Tổ quốc nhìn từ biển (Bài 4)

06:03, 23/03/2020

Bàng vuông, mù u và phong ba là những loài cây đặc trưng, có sức sống mãnh liệt đã và đang làm giàu thêm màu xanh cho quần đảo Trường Sa...

[links()]
Những loài cây gắn bó với người lính đảo
 
Bàng vuông, mù u và phong ba là những loài cây đặc trưng, có sức sống mãnh liệt đã và đang làm giàu thêm màu xanh cho quần đảo Trường Sa. Cũng bởi đặc tính đó, cây bàng vuông, phong ba... còn gắn liền với biểu tượng của người lính đảo trẻ trung, hiên ngang bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
 
Cây phong ba hơn 300 năm tuổi trên đảo Song Tử Tây, là một trong 4 cây di sản trên quần đảo Trường Sa
Cây phong ba hơn 300 năm tuổi trên đảo Song Tử Tây, là một trong 4 cây di sản trên quần đảo Trường Sa
 
Cây di sản ở Trường Sa
 
Những ai lần đầu đặt chân lên các đảo nổi ở quần đảo Trường Sa đều bị sức hút mê hồn bởi màu xanh bao trùm các đảo nhỏ giữa biển cả trùng khơi. Ở đó, bất chấp khí hậu khắc nghiệt, muối mặn nơi đầu sóng, nhiều loại cây xanh như bàng vuông, mù u, phong ba và bão táp vẫn hiên ngang vươn cao xanh tốt, trở thành những loài cây biểu tượng của Trường Sa.
 
Chính vì sức sống mãnh liệt đó, các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa đã chọn bàng vuông, mù u, phong ba và bão táp là những cây xanh chủ đạo để phủ xanh, xây dựng đảo luôn “xanh - sạch - đẹp”. Trong suốt chuyến hải trình rẽ những con sóng bạc đầu của tàu KN 490 đưa Đoàn công tác ra thăm, chúc Tết Canh Tý 2020 quân và dân trên quần đảo Trường Sa, Thượng tá Phạm Duy Hướng - Phó Chính ủy Lữ đoàn Trường Sa 146, kể với chúng tôi rất nhiều điều về các loài cây nơi đảo xa. Các đảo, điểm đóng quân ở quần đảo Trường Sa quanh năm đều phải đối diện với nắng gió, mưa bão, hơi mặn của biển, nếu không có cây xanh tạo nên bóng mát, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân vô cùng khắc nghiệt. Các đảo nổi có đất đã trồng rất nhiều loại cây có giá trị được mang từ đất liền ra, nhưng không thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt nơi đầu sóng. “Nắng nóng, sóng gió, bão bùng và hơi mặn chát của nước biển, chẳng ở đâu thời tiết khắc nghiệt hơn quần đảo Trường Sa. Thế nhưng bàng vuông, mù u, phong ba và bão táp vẫn là những cây xanh cắm rễ sâu vào nền đá san hô. Bằng chính sức sống mãnh liệt, các loài cây này cứ thế vươn cao tươi tốt, xum xuê với dáng đứng hiên ngang khỏe khoắn như vừa chở che, vừa kiên cường nơi đảo xa. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hàng năm, Lữ đoàn 146 còn phát động các phong trào thi đua thiết thực để xây dựng đảo “xanh - sạch - đẹp”. Trong đó, phong trào trồng cây xanh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cán bộ, chiến sĩ nơi đảo xa. Để có cây xanh trồng cho đảo, cán bộ, chiến sĩ truyền dạy cho nhau các phương pháp nhân giống cây như chiết ghép và ươm bằng hạt. Nhờ đó, màu xanh trên các đảo nổi ngày một được phủ kín, tạo nên hệ sinh thái đa dạng, căng tràn sức sống để Trường Sa luôn “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân” - Thượng tá Phạm Duy Hướng khẳng định.
 
Chính sức sống mãnh liệt của cây bàng vuông, mù u và phong ba đã trở thành biểu tượng của người lính Trường Sa. Năm 2014, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã công nhận 4 cây di sản ở Trường Sa, gồm: Một cây phong ba trên xã đảo Song Tử Tây, một cây bàng vuông trên đảo Nam Yết, hai cây mù u trên xã đảo Sinh Tồn và đảo Sơn Ca. Tất cả những cây di sản này đều có độ tuổi trên 300 năm. Ngoài việc che bóng mát cho quân và dân tại các đảo, thì những cây di sản còn có nhiệm vụ “sinh” cây con để phủ màu xanh cho đảo. 
 
