(LĐ online) - Tại buổi tập huấn phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với hơn 700 điểm cầu trong cả nước tham gia vào ngày 11/4,...
(LĐ online) - Tại buổi tập huấn phòng chống dịch Covid-19 tại cơ sở khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức trực tuyến với hơn 700 điểm cầu trong cả nước tham gia vào ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định: “Tổng kết trong lịch sử loài người chưa từng có bệnh nào dễ lây như lần này, chỉ trong vòng có mấy tháng mà hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có ca nhiễm Covid-19, sức lan tỏa rất ghê gớm nên các cơ sở y tế là có nguy cơ rất cao. Do đó, các cơ sở y tế phải nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch Covid-19”.
|
Cán bộ y tế tỉnh Lâm Đồng tham gia tập huấn trực tuyến về phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức |
Chuẩn bị các tình huống
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: Chăm sóc, điều trị, dự phòng lây nhiễm trong các cơ sở y tế là vấn đề rất quan trọng. Thời gian qua, mạng lưới chăm sóc người bệnh Covid-19 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, hồi sức tích cực, sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã tích cực điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh.
"Việt Nam là một trong số 2 quốc gia, vùng lãnh thổ không có trường hợp mắc bệnh Covid-19 tử vong dù đã có những ca bệnh nặng. Đó là niềm tự hào của chúng ta nhưng tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, không thể nói trước điều gì mà càng cần phải dồn hết sức, trí tuệ, trang thiết bị, thuốc tốt nhất cho điều trị các bệnh nhân nặng nhất hiện nay và liên tục cập nhật thông tin về các trường hợp này hàng ngày" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu.
Theo phân tích của các chuyên gia y tế trong nước, có 80,9% bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị thông thường là có thể khỏi; 15,3% bệnh nhân mắc có biến chứng và gần 6% có biến chứng nặng. Vì vậy, các cơ sở y tế tuyến địa phương luôn phải sẵn sàng và thường xuyên nâng cao năng lực về điều trị để thu dung các bệnh nhân mắc khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Tất cả các cơ sở y tế đều phải chuẩn bị các tình huống khi dịch bệnh lan rộng trong cả nước, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ngay từ ban đầu và cho đến thời điểm này, quan điểm điều trị của Việt Nam là bệnh nhân phát hiện tại đâu sẽ điều trị tại đó. Đây là điều quan trọng để chúng ta dành sức cho sau này, nếu xảy ra dịch bệnh trên diện rộng thì phát hiện ở đâu, chữa trị tại đó, "không phải cứ có bệnh nhân là vội vã chuyển lên tuyến trên. Chúng ta đừng nghĩ rằng tuyến cơ sở không phải điều trị mà lơi lỏng. Trong tình hình dịch như hiện nay, tuyến cơ sở càng phải tăng cường năng lực, nâng cao kiến thức, hiểu biết về điều trị".
Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực ở tất cả các tuyến, nhất là việc nâng cao kĩ năng trong chăm sóc, điều trị bởi vì bệnh này dễ lây. "Do đó, các kĩ năng trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân là rất quan trọng, các cơ sở y tế đều phải chuẩn bị cho tình huống dịch lan rộng trên toàn quốc, không chờ hỗ trợ từ tuyến Trung ương, tuân thủ phương châm 4 tại chỗ" - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Tại hội nghị, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã cập nhật các điểm mới của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản 3; hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, bệnh mạn tính không lây cũng như phòng chống dịch Covid-19 đối với người khuyết tật tại cộng đồng.
Nâng cấp phòng ngừa tại tất cả các phòng khám
Tại cơ sở khám, chữa bệnh, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 để tiêu diệt mầm bệnh, cắt đứt đường/chuỗi lây truyền. Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm quan trọng đó là: Phân luồng người có – không có nguy cơ nhiễm; sàng lọc phát hiện nguồn có nguy cơ lây nhiễm; giãn cách người – người; cách ly nguồn lây; vệ sinh hô hấp, vệ sinh tay; phòng hộ cá nhân; vệ sinh môi trường; khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ y tế, đồ vải; xử lý rác thải lây nhiễm; an toàn sinh học xét nghiệm.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế phải nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến. Với các bệnh viện chưa có xét nghiệm chẩn đoán virus SARS-CoV-2 cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng lâm sàng bất thường, X-Quang phổi, CT Scan phổi để sớm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Bảo đảm đầy đủ phương tiện trang phục phòng hộ đạt chuẩn. Trường hợp cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ như khi cấp cứu người nhiễm. Bố trí các phòng khám theo nguyên tắc ở khu vực bên ngoài các khối nhà chính, khối nhà nội trú. Hạn chế tối đa nhận các trường hợp bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Rà soát, bố trí, sắp xếp hợp lý nhân lực.
