Thuộc đảo cấp 1, nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca luôn tươi xanh và tràn đầy sức sống giữa trùng khơi...
[links()]
Hồn Việt ở Sơn Ca
Thuộc đảo cấp 1, nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca luôn tươi xanh và tràn đầy sức sống giữa trùng khơi. Sơn Ca được biết đến là một trong những hòn đảo mang dáng dấp yên bình của làng quê Việt Nam, bởi không khí thanh bình trên đảo. Nơi đây còn có công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với 300 bức ảnh tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của vị Đại tướng thiên tài và các tư liệu quý của Quân chủng Hải quân Việt Nam.
|
Những người lính Hải quân đảo Sơn Ca tuần tra canh gác bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. |
Đảo xanh nơi đầu sóng
Sau khi rời đảo Đá Thị, tàu KN 490 tiếp tục ngược những con sóng bạc đầu đưa Đoàn công tác chúng tôi đến thăm, tặng quà và chúc Tết Canh Tý 2020 tới cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca. Đây là lần thứ 2 ra Trường Sa, nhưng là lần đầu tiên tôi may mắn có dịp ghé thăm Sơn Ca - hòn đảo mới nghe thôi đã cho tôi cảm giác bình yên và thơ mộng. Đúng như những gì tôi cảm nhận bằng chính suy nghĩ của mình, khi tàu KN 490 bắt đầu dừng thả neo cách đảo chừng 3 hải lý, ở đằng xa, Sơn Ca hiên ngang đứng vững được bao bọc một màu xanh tốt tươi của nhiều loại cây xanh che chở, ôm đảo vào lòng. Khi đặt chân lên đảo, chúng tôi cảm nhận được sức sống căng tràn của Sơn Ca qua bàn tay, ý chí và bản lĩnh vun trồng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh những cây bản địa như bàng vuông, phong ba, bão táp, tra, phi lao…; đảo Sơn Ca còn có một số cây đặc trưng như xoài biển, mù u, hoa súng, hoa giấy. Không những thế, trên đảo còn có nhiều loại cây ăn quả như chuối, ổi, đu đủ, mít… đang đâm chồi, bung nụ kết trái. Mỗi con đường, công viên, góc sân trên đảo luôn rợp bóng mát cây xanh. Xen lẫn là những “tiểu công viên” hoa giấy đỏ thắm nằm bên cạnh trụ sở chỉ huy, nhà văn hóa, nhà khách… được cán bộ, chiến sĩ trên đảo dày công tạo dựng, chăm sóc.
Trung tá Phạm Ngọc Dũng - Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, cho hay: “Trên đảo, khí hậu vô cùng khắc nghiệt và đất đai cằn cỗi, nên việc chăm sóc để cây cỏ, hoa lá xanh tốt không dễ chút nào. Để đảo có được màu xanh tốt tươi như ngày hôm nay, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã đổ không biết bao mồ hôi, công sức trên đảo. Riêng đối với các loại hoa đang có trên đảo, cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên di dời vị trí theo hướng gió để tránh hơi mặn của nước biển thì chúng mới sống được. Không chỉ chú trọng công tác chăm sóc, mà mỗi cán bộ, chiến sĩ khi ra đảo còn chủ động mang theo các loại cây xanh, hạt giống để trồng, nhằm đa dạng màu xanh cho Sơn Ca. Cùng với đó, nhờ đất đai thường xuyên được cải tạo nên các vườn rau, củ, quả trên đảo cũng luôn tươi tốt, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị”.
|
Cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca trò chuyện cùng Hòa thượng Thích Nguyên Hòa, trụ trì chùa Linh Sơn. |
Nơi lưu giữ hồn cốt cha ông
Hồn cốt cha ông, đó chính là hồn Việt đang lan tỏa đầy ắp các đảo, điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Đưa hồn Việt ra Trường Sa là chủ trương, chính sách quan trọng nhằm khẳng định ý chí, quyết tâm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Đó là lời khẳng định đanh thép của Đại tướng Lê Đức Anh ở đảo Trường Sa năm 1988 được in khắc trang trọng ở nhà truyền thống khắp các đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta”. Đó là tấm bia khắc ghi bài thơ “thần” của Lý Thường Kiệt trên đảo Đá Tây; các tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo (trên đảo Song Tử Tây), Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (trên đảo Nam Yết) oai nghiêm chỉ tay ra biển khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Đó còn là cảm xúc dâng trào khi xem những tấm bản đồ, châu bản triều Nguyễn chứng minh về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam trưng bày ở Nhà truyền thống đảo Nam Yết… Đặc biệt là hình ảnh cờ Tổ quốc, cờ Đảng linh thiêng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn hiện diện trên các đảo, điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa.
Riêng tại đảo Sơn Ca, rất đỗi tự hào khi trên đảo có hẳn một công viên rộng lớn mang tên người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người “anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đó chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở nơi đảo xa, bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp với gương mặt đức độ, nhân từ nhưng đầy vẻ uy nghiêm luôn hiện diện trên đảo càng tăng thêm niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ ở Sơn Ca. Sự hiện diện của công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp phần xây dựng đảo Sơn Ca ngày càng khang trang, bề thế; đồng thời, là chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp cán bộ, chiến sĩ noi gương vị tướng của lòng dân, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
|
Giàn mướp hương trên đảo Sơn Ca được cán bộ, chiến sĩ chăm sóc xanh tốt, trĩu quả chẳng thua kém ở đất liền |
Trên đảo Sơn Ca còn có chùa Linh Sơn, là nơi thờ phụng linh thiêng để cán bộ, chiến sĩ gửi gắm sự tôn kính tới các thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh xương máu bảo vệ Tổ quốc. Ngược dòng lịch sử, trong quá trình khai thác thủy hải sản ở vùng biển Trường Sa, những ngư dân Việt đã dựng am, miếu trên các bãi đá nổi làm điểm tựa tâm linh cầu cho mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy thuyền để có cuộc sống ấm no. Giờ đây, chùa Linh Sơn là một trong những công trình tâm linh trên quần đảo Trường Sa, thực sự trở thành điểm tựa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển khai thác thủy hải sản. Đó là nơi tổ chức các lễ cầu siêu cho những chiến sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của dân tộc; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tiếp thêm sinh khí cho quân và dân trên quần đảo Trường Sa.
Hòa thượng Thích Nguyên Hòa - trụ trì chùa Linh Sơn (đảo Sơn Ca), tâm niệm: “Bất cứ ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam, mỗi ngôi chùa đều mang thông điệp hướng thiện, với khát vọng hòa bình, hữu nghị bằng chính tấm lòng nhân hậu bao đời nay của Nhân dân ta. Chùa ở Trường Sa nói chung và chùa Linh Sơn nói riêng luôn thờ phụng để bộ đội và người dân hướng về cội nguồn của dân tộc, hướng về lớp lớp cha ông đã ngã xuống vì nước, vì dân. Sự hiện diện của các công trình tâm linh trên quần đảo Trường Sa, nơi tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc là sự khẳng định không gì chối cãi về mảnh đất thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, được nhiều đời cha ông hy sinh xương máu để gìn giữ và bảo vệ”.
Cứ thế, bao đời nay, trong triệu triệu trái tim con dân đất Việt “Trường Sa luôn linh thiêng mang dáng hình Tổ quốc”. Để rồi, thế hệ, nối tiếp thế hệ, những người lính Hải quân luôn vững niềm tin bồng súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam và lòng yêu chuộng hòa bình của Nhân dân ta.
KHÁNH PHÚC