Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, học sinh được nghỉ học để phòng, tránh dịch...
Trước diễn biến của dịch bệnh COVID-19, học sinh được nghỉ học để phòng, tránh dịch. Các trường học đã triển khai nhiều hình thức dạy - học từ xa, nhằm duy trì thói quen học tập cũng như củng cố kiến thức cơ bản cho học sinh trong thời gian nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh này.
|
Một tiết dạy học online của cô và trò Trường Tiểu học Thạnh Mỹ (Đơn Dương). |
Kết hợp nhiều hình thức
Qua hơn 2 tháng học sinh tiểu học được nghỉ học để phòng, tránh dịch COVID-19, việc dạy - học của giáo viên và học sinh cơ bản vẫn duy trì nhưng không phải ở trong lớp học mà sự tương tác giữa cô và trò thực hiện từ xa theo nhiều hình thức. Đó là áp dụng triển khai dạy học trực tuyến bằng các công cụ, phần mềm hỗ trợ khác nhau; ở nơi khó khăn thì nhà trường phối hợp với gia đình cũng như một số tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương để giao phiếu học tập cho học sinh...
Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thành phố Đà Lạt đang triển khai việc dạy - học trong thời gian nghỉ phòng, tránh dịch COVID-19 theo 2 phương án: tập trung vấn đề ôn tập và dạy học trực tuyến thí điểm đối với một số trường thuận lợi.
Việc ôn tập được thực hiện bằng đề cương thông qua trang web của các trường, được triển khai đồng bộ ở các trường học và tất cả các khối lớp. Cùng với đó, giáo viên giao bài cho học sinh qua mạng xã hội như nhóm Zalo của lớp, email… kết hợp cùng việc photo bài gửi qua phụ huynh.
“Phòng đã tập hợp đội ngũ chuyên môn biên soạn đề cương ôn tập với chương trình giảm tải theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Trong đó, tập trung vào những nội dung cần thiết để học sinh vẫn lĩnh hội được kiến thức trọng tâm từ đầu năm học đến nay. Hiện đề cương ôn tập tất cả các khối lớp được biên soạn từ tuần 1 đến tuần 20 và đã gửi đến các trường theo từng giai đoạn: tuần 1 - tuần 5, tuần 6 - tuần 10, tuần 11 - tuần 15, tuần 16 - tuần 20 để học sinh ôn tập từng nội dung”, bà Tăng Thị Hằng - Phó Trưởng Phòng GDĐT thành phố Đà Lạt cho biết.
Còn việc dạy học trực tuyến, theo bà Hằng, hiện nay không thể triển khai đồng bộ đối với tất cả các trường và các khối lớp. Lý do vì điều kiện cơ sở vật chất của học sinh chưa đồng bộ, học sinh tiểu học chưa được sử dụng điện thoại hay máy tính, nhiều gia đình phụ huynh không sử dụng điện thoại thông minh hay internet... Cùng với đó, để triển khai lớp học trực tuyến đòi hỏi giáo viên phải có năng lực về công nghệ thông tin. Do vậy, Đà Lạt đang triển khai thí điểm tại một số trường vùng thuận lợi như: Tiểu học Lê Quý Đôn, Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Nguyễn Trãi, Tiểu học Phan Như Thạch. Các trường cũng chỉ triển khai ở một vài lớp với những học sinh có điều kiện tham gia.
Cần sự phối hợp của phụ huynh
Trường Tiểu học Thạnh Mỹ (Đơn Dương) có 2 giáo viên khối 2 là cô giáo Trần Ngô Kim Yến và cô Thu Hồng triển khai việc dạy học trực tuyến. Mỗi lớp có từ 15 - 20/40 học sinh tham gia. “Những tiết học này luôn cần sự phối hợp của phụ huynh trong việc chuẩn bị trang thiết bị cho con cũng như ở bên cạnh để hỗ trợ con thao tác học trên máy tính. Trong phương thức học trực tuyến, giáo viên và phụ huynh giữ vai trò 50 - 50. Giáo viên có nhiệm vụ giao bài tập, còn phụ huynh sẽ nhắc nhở các con của mình làm. Để việc dạy - học của giáo viên - học sinh đạt hiệu quả, chúng tôi đã sắp xếp lịch học vào buổi chiều và tối, nhằm giúp cho phụ huynh có thời gian theo dõi con em mình, đồng thời học sinh cũng thuận tiện hơn khi sử dụng các thiết bị máy tính, smartphone khi bố mẹ đã đi làm về để hỗ trợ cho việc học tập”, cô Thu Hồng chia sẻ.
Theo hướng dẫn dạy học trực tuyến trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch COVID-19 đối với cấp tiểu học của Sở GDĐT Lâm Đồng, khi dạy học thông qua các trang mạng xã hội, giáo viên cần kết nối với cha mẹ học sinh để trao đổi, hướng dẫn các em làm bài tập. Đặc biệt, đối với hình thức dạy học trực tuyến thông qua Office 365, nhà trường và giáo viên sau khi được tập huấn online và hỗ trợ kỹ thuật thì thông báo cho cha mẹ học sinh trong lớp để kết nối học trực tuyến giữa giáo viên - học sinh.
Hiện nay, việc dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học bước đầu thực hiện với một số tiết dạy ôn tập để kết nối giáo viên và học sinh tiếp cận công nghệ thông tin. Vì vậy, mục tiêu của việc dạy - học từ xa trong thời gian này chủ yếu là ôn tập thông qua đề cương trên trang web của các trường và giáo viên giao bài qua các trang mạng xã hội cũng như in bài gửi cho phụ huynh để học sinh làm, sau đó thu lại đánh giá, nhận xét kết quả học sinh thực hiện.
TUẤN HƯƠNG