Trước khí thế tiến công như vũ bão của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân Lâm Đồng - Tuyên Đức chớp thời cơ nổi dậy lần lượt giải phóng Bảo Lộc và Di Linh (ngày 28/3);...
Trước khí thế tiến công như vũ bão của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân Lâm Đồng - Tuyên Đức chớp thời cơ nổi dậy lần lượt giải phóng Bảo Lộc và Di Linh (ngày 28/3); Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà (2/4); và 8 giờ, ngày 3/4/1975, giải phóng thị xã Đà Lạt; kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ, mở ra trang sử mới phát triển vùng đất Nam Tây Nguyên giàu đẹp…
|
Trung tâm thành phố Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu |
Những năm đầu giải phóng
Sau năm 1975, cùng với cả nước, Lâm Đồng bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển KT-XH địa phương. Là một tỉnh miền núi, đất rộng, người thưa, phần lớn diện tích bị bỏ hoang, đời sống của Nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, sự chống phá khốc liệt của tàn quân Fulro đã gây nhiều tổn thất xương máu, công sức của Nhân dân và chính quyền địa phương…
Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tinh thần nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã góp phần đưa Lâm Đồng từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển.
Cùng với nhanh chóng xây dựng tổ chức Đảng, hệ thống chính trị các cấp vững mạnh để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của cách mạng, Lâm Đồng chú trọng phát triển KT-XH, ổn định đời sống Nhân dân. Xác định địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, việc khai hoang, phục hóa, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ rất quan trọng giai đoạn này.
Theo địa chí Lâm Đồng, quỹ đất nông nghiệp của tỉnh khá lớn hơn 200.000 ha, chiếm gần 30% diện tích tự nhiên; có tiềm năng để phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên, năm 1976, toàn tỉnh chỉ mới khai thác được 33.900 ha đất trồng cây lương thực; đến năm 1980 nâng lên 48.700 ha; năm 1986: 67.916 ha; trong đó đất trồng cây hàng năm 46.490 ha (riêng đất trồng lúa chiếm 50%), cây lâu năm 19.926 ha (chè 7.042 ha, cà phê 10.040 ha, dâu tằm 1.994 ha)...
Đến năm 2000, toàn tỉnh đã sử dụng 239.729 ha đất nông nghiệp; trong đó đất trồng cây lâu năm chiếm 175.947 ha, cây hàng năm 63.770 ha; nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, hoa, cà phê, dâu tằm, cây ăn quả… và chăn nuôi phát triển. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới…
|
Du lịch nông nghiệp công nghệ cao, hướng đi mới của Đà Lạt - Lâm Đồng. |
Những thành tựu vượt bậc
Với quyết tâm tập trung mọi nguồn lực đưa Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển (giai đoạn 2005 - 2010); phát triển nhanh và bền vững (giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020); đặc biệt, hiện nay là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về sản xuất NNCNC là bước tiến dài với nhiều thành tựu vượt bậc của Lâm Đồng.
Qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn luôn xác định tập trung phát triển KT-XH, trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực dựa vào lợi thế cạnh tranh của các loại cây trồng chủ lực; đồng thời phát triển du lịch, xác định là ngành kinh tế động lực trong nền kinh tế của địa phương. Tận dụng các nguồn lực tại chỗ và khai thác có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Trung ương từ các chương trình, dự án phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi (Chương trình 30a, 134, 135, 327… đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới) để phát triển KT-XH địa phương theo hướng bền vững.
Ngoài các nghị quyết đại hội nhiệm kỳ, nghị quyết về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại; phát triển nông nghiệp ứng dụng cộng nghệ cao, phát triển vùng đồng bào DTTS, phát triển du lịch, dịch vụ… Thực hiện chủ trương của Đảng, chính quyền các cấp đã ban hành và triển khai đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch, chương trình, dự án… tạo “sức bậc” phát triển toàn diện địa phương.
Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh hơn 300.000 ha (diện tích ứng dụng công nghệ cao (CNC) chiếm hơn 20%), giá trị sản xuất đạt bình quân 170 triệu đồng/ha; riêng sản xuất hoa cao cấp đạt từ 1-2 tỷ đồng/ha; đầu tư và đưa vào hoạt động 8 khu công nghiệp ứng dụng CNC, diện tích trên 2.100 ha; hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 4.000 ha.
Cơ cấu cây trồng dịch chuyển đúng hướng và mang lại hiệu quả rõ rệt; các hình thức liên kết sản xuất, xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị. (Toàn tỉnh có 145 chuỗi liên kết giá trị sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của 87 doanh nghiệp, 54 HTX, 36 tổ hợp tác và 15.800 hộ nông dân). 4 sản phẩm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông được Bộ KH-CN công nhận thương hiệu “Đà Lạt - Kỳ diệu kết tinh từ đất lành”. Đến nay, đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này cho 269 tổ chức, đơn vị, cá nhân. Lượng khách du lịch tăng dần từng năm; năm 2005: 1,6 triệu lượt; năm 2006: 1,8 triệu lượt; năm 2007: 2,2 triệu lượt; năm 2008: 2,3 triệu lượt; năm 2009: 2,5 triệu lượt; năm 2010: 3,1 triệu lượt;… năm 2016: 5,4 triệu lượt; năm 2017: 5.948.300 lượt; năm 2018: 6.505.500 lượt và năm 2019: 7.160.000 lượt. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng; cuối năm 2019, toàn tỉnh có 9.000 doanh nghiệp.
Đánh giá tình hình KT-XH Lâm Đồng trong năm 2019 vừa qua, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng đạt 14,1%; thu NSNN trên địa bàn 8.297 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ). Tổng kim ngạch xuất khẩu 720 triệu USD; có 99 xã/116 xã đạt chuẩn NTM; 2 huyện đạt chuẩn NTM (Đơn Dương và Đức Trọng), Đà Lạt và Bảo Lộc được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng (cao hơn mức bình quân cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo giảm ấn tượng, từ 12,5% năm 2010, đến năm 2015 giảm dưới 2%; cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,85%; trong đó, hộ nghèo trong vùng DTTS chiếm 6,5%. (Tỷ lệ thấp nhất mức bình quân chung cả nước).
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp có nhiều chuyển biến; số lượng và chất lượng TCCS đảng, đảng viên nâng lên đáng kể. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng hiện có 18 đảng bộ trực thuộc; trong đó, 749 TCCS đảng; 277 đảng bộ sơ sở; 472 chi bộ cơ sở; 3.251 chi bộ trực thuộc. Toàn Đảng bộ có 45.177 đảng viên…
Sau 45 năm giải phóng, từ một tỉnh khó khăn, Lâm Đồng đã nỗ lực vươn lên trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về tốc độ tăng trưởng KT-XH và chỉ số CPI; dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp CNC. Bộ mặt nông thôn, đô thị đổi thay vượt bậc; đời sống của Nhân dân nâng lên đáng kể. Đà Lạt - Lâm Đồng đã và đang trở thành điểm đến “an toàn, thân thiện” của du khách, bạn bè trong và ngoài nước…
THANH DƯƠNG HỒNG