Trường Đại học Đà Lạt với nhiều thành công nghiên cứu khoa học

06:03, 30/03/2020

Tin vui đến với Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL): Ngày 11/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 718 "Thưởng bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE năm 2019"...

Tin vui đến với Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL): Ngày 11/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Quyết định số 718 “Thưởng bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE năm 2019” với hơn 100 triệu đồng cho nhà trường. Đây là năm thứ 3 liên tục, ĐHĐL được trao thưởng vì thành tích nghiên cứu khoa học (NCKH), vượt nhiều trường đại học (ĐH) trong đó có ĐH vùng.
 
Hội thảo khoa học giữa Trường ĐHĐL và các trường đại học Nhật Bản về đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà
Hội thảo khoa học giữa Trường ĐHĐL và các trường đại học Nhật Bản về đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà
 
Tạp chí khoa học uy tín
 
Phó Hiệu trưởng Trường ĐHĐL, PGS,TS. Nguyễn Văn Kết cho biết: “Chương trình đào tạo các ngành cơ bản ngày càng không đáp ứng được thực tế nữa, do đó sinh viên các ngành cơ bản ngày càng ít. Để thích ứng tình hình này, một mặt nhà trường chuyển đổi nhanh chóng một số ngành học theo nhu cầu của xã hội; mặt khác, giao nhiệm vụ cho đội ngũ giảng viên tập trung NCKH”. Trong 5 năm qua, nhiệm vụ NCKH của ĐHĐL đạt nhiều thành tựu rất trân trọng và ngày một khẳng định vị thế của trung tâm lớn. Một dẫn chứng nổi bật, đó là “Tạp chí Khoa học ĐHĐL”, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép xuất bản từ năm 2010. Hội đồng biên tập gồm 40 chuyên gia uy tín trong các chuyên ngành. Năm 2019, ấn phẩm này của ĐHĐL là một trong 6 tạp chí khoa học đầu tiên của Việt Nam được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á (ACI); đồng thời, là tạp chí khoa học đa ngành duy nhất của Việt Nam đáp ứng đầy đủ ba tiêu chuẩn sơ duyệt và 16 tiêu chuẩn xét duyệt nghiêm ngặt để được chấp nhận làm thành viên chính thức của Ủy ban Đạo đức xuất bản quốc tế (COPE). Tháng 8/2019, “Tạp chí Khoa học ĐHĐL” được công nhận là tạp chí quốc gia có uy tín thuộc lĩnh vực Vật lý do NAFOSTED ban hành danh mục. Từ tháng 2/2020, tạp chí đã được chấp nhận làm thành viên của Tổ chức Crossref - Cơ quan đăng ký nhận dạng đối tượng kỹ thuật số (DOI) chính thức của Tổ chức DOI quốc tế (International DOI Foundation). Theo đó, cho phép kết nối các công trình được xuất bản trên tạp chí với mạng lưới toàn cầu gồm 15.072 thành viên từ 118 quốc gia trên thế giới. 
 
Đội ngũ khoa học hùng hậu
 
Đến nay, đội ngũ khoa học của ĐHĐL đã công bố gần 900 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành có bình duyệt, trong đó 25% bài báo được đăng trên các tạp chí thuộc Hệ thống chỉ mục ISI/SCOPUS. Đặc biệt, trước đây nhờ làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, các bài báo dựa vào điều kiện kỹ thuật của các nước nên nghiên cứu tại ĐHĐL chỉ đạt khoảng 10%, nhưng nay đã lên tới hơn 50%. Nhiều giảng viên đạt được những thành tích rất xuất sắc, cả về số lượng và chất lượng. Đơn cử như: PGS,TS. Phạm Tiến Sơn, ngành Toán, trung bình mỗi năm công bố 5 bài trên tạp chí khoa học quốc tế. Tháng 3/2020, bài báo của TS. Sơn đã được Hội đồng khoa học đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và Công nghệ. Với Nguyễn Hữu Hà, đang là nghiên cứu sinh ngành Vật lý lý thuyết ở Pháp, đã có bài báo đăng tại tạp chí nổi tiếng (Physical Review Letters) năm 2017, tuy là riêng một mình nhưng đạt chỉ số trích dẫn (IF) rất cao: 8.839...
 
