Ngày 19/1/2020, nhà khoa học Nguyễn Văn Sáu, Hòa thượng Thích Huệ Ðăng được vinh danh trao tặng giải thưởng "Thành tựu trọn đời"...
Ngày 19/1/2020, nhà khoa học Nguyễn Văn Sáu, Hòa thượng (HT) Thích Huệ Ðăng được vinh danh trao tặng giải thưởng “Thành tựu trọn đời” của Hội đồng Giải thưởng chăm sóc sức khỏe ưu tú Six Sigma và bằng Giáo sư danh dự của Viện Ðại học Kỷ lục thế giới (World Records University).
|
Hòa thượng Thích Huệ Đăng trầm tư với những thành tựu của mình. |
Gương sáng cho tình yêu
Lễ vinh danh diễn ra tại Đà Lạt, trước sự chứng kiến của rất nhiều nhà khoa học như tiến sĩ (TS) Biswaroop Roy Chowdhury - Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKinhgs), Phó Hiệu trưởng Viện Đại học Kỷ lục thế giới; TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Kỷ lục gia (KLG) Việt Nam; ông Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; TS Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ,... TS Thang Văn Phúc khẳng định về HT Thích Huệ Đăng: “Với tư cách là một nhà khoa học, một nhà nghiên cứu thực chứng, thầy đã viết thành một tập hồ sơ giáo sư rất công phu. Tôi đã rất xúc động khi cầm cuốn hồ sơ này. Đó là một công trình chứa đựng toàn bộ trí thức, tình cảm và ý chí của thầy. Nhờ bộ hồ sơ này, tổ chức Kỷ lục Việt Nam nhận ra khoảng trống mà chúng ta chưa triển khai đó là thống nhất cùng với Đại học Kỷ lục thế giới thành lập khoa thực hành - thực chứng - kết quả, để xác lập giá trị của các nhà ứng dụng thực hành”.
TS Biswaroop Roy Chowdhury cho biết, Nhà Xuất bản Diamond Books của Ấn Độ trong 2 năm, khoảng 100 công trình gửi đến nhưng chỉ chọn một vài công trình để xuất bản, trong đó có công trình về Buddha Yoga của HT Thích Huệ Đăng, phát hành ngày 27/12/2019 tại New Delhi, thông qua kênh phát hành sách lớn nhất thế giới là Amazone. Cuốn sách về chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng tiếng Anh được đưa vào tập sách Kỷ lục Ấn Độ năm 2020. TS Biswaroop đã đề nghị Trường Đại học Lincoln, Malaysia đưa triết lý của HT vào chương trình đào tạo và ông khẳng định: “Những thành tựu, những đúc kết của giáo sư, TS Nguyễn Văn Sáu khi trở thành một khoa thực hành - thực chứng - kết quả của Trường Đại học Lincoln thì tôi tin chắc rằng, những kiến thức và phương pháp này sẽ được lan tỏa trên khắp thế giới”. Đó cũng là tâm niệm của HT Thích Huệ Đăng - Nguyễn Văn Sáu: “Cuộc đời tôi lấy ba tiêu chí: lấy tâm làm cha, lấy trí tuệ làm mẹ và lấy cộng đồng làm quyến thuộc. Trong tâm tôi, bất cứ ai quan tâm đến phương pháp và kiến thức của tôi, không kể quốc gia, sắc tộc đều là quyến thuộc của mình”. Còn doanh nhân Nicolas đến từ Cộng hòa Síp cũng bày tỏ: “Thông qua công việc liên quan đến các vấn đề phát triển và đầu tư kinh tế toàn cầu, tôi đã đi qua hơn 110 quốc gia, và tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, tôn giáo, con người (...). Khi tôi gặp thầy, ngay lập tức tôi cảm nhận được năng lượng của thầy, đôi mắt thầy tỏa ánh sáng của trí tuệ. Năng lượng của thầy truyền qua tôi (...). Thầy là một tấm gương sáng cho tình yêu...”.