Tại hội nghị, các biện pháp phòng ngừa đặc biệt cũng được hướng dẫn chi tiết. Đối với các địa phương có nguồn lây nhiễm ở cộng đồng, đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào bệnh viện và ngược lại, có nhiều người nước ngoài lưu trú cần nâng cấp phòng ngừa tại tất cả các phòng khám bệnh, cụ thể như: Đặt biển cảnh báo trước cửa phòng khám, bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp và các khu vực quan trọng, có dải ngăn cách ngăn riêng lối đi tới phòng khám để chỉ dẫn bệnh nhân, giúp bệnh nhân có thể nhanh chóng tới đúng phòng khám. Bố trí lối đi riêng cho người bệnh, đồ nhiễm và lối đi riêng cho nhân viên y tế, đồ sạch. Tất cả người bệnh đến khám chưa khai thác được đầy đủ thông tin dịch tễ phải được coi như người nghi nhiễm. Nhân viên y tế phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân khi đón tiếp, khám chữa bệnh cho người bệnh nghi nhiễm. Cơ sở y tế có trách nhiệm bảo đảm cung cấp đầy đủ trang phục phòng hộ cho nhân viên y tế khi khám người nghi nhiễm. Bố trí thùng gom chất thải có đạp chân hoặc không tiếp xúc với bàn tay khi loại bỏ chất thải để ở mọi chỗ tiếp đón, khu vực chờ, khu vực thăm khám, các buồng điều trị, nhà vệ sinh, nhà tắm. Cung cấp cồn khử khuẩn tay và khẩu trang ở mọi điểm tiếp đón người bệnh và khu vực nhà vệ sinh. Luôn để xà phòng rửa tay với tờ hướng dẫn quy trình rửa tay tại các bồn rửa tay. Không sử dụng các đồ dùng vật dụng khó/không làm sạch được: Đồ chơi, tạp chí và các vật dụng dùng chung khác (bút, kẹp giấy, điện thoại tại khu vực chờ của bệnh nhân). Tại khu vực chờ của phòng khám: Sắp xếp người bệnh ngồi cách nhau ít nhất 2 mét, bố trí khu vực chờ riêng cho đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai…
Người có biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 bố trí cách ly tạm thời tại khu vực thông thoáng, ít người qua lại hoặc phòng áp lực âm (nếu có). Nhân viên y tế tham gia thăm khám cho bệnh nhân rời khỏi buồng khám sớm nhất có thể khi kết thúc công việc. Làm sạch buồng và các thiết bị y tế sau khi khám bệnh nhân với dung dịch làm sạch phù hợp (dung dịch chứa clo hoạt tính 0,05%, cồn 60-80%, hydrogen peroxide 0,5%). Khử khuẩn ống nghe, nhiệt kế, băng đo huyết áp sau sử dụng trên mỗi bệnh nhân. Phương pháp không động chạm khi loại bỏ chất thải liên quan tới chất tiết hô hấp. Khử khuẩn và làm sạch thường xuyên theo quy trình đã được khuyến cáo để loại bỏ SARS-CoV-2 trong các cơ sở y tế kể cả khu vực chăm sóc người bệnh có thực hiện thủ thuật tạo khí dung. Quản lý dụng cụ, đồ vải, đồ ăn, chất thải theo quy trình thường quy của bệnh viện.
Bộ Y tế đã nâng cấp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lên một cấp độ mới vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Theo đó, những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là F1 có khả năng truyền bệnh, từ đó có thể phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập. “Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chiến lược, sách lược trong điều trị. Chúng ta phải chia kíp trực trong bệnh viện, các kíp cách nhau từ 7 đến 14 ngày. Nếu không may, kíp thứ nhất bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần người bệnh dương tính thì cách ly kíp đó và huy động kíp sau tiếp tục. Làm như vậy để luôn luôn có đủ nguồn nhân lực để làm việc, tránh tình trạng như vừa rồi, có ca dương tính là toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
AN NHIÊN