Trong hệ thống hơn 50 trường ĐH thuộc Bộ GD&ĐT, Trường ĐHĐL luôn nổi bật tốp đầu về NCKH. Trong 3 năm liền, nhà trường được Bộ thưởng thành tích về số lượng bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Năm 2017 có 18 bài, xếp 18/28 trường được thưởng; năm 2018 có 25 bài, xếp thứ 21/28 trường và năm 2019 có 30 bài, xếp thứ 21/33 trường. Phó Hiệu trưởng Trường ĐHĐL, TS. Nguyễn Văn Kết chia sẻ niềm vui: “Tôi rất tự hào với đội ngũ của nhà trường, đặc biệt tuổi trẻ, họ rất năng động. Cán bộ, giảng viên ĐHĐL tâm huyết và cũng nhờ đó mà nâng cao đời sống của mỗi người. Năm 2019, toàn trường có trên 70 đề tài NCKH từ cấp bộ đến cấp tỉnh”.
 
Đóng góp lớn đối với các địa phương 
 
Theo TS. Trịnh Thị Tú Anh - Trưởng phòng Quản lý khoa học - Hợp tác quốc tế ĐHĐL, tính từ năm 2015 đến tháng 3/2020, nhà trường đã chủ trì thực hiện tổng cộng 250 đề tài và dự án khoa học công nghệ. Trong đó, có 6 chương trình hợp tác với nước ngoài; 15 nhiệm vụ cấp quốc gia; 29 nhiệm vụ cấp tỉnh và tương đương, 200 nhiệm vụ cấp cơ sở. Tổng kinh phí thực hiện đề tài NCKH các cấp gần 40 tỷ đồng. Nhà trường cũng đã thực hiện 2 dự án hợp tác nghiên cứu với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng và một dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp với 460 triệu đồng. 
 
Từ uy tín khoa học của mình, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Lâm Đồng, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đặt hàng với trường ĐHĐL ưu tiên tập trung nghiên cứu các vấn đề về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như năng suất và chất lượng các loại rau, hoa, trái cây; những lĩnh vực các địa phương rất quan tâm như sâu bệnh hại cây trồng (cà chua, tiêu, măng tây…). Cùng đó là sưu tầm và bảo vệ các nguồn gen đặc hữu của địa phương (trà mi, cây họ dẻ, thảo dược, nấm…). Ở Lâm Đồng, cả 65 cơ sở nuôi cấy mô giống cây trồng đều nhờ Trường ĐHĐL hỗ trợ về nhân lực. Đó còn là về phát triển du lịch (du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm…); các vấn đề thuộc khoa học xã hội - nhân văn (văn học, khảo cổ, tôn giáo, văn hóa…). Trường ĐHĐL trực tiếp nghiên cứu đề tài, đồng thời làm chuyên gia cho các trường ĐH, viện khoa học ở nơi khác đến nghiên cứu. Việc đóng góp phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương của Trường ĐHĐL không chỉ là đội ngũ khoa học, nhà quản lý, nguồn nhân lực hùng hậu mà còn nhiều kết quả từ công tác NCKH. 
 
Trường ĐHĐL phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về khoa học; trong đó gần 20 cuộc quốc tế, khu vực và quốc gia. Đây là dịp nhà trường ký kết hợp tác nhiều chương trình hỗ trợ từ phía các nước về trang thiết bị - kỹ thuật, đội ngũ những nhà khoa học danh tiếng thế giới, khu vực, quốc gia và đào tạo. Cũng là dịp đội ngũ Trường ĐHĐL trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ thành tựu của các quốc gia… Hiện ĐHĐL có hơn 90 TS, 17 PGS, gần 250 ThS, hơn 60 giảng viên chính, 84 người trình độ kỹ sư, cử nhân, cao đẳng. Trường ĐHĐL đã nhanh chóng vận hành vào lộ trình văn hóa chất lượng. Nhà trường đã được công nhận đạt chuẩn Kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn mới 2.0 của Bộ GD&ĐT, trở thành trường ĐH thứ 4 ở khu vực phía Nam, trường ĐH thứ 5 ở Việt Nam đạt chuẩn này.
 
MINH ĐẠO