45 năm - Chặng đường vẻ vang (Kỳ 1)

05:04, 03/04/2020

45 năm sau giải phóng, với rất nhiều nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, Đà Lạt đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng có thể khẳng định rằng đó là giai đoạn đầy vẻ vang,...

[links()]
45 năm sau giải phóng, với rất nhiều nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố, Đà Lạt đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng có thể khẳng định rằng đó là giai đoạn đầy vẻ vang, để hôm nay trở thành một thành phố du lịch nổi danh trong và ngoài nước, một địa phương sản xuất nông nghiệp chất lượng cao hàng đầu Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Đà Lạt (3/4/1975 - 3/4/2020), Báo Lâm Đồng xin giới thiệu tới độc giả loạt bài về quá trình xây dựng và phát triển của thành phố.
 
Kỳ 1: Đà Lạt những ngày đầu giải phóng
 
Ngày 3/4/1975, Đà Lạt hoàn toàn giải phóng, kết thúc hơn hai mươi năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đà Lạt cùng cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
 
Trung tâm thành phố Đà Lạt ngày nay
Trung tâm thành phố Đà Lạt ngày nay
 
Khó khăn của những ngày đầu giải phóng
 
Đà Lạt là địa phương được giải phóng tương đối sớm. Khi địch rút chạy, ta tổ chức tiếp quản những cơ sở vật chất, kỹ thuật hầu như còn nguyên vẹn. Đầu tháng 4/1975, nhiều cơ sở kinh tế - xã hội hoạt động trở lại như giao thông công chính, bưu điện, nhà máy nước, nhà máy điện, ngân hàng, các chợ, các cơ sở y tế, trường học...; đó là những yếu tố thuận lợi để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đà Lạt đã xây dựng và phát triển được nhiều cơ sở cách mạng hầu khắp trên các địa bàn, chính đó là lực lượng nòng cốt để xây dựng chính quyền và các đoàn thể chính trị sau ngày giải phóng. Tuy vậy, bước sang giai đoạn mới, Đảng bộ và Nhân dân Đà Lạt phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và an ninh, quốc phòng. 
 
Cuối tháng 5/1975, lực lượng Fulro được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài và lực lượng phản động khác đã hoạt động chống phá trên một số địa bàn xung yếu. Tình trạng thất nghiệp xảy ra do hậu quả của chiến tranh để lại, trong đó phần lớn là số ngụy quân, ngụy quyền và gia đình của họ vốn trước đây sống dựa vào lương của chế độ cũ. Bên cạnh đó là số đối tượng lưu manh, du đãng, trộm cắp, nghiện ma túy... đã gây cho tình hình an ninh trật tự thêm phức tạp.
 
Trải qua hơn hai mươi năm sống trong chiến tranh, với âm mưu thủ đoạn của chế độ thực dân mới, với những luận điệu phản động, tuyên truyền xuyên tạc của địch đã làm cho một bộ phận quần chúng nhân dân hiểu sai về cách mạng, có tư tưởng chống cộng, hy vọng vào sự trở lại của nước Mỹ; một số thanh niên, học sinh bị tiêm nhiễm nền giáo dục cũ, sống trong sự hoài nghi, chưa tin vào chế độ mới.
 
Để kịp thời chỉ đạo các mặt hoạt động của thành phố, tối ngày 4/4/1975, tại số nhà 15 Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, một số đồng chí cán bộ lãnh đạo Khu ủy VI, Tỉnh ủy Tuyên Đức và Thị ủy Đà Lạt đã tổ chức họp, phân công cán bộ xuống trực tiếp các phường, ấp thành lập chính quyền cách mạng, thành lập Ủy ban Quân quản thành phố. Sau khi Ủy ban Quân quản thành phố đi vào hoạt động, tình hình trật tự trị an dần được thiết lập, một số tổ chức phản động không thể hoạt động mà phải lẩn trốn, quần chúng nhân dân phấn khởi, đặt niềm tin vào các chủ trương của Đảng và hăng hái tham gia vào công tác cách mạng. Quần chúng đã tố giác, bắt giam 257 tên lưu manh phản động, 3.733 tên ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện chỉ trong tháng 4/1975.
 
Đà Lạt những năm 1980. Ảnh: Doi Kuro
Đà Lạt những năm 80 của thế kỷ XX. Ảnh: Doi Kuro
 
Ổn định chính quyền 
 
Ngày 6/4/1975, Khu ủy VI ra quyết định thành lập Thành ủy Đà Lạt, Ban Chấp hành gồm 11 đồng chí, do đồng chí Huỳnh Minh Nhựt giữ chức vụ Bí thư Thành ủy. Thành phố Đà Lạt tách ra khỏi Tuyên Đức và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy VI. Khu ủy đề ra một số công tác cấp bách cho thành phố, đó là: Tiếp tục truy quét địch, thiết lập trật tự an ninh; khôi phục kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân; đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tình hình mới.
 
Thực hiện chủ trương của Khu ủy, Thành ủy Đà Lạt đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện. Sáng ngày 14/4/1975, hơn mười ngàn người dân thành phố đã tham gia cuộc mít tinh mừng chiến thắng. Tại buổi lễ mít tinh này, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) thay mặt Chính phủ tặng thưởng cho Đảng bộ, quân - dân thành phố Đà Lạt Huân chương Thành đồng hạng Nhất. Ngay sau đó, chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng cũng được thành lập. 
 
