Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh

05:04, 10/04/2020

Từ lúc dịch bệnh COVID-19 xảy ra đến nay, do buôn bán ế ẩm, không đủ chi phí hoạt động, thêm phần tránh tình trạng tụ tập đông người như Chỉ thị của Chính phủ đã quy định, nhiều quán ăn, nhà hàng, cà phê, các cơ sở sản xuất...

Từ lúc dịch bệnh COVID-19 xảy ra đến nay, do buôn bán ế ẩm, không đủ chi phí hoạt động, thêm phần tránh tình trạng tụ tập đông người như Chỉ thị của Chính phủ đã quy định, nhiều quán ăn, nhà hàng, cà phê, các cơ sở sản xuất... trên địa bàn tỉnh đã đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Hỗ trợ người lao động bị mất việc, có nguy cơ thất nghiệp, giảm thu nhập do dịch bệnh là nội dung cấp thiết đang được chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết. 
 
Một quán cà phê lớn trên Quốc lộ 20 thông báo đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19.
Một quán cà phê lớn trên Quốc lộ 20 thông báo đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19.
 
Người lao động gặp khó khăn
 
Hơn một tuần nay, sau khi Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội được ban hành, anh Nguyễn Văn Thanh - chủ quán cà phê Milano tại chợ Fi Nôm, Đức Trọng quyết định đóng cửa quán. “Dù biết là vẫn được mở cửa rồi bán cho khách mang về, nhưng mỗi lần mình mở cửa là khách lại ào vào quán, mình cũng không thể đảm bảo được tối thiểu mỗi người khách phải ngồi cách xa nhau 2 m nên quyết định đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội, để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người. Quê mình ở An Giang, lên đây thuê quán để bán cà phê, nên những ngày này không buôn bán gì, gặp khó khăn là chắc rồi nhưng mình vì cái chung nên chấp nhận”- anh Thanh nói.
 
Còn chú Nguyễn Đình Sâm làm nghề chạy xe ôm khu vực Cây xăng Kim Cúc (TP Đà Lạt) cho biết, mỗi ngày chú đều đậu xe ngay trạm xe buýt ở Cây xăng Kim Cúc, chứng kiến lượng khách ít nhiều ra sao. Từ tháng 2 đến nay, mỗi chuyến xe buýt dừng trạm trên xe chỉ có được vài ba người, thì xe ôm như chú cũng “ế dài”! “Trước đây, mỗi ngày chỉ cần đậu xe ở trạm xe buýt là thu nhập bảo đảm có 150-200 ngàn đồng, còn bây giờ có hôm may mắn chạy được 2 lượt, còn kiếm thêm được 30-40 ngàn đồng. Từ đầu tháng 4 đến nay, do thực hiện lệnh giãn cách của Chính phủ mà các tuyến xe buýt cũng dừng hoạt động, tui cũng không còn đậu xe cố định ở tuyến xe buýt này nữa mà cứ chạy vòng vòng kiếm khách nhưng cũng chẳng được bao nhiêu, có khi nhiều ngày liên tục sáng xách xe chạy đi, tối xách xe chạy về mà không kiếm được đồng nào!”- chú Sâm ngậm ngùi nói.
 
Các tài xế taxi cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh. Anh Nguyễn Văn Tình chia sẻ, anh làm tài xế lái taxi cho Taxi Lado nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ khó khăn như hiện nay. Trước đây, thu nhập của anh mỗi tháng hơn 8 triệu đồng, đủ lo cho gia đình nhưng từ đầu dịch, lượng khách hàng giảm hơn 70- 80%, nên thu nhập của anh cũng giảm theo và với mức thu nhập này, anh không đủ lo cho gia đình mình. Anh Tình cho biết thêm, từ đầu tháng 4, khi cả nước thực hiện cách ly xã hội, Công ty cũng ngừng vận chuyển, đồng nghĩa với việc anh đang tạm thời thất nghiệp gần cả chục ngày nay. Tuy nhiên, anh nói, đây là khó khăn chung của Công ty, của nhiều người trong xã hội nên anh và nhiều anh em làm nghề tài xế khác không nản lòng, sau thời gian giãn cách xã hội, anh vẫn sẽ tiếp tục làm công việc này để cùng công ty vượt qua khó khăn.
 
Cùng chung tình trạng trên, một số cơ sở sản xuất cũng cắt giảm lao động, một phần hạn chế tụ tập đông người, một phần các cơ sở đang gặp khó khăn, lượng hàng xuất đi giảm sâu so với trước đây, nên buộc các cơ sở phải cho lao động nghỉ việc để giảm số tiền chi trả hàng tháng. Chị Nguyễn Phương Anh, chủ một cơ sở may gia công tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng, cho biết, nếu như trước đây cơ sở của chị xuất đi hàng ngàn bộ quần áo, thì nay chỉ xuất được vài trăm bộ thôi. Trước tình hình này, cơ sở của chị cũng chỉ giữ lại được 2 lao động làm việc cố định.
 
