45 năm - Chặng đường vẻ vang (Kỳ 2)

05:04, 06/04/2020

Có thể nói rằng, trải qua gần 35 năm thực hiện đổi mới, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng, các mặt xã hội tiếp tục phát triển tốt, quản lý...

[links()]
Lãnh đạo Nhân dân thực hiện đổi mới toàn diện
 
Có thể nói rằng, trải qua gần 35 năm thực hiện đổi mới, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng, các mặt xã hội tiếp tục phát triển tốt, quản lý và chỉnh trang đô thị có tiến bộ, thành phố khang trang hơn, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được mở rộng và nâng chất lượng, Nhân dân tin tưởng vào đường lối  đổi mới và sự phát triển của thành phố.
 
Đà Lạt đang ngày càng phát triển
Đà Lạt đang ngày càng phát triển
 
Phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần
 
Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Lạt lần thứ IV thành công, Thành ủy đã đề ra chương trình hành động cụ thể để thực hiện đổi mới toàn diện. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục phát triển mạnh nông nghiệp đặc sản cả trồng trọt và chăn nuôi, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành vùng chuyên canh đặc sản có tỷ suất hàng hóa và giá trị kinh tế cao.
 
Bằng các chủ trương, biện pháp cụ thể, Đảng bộ Đà Lạt đã chỉ đạo việc bố trí lại cơ cấu sản xuất và điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung thực hiện những mục tiêu của ba chương trình kinh tế, từng bước đổi mới cơ chế quản lý, phát huy quyền tự chủ của cơ sở phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần. Do vậy, tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân hàng năm đều tăng, sản xuất tiếp tục phát triển, người sản xuất chủ động trong kế hoạch và chủng loại cây trồng, đẩy mạnh kinh tế tập thể, chuyển hướng kinh doanh tổng hợp có hiệu quả.
 
Giai đoạn này, cơ chế quản lý nông nghiệp được tháo gỡ về kế hoạch hóa, không gò ép về cơ cấu chủng loại, thực hiện hợp đồng theo đơn hàng thu mua, tiêu thụ sản phẩm theo cơ chế thị trường. Một số hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã triển khai cơ chế khoán gọn theo giá trị và sản lượng, chủ động trong kế hoạch sản xuất tiêu thụ, có nơi dự trữ được vật tư cho sản xuất vụ sau. Nhờ chủ động nên sản xuất phát triển, sản lượng rau thương phẩm hàng năm tăng. Các loại cây lương thực, hoa các loại được duy trì cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Phát triển cây ăn trái đặc sản trong kinh tế vườn và kinh tế gia đình, giữ vững đàn heo, phát triển đàn bò sữa và cá nước ngọt, khai hoang phục hóa được trên 300 ha đất đưa vào sản xuất. Giá trị sản lượng nông nghiệp lúc bấy giờ chiếm tỷ trọng hàng đầu trong tổng sản phẩm xã hội. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp cũng có tăng trưởng cao. Các ngành, các cấp đã từng bước đổi mới cơ chế quản lý, vận dụng các chính sách, nhất là quy định tạm thời của Hội đồng Bộ trưởng về quyền tự chủ của các cơ sở để đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu, động viên mọi thành phần kinh tế hộ cá thể, tư nhân thông qua kinh doanh tạo nguồn hàng xuất khẩu.
 
Về dịch vụ du lịch, thành phố đã mở rộng các hoạt động dịch vụ, khuyến khích các cơ quan, đơn vị có nhà khách, nhà nghỉ, các hộ gia đình có điều kiện đăng ký đón nhận khách; xếp chuyển một số biệt thự sang kinh doanh, liên kết với một số địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ kinh doanh du lịch với nguyên tắc đôi bên đều có lợi. Đồng thời với đó, thành phố cũng khuyến khích các tập thể và tư nhân đầu tư vốn để tổ chức dịch vụ du lịch, những hoạt động vui chơi giải trí và thực hiện chính sách bảo hộ quyền lợi của người kinh doanh.
 
Công tác giáo dục giai đoạn này cũng được chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học, ngành học. Giao thông vận tải, thông tin liên lạc… thì chú trọng đổi mới đáp ứng nhu cầu và hướng đến làm sao thuận tiện cho Nhân dân.
 
Đặc biệt, giai đoạn này, Đảng bộ thành phố đã mạnh dạn đưa vào cấp uỷ những đồng chí trẻ, có trình độ quản lý kinh tế, kỹ thuật, trưởng thành từ phong trào cách mạng, đảm bảo tính kế thừa trong cấp ủy, ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan tham mưu tổng hợp và các ngành quan trọng. Trong công tác đánh giá cán bộ cũng có nhiều đổi mới, lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, lấy nhu cầu nhiệm vụ làm căn cứ để bố trí cán bộ, khắc phục cách nhìn bảo thủ, hẹp hòi, cầu toàn đối với cán bộ trẻ.
 