“Cây phong ba cùng cột mốc chủ quyền là chứng tích lịch sử đặc biệt được cha ông ta để lại, khẳng định chủ quyền liên tục của nước Việt Nam ta trên quần đảo Trường Sa” - Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây tự hào.
 
Lính đảo hiên ngang bám đảo, hướng dẫn tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân trên vùng biển Trường Sa
Lính đảo hiên ngang bám đảo, hướng dẫn tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân trên vùng biển Trường Sa
 
Hiên ngang người lính đảo
 
Cũng giống như bàng vuông, mù u, phong ba và bão táp, hình ảnh người lính Trường Sa luôn kiên trung, hiên ngang, bất khuất nơi đầu sóng, ngọn gió. Trong suốt chuyến hải trình mang tết ra Trường Sa lần này, chúng tôi đều cảm nhận rõ trong ánh mắt của mỗi người lính Hải quân nơi đảo xa luôn ánh lên niềm tự hào khi được cống hiến sức mình để gìn giữ bình yên cho biển, đảo Tổ quốc. Mang trong mình lòng tự hào dân tộc, mỗi người lính đảo luôn vững tin, hiên ngang vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đa phần những người lính Trường Sa đều có tuổi đời còn rất trẻ, mới chỉ đôi mươi. Tất cả họ đều là những chàng trai đến từ mọi miền của dải đất hình chữ S. Ở nơi đảo xa, các anh đều có gương mặt đen sạm vì sóng gió. Ra Trường Sa, họ phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức về thời tiết, nhiệm vụ huấn luyện... và cả nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Thế nhưng, tất cả như vun đắp thêm ý chí, sự kiên cường để các anh ngày đêm hiên ngang bồng súng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Theo chia sẻ của những người lính đảo, ngày ở Trường Sa luôn nắng như lửa đốt, đêm xuống thì gió lạnh co ro. Không những thế, các loại côn trùng mà đặc biệt là loài muỗi, kiến ở Trường Sa rất đáng sợ. Bởi khi bị chúng đốt đều mưng mủ rồi dần dần khi lành sẽ thành sẹo. Khó khăn, gian khổ là thế nhưng đối với các anh thì nào có can chi. Sau một năm đóng quân làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây, cũng như bao người lính trẻ khác, binh nhất Nguyễn Thạch Toàn (21 tuổi, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã trở nên rắn rỏi và hiên ngang như những cây phong ba, bàng vuông trên đảo. “Ban đầu khi mới ra Trường Sa, da mặt bọn em bị lột thường xuyên, nhưng rồi thời gian làm mặt bọn em chỉ sạm đen không lột nữa. Chân tay lính đảo thì ai cũng có sẹo do muỗi, kiến cắn lúc đi gác đêm. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn rèn luyện, tất cả tụi em không chỉ quen với vất vả, gian lao mà đó còn là động lực để bọn em cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Người lính đảo bọn em giống như những cây bàng vuông, phong ba vậy. Dù cắm rễ ở nơi chỉ có nắng gió và sóng biển, nhưng vẫn mãi xanh tươi để rồi nở hoa và kết trái giữa biển trùng khơi” - Thạch Toàn nói trong rạng rỡ, tự hào.
 
Hoa bàng vuông bung nụ, tỏa ngát hương thơm giữa đêm xuân trên quần đảo Trường Sa
Hoa bàng vuông bung nụ, tỏa ngát hương thơm giữa đêm xuân trên quần đảo Trường Sa
 
Trong đêm xuân Trường Sa, hoa bàng vuông bung nở như những đốm lửa hồng khoe sắc giữa màn đêm, cũng là lúc Trung úy Đặng Văn Thi - phân đội Trạm Ra đa đảo Nam Yết và đồng đội cùng bồng súng tuần tra và canh vọng gác bảo vệ biển, đảo thiêng liêng. “Được khoác lên mình màu áo Hải quân là niềm tự hào của bất cứ người lính nào và tôi cũng vậy. Nhưng đó cũng là trách nhiệm và nghĩa vụ phải cống hiến hết mình, không ngại gian khó, không ngại hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương. Vì vậy, sau khi lên đảo, trở thành quân số của Nam Yết, tôi nguyện sẽ cống hiến hết mình, tích cực rèn luyện, cùng đồng đội bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống bao đời của cha ông” - Trung úy Thi nói.
 
Để rồi, mỗi con dân đất Việt dù chưa từng một lần ra Trường Sa, nhưng khi nhắc đến địa chỉ ấy, chúng ta đều cảm thấy tự hào về nơi tuyến đầu Tổ quốc, ở đó có những người lính Hải quân rắn rỏi, kiên trung sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
KHÁNH PHÚC