Và còn đó rất nhiều mảnh đời bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID- 19, đó là bà bán vé số dạo, chị bán hàng rong, nhiều công nhân trong các công xưởng... Mặc dù thu nhập không còn được ổn định như trước, nhưng đây là tình hình chung nên buộc người lao động phải chấp nhận, xem như đây cũng là cách chia sẻ khó khăn với cơ sở và xã hội, cũng như tránh tình trạng tụ tập nơi đông người, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, góp phần phòng, chống dịch bệnh lây lan.
 
Nhiều doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. (Trong ảnh: Taxi Lado tạm ngưng hoạt động sau Chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/4 - 15/4/2020)
Nhiều doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. (Trong ảnh: Taxi Lado tạm ngưng hoạt động sau Chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/4 - 15/4/2020)
 
Sẻ chia cùng người lao động, doanh nghiệp
 
Theo anh Lê Văn Hoàn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đồng Thúy (Taxi Lado), hiện Công ty có gần 1.000 lao động, sau khi thực hiện Chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/4/2020, toàn bộ Công ty đã ngưng hoạt động nên cuộc sống của CNVC và người lao động của công ty gặp khó khăn. “Đặc thù là doanh nghiệp vận tải nên khi nguồn thu hàng ngày không có, việc gặp khó khăn là điều không tránh khỏi. Trước tình hình trên, Công ty đã đưa ra phương án sẽ hỗ trợ người lao động 1 triệu đồng/người”- anh Hoàn cho biết thêm.
 
Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, tính đến ngày 4/4, có 111 doanh nghiệp gặp khó khăn, 2.189 lao động phải tạm ngừng việc và 6.481 lao động phải dừng việc. 
 
Trước thực tế trên, để hỗ trợ người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có kế hoạch thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động; đồng thời, có văn bản đề xuất gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 với nhiều nội dung thiết thực. Cụ thể như: Cho phép người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm thông báo về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian xảy ra dịch bệnh, để tránh tình trạng đi lại tụ tập động người, ngăn chặn lây lan dịch bệnh, đồng thời giảm thời gian và chi phí đi lại cho người lao động. Bên cạnh đó, tạm dừng hoặc miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động cho người bị mất việc, ngừng việc vì tác động của COVID-19, thời gian từ tháng 3/2020 đến hết tháng 12/2020. “Văn bản này chúng tôi đã gửi đi và đang chờ sự chấp thuận từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”, ông Lê Quang Huy - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm.
 
Ngoài ra, Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng đã có chính sách cụ thể để đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) được tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất kể từ tháng doanh nghiệp đề nghị đến hết tháng 6/2020. Trong trường hợp đến hết tháng 6/2020, nếu dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm và doanh nghiệp có đề nghị, thì BHXH tỉnh, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết. Ngoài ra, cơ quan BHXH phân công viên chức chủ động liên hệ các doanh nghiệp để tư vấn, hướng dẫn việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất; thực hiện việc chốt sổ BHXH kịp thời để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được cấp thẻ BHYT thất nghiệp đối với các trường hợp đã chấm dứt hợp đồng lao động.
 
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cũng vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh rà soát lập danh sách các đối tượng là người bán vé số và người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
 
 Theo đó, đối với người bán vé số do mất việc vì ngưng hoạt động xổ số từ ngày 1/4 - 15/4, sẽ được Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết Lâm Đồng chi hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng. Các địa phương phối hợp với Công ty Xổ số Kiến thiết tỉnh lên danh sách đối tượng bán vé số trên địa bàn để công ty hỗ trợ ngay, đảm bảo đúng đối tượng, không bỏ sót trường hợp nào. Đối với các đối tượng lang thang cơ nhỡ, ngân sách các địa phương chi hỗ trợ mỗi người 50.000 đồng/ngày, trao một đợt từ ngày 1/4 - 15/4 là 750.000 đồng/người để giúp người lang thang cơ nhỡ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
 
Mặt khác, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh rà soát đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội, để chuẩn bị sắp tới triển khai gói an sinh xã hội từ ngân sách quốc gia theo chủ trương của Chính phủ. Cụ thể, có 6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19 gồm: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, cận nghèo; người đang làm việc tại doanh nghiệp bị tạm dừng lao động do ảnh hưởng của dịch; người sử dụng lao động; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm dừng kinh doanh; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có hợp đồng lao động bị mất việc làm.
 
THY VŨ