩu, Tà Nung có trên 50% dân cư thuộc các dân tộc ít người bản địa. Là xã có lịch sử thành lập ngắn hơn rất nhiều so với thành phố Đà Lạt, đời sống kinh tế của người Tà Nung còn rất nhiều khó khăn. Cây trồng chính là cây cà phê, người Tà Nung phụ thuộc rất nhiều vào giá thị trường lên, xuống. Vì vậy, đời sống của cư dân miền đất mới này cũng chưa được như kỳ vọng của chính quyền và Nhân dân. 
 
Bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với nhiều thách thức, Tà Nung đã hết sức vươn mình, vận động sức mạnh của cả cộng đồng và sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. Lấy ý kiến Nhân dân về việc xây dựng các công trình hạ tầng, thực hiện ra quân chủ nhật xanh... đều được Nhân dân thảo luận, dân chủ, đóng góp ý kiến xác đáng vào việc chung. Lấy tiêu chí minh bạch, công khai làm kim chỉ nam hoạt động, quá trình xây dựng nông thôn mới đã được sự đồng thuận của toàn thể Nhân dân, tạo nên sức mạnh kết đoàn, sức mạnh rất quan trọng để tạo nên khối sức mạnh thống nhất.
 
Có sự đồng thuận của toàn thể cộng đồng, phong trào huy động vốn, phát huy nội lực tăng cường hoạt động xã hội hóa xây dựng nông thôn mới tại Tà Nung đã đạt được những thành tích đáng kể. Bà con đã đóng góp kinh phí cải tạo, sửa chữa đường liên thôn 1, 3, 4; cải tạo sửa chữa đường vào ruộng lúa Thôn 3 với số tiền 600 triệu đồng do Nhân dân đóng góp 100%. 
 
Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng khác như đường liên Thôn 1, 4; đường Cil Cút; cầu vào suối Nước Trong...được Nhà nước hỗ trợ và Nhân dân cùng đóng góp xấp xỉ 1 tỷ đồng để hoàn thành. 
 
Các đoàn thể của Tà Nung cũng thực hiện các mô hình xây dựng kinh tế - văn hóa - xã hội phù hợp với thành viên, hội viên, cùng chung tay xây dựng cộng đồng vững mạnh. Qua các mô hình đã đăng ký, Mặt trận và các đoàn thể cũng đã xây dựng được các kế hoạch, giải pháp, lộ trình thực hiện để triển khai cho các đoàn viên, hội viên cùng chung tay góp sức thực hiện đến nay các mô hình đã đi vào hoạt động và đạt kết quả tốt. 
 
Thành quả đẹp trong xây dựng nông thôn mới
 
Với sự cố gắng vươn lên của toàn thể hệ thống chính trị và mỗi gia đình, mỗi cá nhân, bộ mặt Tà Nung đã thay đổi rõ rệt, theo chiều hướng ngày càng văn minh, no ấm. Năm 2019, thu nhập bình quân trên đầu người của Tà Nung đạt 38 triệu đồng/người/năm. Tính đến hiện tai, tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều là 0,26%, chỉ còn 3 hộ nghèo, trên 93% người trong độ tuổi lao động có việc làm. 
 
Xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, đạt chuẩn mức độ III phổ cập giáo dục tiểu học, đạt chuẩn mức độ II phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
 
Trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia, đủ sức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 73,02%. Xã có 6/6 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn các thôn đạt 90%, 87,9% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. 
 
Công tác thu gom, xử lý rác thải được quan tâm thực hiện thường xuyên, đảm bảo vệ sinh cộng đồng dân cư. Những “ngày chủ nhật xanh” với sự tham gia của tất cả dân cư đã giúp bộ mặt nông thôn được sạch sẽ, gọn gàng. Trâu bò được chăn thả đúng chỗ, không còn cảnh phân, rác thải bừa thải trên đường làng, ngõ xóm. 
 
Đặc biệt, từ một xã chuyên trồng cây cà phê, Tà Nung đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trồng những cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao như rau, hoa, khoai lang, trồng dâu nuôi tằm, nuôi cá. Nhiều liên minh sản xuất đã hình thành, mang lại ổn định cho sản xuất nông nghiệp như tổ hợp tác làm khoai lang sấy dẻo, tổ hợp tác nuôi cá, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm... Sự thay đổi này đánh dấu bước tiến mới trong đời sống nông thôn Tà Nung, giúp người Tà Nung càng ngày càng tiến bộ hơn, đời sống của vùng quê dưới chân đèo Tà Nung ngày càng no ấm hơn, trù phú hơn.
 
DIỆP QUỲNH