Qua 3 năm thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, thành phố Đà Lạt đã có những chuyển biến đáng kể, bộ mặt thành phố ngày một khang trang. Các thành phần kinh tế đã tham gia đầu tư, liên doanh, liên kết mở rộng sản xuất, kinh doanh. Do đó, thu hút được nguồn vốn, giải quyết được việc làm cho người lao động, đời sống Nhân dân cơ bản ổn định. Để tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ V (1989) tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ “...Đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch quốc tế, góp phần kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đào tạo cán bộ theo yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới”...
 
Thực hiện mục tiêu này, trong 3 năm 1989 - 1991, ngành du lịch đã khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện, cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện việc kinh doanh du lịch. Liên kết với các địa phương, các thành phần kinh tế đầu tư nâng cấp các khách sạn, phục hồi các cơ sở cũ, xây dựng thêm cơ sở mới, tôn tạo lại cảnh quan, tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục, thể thao, tham quan, nghỉ dưỡng. Song song đó, phát triển ngành nghề dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu thông, văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng, phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ để tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch...
 
Sản xuất nông nghiệp của thành phố cũng chuyển nhanh sang cơ chế mới, sản xuất gắn với thị trường. Giá trị sản phẩm nông nghiệp chiếm tỷ trọng 46% trong nền kinh tế của thành phố, đời sống Nhân dân nhờ đó từng bước ổn định. Thành phố cũng chủ trương mở rộng liên doanh, liên kết và hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp đặc sản.
 
Lâm nghiệp cũng tiến hành quản lý và bảo vệ theo chế độ rừng cảnh quan, cây xanh đô thị, phủ xanh đất trống đồi trọc gắn với bảo vệ môi trường, khí hậu. Tiến hành giao đất, giao rừng cho phường, xã và Nhân dân quản lý.
 
Đà Lạt những năm 1990. Ảnh: Tư liệu
Đà Lạt những năm 90 của thế kỷ XX. Ảnh: Tư liệu
 
Phát huy thế mạnh bên trong, tranh thủ đầu tư từ bên ngoài
 
Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2000 có thể coi là giai đoạn đổi thay mạnh mẽ nhất của thành phố Đà Lạt. Đại hội VI và VII đều đặt ra mục tiêu là thực hiện tốt chính sách kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy thế mạnh bên trong và tranh thủ đầu tư từ bên ngoài để khai thác tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế. Bằng những chủ trương, chính sách cụ thể, Đảng bộ Đà Lạt đã lãnh đạo phong trào thi đua lao động sản xuất và đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 1991 - 1995 là 14,2%. Tổng sản phẩm xã hội vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra 1,5 lần. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 1996 - 2000 đạt 7,2%, tổng sản phẩm xã hội của thành phố năm 2000 đạt 148% so với năm 1995. GDP bình quân đầu người đạt 4,5 triệu đồng, so với năm 1995 tăng 42%. Giai đoạn đó, du lịch - dịch vụ vẫn khẳng định là ngành kinh tế chủ yếu. Và quy hoạch du lịch Lâm Đồng cũng chính thức được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 1996. Đầu tư nước ngoài doanh thu năm 1999 đạt 7 triệu USD, một con số đầy hy vọng.
 
Thời kỳ 1996 - 2000, kinh tế nông - lâm nghiệp của thành phố tăng trưởng ở mức 7 - 8% năm. Dựa vào tiềm năng và thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng, kinh nghiệm để thâm canh, gắn sản xuất nông nghiệp với các nhà máy chế biến và nhu cầu thị trường, xuất khẩu hàng năm đạt từ 8 - 10 ngàn tấn rau các loại. Giai đoạn này, thành phố bắt đầu khuyến khích hợp tác trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất rau sạch, rau an toàn... Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong nước và trên thế giới đã được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, năng suất và chất lượng nông sản nhờ đó gia tăng đáng kể. Hàng năm, vùng rau Đà Lạt đã xuất khẩu sang các nước trong khu vực đạt 10% tổng sản lượng.
 
Giai đoạn này, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng được đặc biệt quan tâm. Các trục đường chính và một số nút giao thông được cải tạo nâng cấp, hệ thống giao thông nội thị cũng như nông thôn từng bước được cải tạo. 
 
Với những thành quả này, Đảng bộ, quân và dân thành phố đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Chính phủ công nhận Đà Lạt là đô thị loại 1. Đó là nguồn cổ vũ động viên, là động lực để Đảng bộ và Nhân dân thành phố vững tin hơn, tạo thành sức mạnh tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới.
 
(CÒN NỮA)
 
NGUYỄN NGHĨA (tổng hợp)