Trong khi tỉnh Tuyên Đức - Đà Lạt và nhiều địa phương khác đã được giải phóng thì Cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 vẫn đang bước vào những giờ phút quyết định. Quân và dân Đà Lạt song song đó cũng góp người, góp của phục vụ cho chiến dịch để góp phần vào nhiệm vụ chung của cách mạng.
 
Tháng 2/1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Theo Nghị định này, tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng như hiện nay, thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
 
Từ ngày 26 đến ngày 28/8/1977, Đảng bộ thành phố Đà Lạt tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ nhất và bầu ra BCH Đảng bộ gồm 17 đồng chí ủy viên chính thức, 2 đồng chí dự khuyết; 6 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ, đồng chí Huỳnh Minh Nhựt giữ chức Bí thư Thành ủy và đồng chí Phạm Ngọc Châu làm Phó Bí thư.
 
Phát triển sản xuất, chăm lo đời sống Nhân dân
 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu VI và Tỉnh ủy Lâm Đồng, Đảng bộ Đà Lạt nỗ lực, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng trong giai đoạn mới để vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương, động viên quân, dân thành phố thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Riêng vấn đề khôi phục, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống Nhân dân, lúc bấy giờ, Đảng bộ Đà Lạt xác định đó là vấn đề cấp bách cần giải quyết với chủ trương là “...khẩn trương khôi phục và phát triển ngành kinh tế, đẩy mạnh khai hoang phục hóa”. Những chủ trương, biện pháp của Đảng bộ đề ra đã từng bước khôi phục được những ngành kinh tế của địa phương, có một số mặt phát triển hơn so với trước giải phóng, nhất là trong nông nghiệp, đã giải quyết khó khăn, giữ cho đời sống Nhân dân không bị đảo lộn lớn.
 
Một trong những điểm sáng trong giai đoạn đó là công tác xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên phát huy truyền thống cần cù, giản dị, khiêm tốn, gắn bó với quần chúng, tận tụy chiến đấu, lao động và là tấm gương tốt cho quần chúng noi theo.
 
Tháng 6/1978, Thành ủy tổ chức hội nghị mở rộng, ra Nghị quyết về nhiệm vụ cải tạo nông nghiệp. Nghị quyết chỉ rõ phương hướng và nhiệm vụ cải tạo nông nghiệp ở Đà Lạt là “nhằm tổ chức lại sản xuất và phát triển sản xuất, tổ chức phân công lại lao động, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống, tăng tích lũy, tăng xuất khẩu. Từng bước gắn cải tạo ngành sản xuất rau theo hướng tập trung chuyên canh, thâm canh gắn quy hoạch vùng rau với quy hoạch chung của thành phố...”. Nghị quyết còn chỉ rõ, tiến hành hợp tác hóa phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, cùng có lợi, quản lý dân chủ và phát huy quyền làm chủ tập thể của nông dân lao động...
 
Ngoài việc quy hoạch vùng trồng rau, ngay từ giai đoạn đó, Thành ủy Đà lạt còn chủ trương mở rộng vùng sản xuất lương thực, trồng cây ăn trái, cây dược liệu ở ven thành phố và các vùng kinh tế mới ở Tà In, Sở Ông Lăng và Tà Nung.
 
Đến năm 1979, với sự cố gắng, nỗ lực và đồng thuận của mọi tầng lớp Nhân dân, đã có 69 tập đoàn sản xuất rau và 1 tập đoàn thí điểm Tự Phước ra đời. 97% hộ nông dân tham gia làm ăn tập thể. Trong nông nghiệp, đối với cây rau đặc sản, đã đạt được kết quả cao cả về diện tích lẫn sản lượng. 
 
Từ ngày 8 đến ngày 10/6/1979, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ II được tổ chức. BCH khóa II gồm 25 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Huỳnh Minh Nhựt tiếp tục được bầu làm Bí thư và đồng chí Phạm Ngọc Châu giữ chức Phó Bí thư. Nghị quyết Đại hội lần II tiếp tục đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đà Lạt thành thành phố văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch và nghỉ dưỡng...
 
Qua 3 năm phấn đấu, đến năm 1982, đã có 1.575 ha rau các loại, vượt 18% so với năm 1981. Năng suất bình quân đạt 188 tạ/ha. Tuy vậy thì tình hình sản xuất rau vẫn còn nhiều khó khăn. 
 
Giai đoạn từ năm 1983 - 1986 là giai đoạn Đảng bộ thành phố đạt được những kết quả vượt bậc về phát triển kinh tế, nông nghiệp. Giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân hàng năm tăng 8,6%, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân của thành phố. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường. Diện tích cà phê, chè, dược liệu, cây ăn trái đều tăng. Nhiều công trình thủy lợi nhỏ, hạ thế điện phục vụ sản xuất được xây dựng phục vụ nhu cầu sản xuất. Những cố gắng và tiến bộ trong cải tiến quản lý kinh tế đã có tác dụng thúc đẩy sản xuất phát triển, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất có nhiều tiến bộ, chuyển biến theo hướng đi lên, ổn định và phát triển.
 
(CÒN NỮA)
 
NGUYỄN NGHĨA (tổng hợp)