Ðể lại nhiều giá trị quý
Có thành tựu như hôm nay là quá trình thầy Thích Huệ Đăng lao động quần quật, miệt mài phấn đấu. Sinh năm 1940, văn hóa chỉ lớp 3, nhưng mức thông tuệ của ông Nguyễn Văn Sáu - HT Thích Huệ Đăng “khó có người theo kịp và ở Việt Nam chỉ có một nhà sư như vậy” (nhận xét của nhà báo, đại tá công an Nguyễn Như Phong). Trong quá trình tu tập, thầy đã tự ứng dụng Yoga thành tựu được pháp môn Kriya Yoga, Sushumma Yoga và Chakra Yoga. Thầy được Học viện Yoga quốc tế (Yoga Vedanta Forest Academy, Canada) cấp bằng Master Yoga vào năm 2014 và chính thức trở thành Đạo sư Yoga. Viện Buddha Yoga do thầy làm Viện trưởng được Hiệp hội Yoga Hoa Kỳ công nhận là cơ sở đào tạo giáo viên Yoga trong nước và quốc tế, một trong 300 trường đại học lớn nhất thế giới. HT Thích Huệ Đăng cho tôi biết, để được công nhận là giáo sư, tiến sĩ và cử nhân danh dự của thế giới, ông đã làm 3 bộ hồ sơ với hàm lượng lớn về học thuật gửi đến các tổ chức. Từ đó thầy được mời làm giảng sư của các trường đại học ở Hoa Kỳ, Anh, Ấn Độ...
Nói đến HT Thích Huệ Đăng, nhiều người biết ông rất thành công về trồng địa lan ở Lâm Đồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, khởi nghiệp từ những năm 1980. Cứ vào dịp tết nguyên đán, đích thân thầy đứng ở các con đường tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bán từng chậu hoa. Đó là nguồn thu để thầy xây dựng nên cơ ngơi sản xuất lan và sâm Ngọc Linh cùng nuôi gần 50 công nhân và kỹ sư. Năm 2009, thầy bắt đầu nghiên cứu quy trình nhân giống cây sâm Ngọc Linh, cũng bằng phương pháp nuôi cấy mô. Tháng 10/2012, công trình nghiên cứu của thầy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao bằng Độc quyền Sáng chế, trở thành nhà sư duy nhất ở Việt Nam có hai bằng sáng chế: Trồng lan và trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô. Bên cạnh việc ươm cây con để bảo tồn giống cây quý, thầy nghiên cứu để khai thác nguồn sinh khối thu được trong quá trình nhân giống. Năm 2016, thầy sản xuất thành công sản phẩm chiết xuất sinh khối (callus) dạng viên, hỗ trợ điều trị cho rất nhiều bệnh nhân trên cả nước ở nhiều loại bệnh khác nhau. Tháng 5/2018, HT Thích Huệ Đăng được Cục Sở hữu Trí tuệ trao bằng thứ hai - bằng Độc quyền Giải pháp hữu ích cho quy trình sản xuất sản phẩm chiết xuất sinh khối sâm Ngọc Linh và sản phẩm thu được từ quy trình này. Thầy đầu tư công nghệ tiên tiến của nước ngoài để tạo viên nén sâm Ngọc Linh. Ngày 21/1/2020, sản phẩm sâm Ngọc Linh đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận “Đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe”.
Những ngày tháng 2/2020, Việt Nam cùng thế giới nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19, với tâm thế chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thầy Thích Huệ Đăng tự nguyện gửi tặng 500 viên nén sâm Ngọc Linh cho đội ngũ y, bác sĩ của 5 bệnh viện lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng, tổng trị giá 500 triệu đồng. Lãnh đạo Bộ Y Tế rất hoan nghênh tấm lòng của thầy. Tôi đã xác tín thông tin này từ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, bác sĩ Lê Văn Tiến cho biết đã nhận được cơ số viên nén này. “Viên sâm Ngọc Linh phải được sản xuất từ cái Tâm Chân thật, Tâm Tình thương, Tâm Hy sinh và Tâm Nhẫn nại” như thầy chia sẻ, nên quyết không chuyển giao cho doanh nghiệp, dù đã được trả giá nhiều tỷ đồng. HT Thích Huệ Đăng - nhà khoa học Nguyễn Văn Sáu thực sự tỏa sáng từ tâm và trí tuệ đặc biệt, một nhà khoa học lớn và một người tu hành theo Mật Tông đắc đạo. Dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, HT Thích Huệ Đăng vẫn đang đảm đương vị trí Phó Ban Đối ngoại Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giảng sư cao cấp của Giáo hội, Giám đốc Công ty Thanh Quang và Viện trưởng Viện Budha Yoga Việt Nam. Thầy không giấu nỗi buồn khi tâm tư với tôi, đó là chưa tìm được người đủ tâm và tầm để trao truyền những giá trị về Đạo và Đời mà thầy đã gây dựng với rất nhiều tâm huyết.
MINH ÐẠO