Bằng các kế hoạch, giải pháp cụ thể, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử và cải cách phương thức, lề lối làm việc;...
Bằng các kế hoạch, giải pháp cụ thể, đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử và cải cách phương thức, lề lối làm việc; huyện Lạc Dương đã thúc đẩy hiệu quả việc thực hiện chủ trương hiện đại hóa nền hành chính. Qua đó, tạo bước đột phá về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính (CCHC), đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
|
Cán bộ bưu điện thực hiện tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận một cửa thuộc UBND huyện Lạc Dương. |
Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt 98,7%
Theo báo cáo kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), từ ngày 1/1/2019 đến ngày 6/3/2020, trên hệ thống một cửa điện tử của huyện Lạc Dương đã tiếp nhận 7.289 hồ sơ, trong đó tỷ lệ giải quyết đúng hạn 98,7%, trễ hạn 1,3%. Có 17/21 loại hồ sơ đạt tỷ lệ giải quyết đúng hạn 100%.
Riêng đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã tiếp nhận 839 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 88,3%, trễ hạn 11,7%. Đây được xem như cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục, bởi giai đoạn 2014 - 2017, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu được giải quyết đúng hạn chỉ đạt tỷ lệ 4%. Trước tồn tại, hạn chế trên, UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp xử lý, khắc phục kịp thời.
Từ năm 2018, UBND huyện Lạc Dương đã đầu tư và áp dụng hệ thống một cửa hiện đại, một cửa liên thông đến UBND các xã, thị trấn. Hiện nay, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã thực hiện 100% TTHC thuộc thẩm quyền theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trên 95% TTHC được giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử. Kết quả giải quyết tại bộ phận một cửa điện tử năm 2019 cấp huyện đạt 98,8%, cấp xã đạt 99,7% TTHC trước và đúng thời hạn.
Song song với việc áp dụng hệ thống một cửa điện tử, UBND huyện cũng triển khai thực hiện Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công cho bưu điện trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo thuận lợi cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc tinh giản biên chế, giảm tải công việc, giảm chi phí đầu tư cơ sở vật chất và khai thác hiệu quả mạng bưu chính công; góp phần đẩy mạnh CCTTHC, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ hành chính công, mang lại lợi ích và tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, tổ chức trong quá trình thực hiện các TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước. Hiện địa phương đã bố trí địa điểm tại bộ phận một cửa thuộc UBND huyện và cấp xã để cán bộ bưu điện thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo địa chỉ người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi có yêu cầu.
|
Từ năm 2020, huyện Lạc Dương áp dụng phần mềm bảo vệ danh tính địa phương (Reputa). |
Xây dựng chính quyền điện tử
Đây được xem như thành công lớn nhất của huyện Lạc Dương trong việc nâng cao hiệu quả công tác CCHC. Theo ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, xây dựng chính quyền điện tử được địa phương bắt tay vào thực hiện từ đầu năm 2019. Với mục đích từng bước cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng CNTT, nhằm xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn huyện theo bộ tiêu chí mức độ chính quyền điện tử cấp xã và cấp huyện được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt tại Quyết định số 2392 và theo lộ trình tại Kế hoạch số 1763 của UBND tỉnh. Qua đó, đảm bảo xây dựng một nền hành chính điện tử, hiện đại, đồng bộ và liên thông từ cấp huyện đến cấp xã; hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu dùng chung, tạo môi trường làm việc minh bạch, hiệu lực, hiệu quả cao; giảm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; góp phần đẩy mạnh CCHC, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi bật nhất trong xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao hiệu quả công tác CCHC của huyện Lạc Dương là việc thực hiện chuyển đổi áp dụng hệ thống văn bản quản lý và điều hành VNPT - iOffice. Huyện đã mạnh dạn chuyển đổi từ eOffice sang iOffice và áp dụng triệt để chữ ký số nên văn bản phát hành điện tử đạt 100%. Hiện nay, toàn bộ văn bản chỉ đạo điều hành từ cấp huyện đến cấp xã đều thực hiện chữ ký số điện tử, thực hiện trên smart phone hoặc ipad chứ không chỉ qua máy tính, tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo chỉ đạo điều hành công việc mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị không có mặt tại cơ quan. Tất cả các văn bản đều xử lý trên hệ thống với quy trình khép kín không cần in giấy. Huyện Lạc Dương cũng đang thực hiện Đề án chỉnh lý và số hóa tài liệu, hiện đã thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của HĐND và UBND huyện từ khi thành lập huyện (năm 1979) đến nay để khai thác thông tin, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ trước tới nay.
Đồng thời, UBND huyện Lạc Dương đang tiến hành triển khai phòng họp trực tuyến giữa cấp huyện và cấp xã, dự kiến đến 15/4/2020 sẽ đưa vào hoạt động. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để hạn chế việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức khi địa bàn huyện trải rộng, đồng thời, phù hợp với việc triển khai họp trực tuyến trước tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay.
Cùng với phòng họp trực tuyến, phòng họp không giấy Ecabinet theo quy định của Chính phủ và UBND tỉnh cũng đang được UBND huyện đầu tư trang thiết bị để áp dụng trong năm 2020 này.
Đặc biệt, từ năm 2020, huyện Lạc Dương áp dụng phần mềm bảo vệ danh tính địa phương (Reputa) để sàng lọc tất cả các thông tin có liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của địa phương. Từ đó phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện.
“Thời gian tới, huyện Lạc Dương sẽ áp dụng thêm một số phần mềm, tiện ích khác như: phần mềm quy hoạch địa phương (năm 2020 huyện Lạc Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chọn thực hiện Đề án Đo đạc và chuẩn hóa hồ sơ địa chính của toàn huyện. Việc áp dụng phần mềm quy hoạch địa phương sẽ tạo sự minh bạch toàn bộ quy hoạch, giúp người dân được biết để áp dụng đúng, đồng thời, tạo điều kiện cho việc đi lại kiểm tra và quản lý của cấp cơ sở, tránh tiêu cực nhất là trong vấn đề vi phạm trật tự xây dựng); phần mềm để giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện; phần mềm về nông nghiệp nhằm cảnh báo dịch bệnh để nông dân chủ động phòng tránh, đây là giao diện tương tác giữa ngành nông nghiệp và người dân, qua đó góp phần phát triển nông nghiệp của địa phương... Đồng thời, huyện tiếp tục đầu tư hạ tầng thiết bị CNTT để giám sát, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng đang đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đầu tư xây dựng các điểm quan trắc nhiệt độ để cảnh báo về sương muối, nhằm giảm thiểu thiệt hại trên cây cà phê cho người dân”, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài nhấn mạnh.
TUẤN HƯƠNG