Thầy, cô giáo chống dịch bằng… thơ

06:04, 20/04/2020

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, mỗi người con đất Việt với những nhiệm vụ khác nhau đã nỗ lực, chung sức đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh...

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, mỗi người con đất Việt với những nhiệm vụ khác nhau đã nỗ lực, chung sức đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Đối với các thầy, cô giáo trên vùng đất Lâm Đồng, những vần thơ được viết vội trong cảm xúc dâng trào trước mỗi thông tin về tình hình chống dịch bệnh của đất nước như một cách để góp sức cho cuộc chiến này sớm giành thắng lợi.
 
Cô giáo Lê Thị Thúy - Trường THPT Đức Trọng sáng tác nhiều bài thơ phòng, chống dịch COVID-19.
Cô giáo Lê Thị Thúy - Trường THPT Đức Trọng sáng tác nhiều bài thơ phòng, chống dịch COVID-19.
 
Chỉ trong thời gian hơn 1 tháng Việt Nam bước vào đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2, cô giáo Lê Thị Thúy - Trường THPT Đức Trọng đã sáng tác 4 bài thơ nói về công tác chống dịch. Vốn là giáo viên Ngữ văn, tình yêu thơ văn thấm đẫm vào tâm hồn cô từ những ngày còn đi học. “Mình nghĩ thơ thì dễ đi vào lòng người, nó cũng là cách để mình gửi gắm tình cảm, nhằm động viên, cổ vũ các lực lượng đang ngày đêm căng mình chống dịch”, cô Thúy chia sẻ.
 
Bài đầu tiên được cô sáng tác ngay sau khi Việt Nam công bố ca thứ 17 dương tính với COVID-19 - đánh dấu cuộc chiến chống dịch của nước ta bước vào giai đoạn cam go nhất từ khi virus Corona xâm nhập vào Việt Nam. Với tựa đề “Gửi em”, bài thơ được cô Thúy làm chỉ trong vòng 15 phút trên điện thoại khi đang ngồi nghe tin tức về tình hình phòng, chống dịch bệnh của đất nước. Đó là những tâm sự, gửi gắm của cô đến học sinh về tinh thần yêu nước, sự đồng lòng chống dịch của mọi tầng lớp nhân dân: “Ta tự hào Việt Nam vốn kiên cường/Trái tim nhỏ lại vô cùng nhân hậu/Cuộc chiến này cho dù không đẫm máu/Nhưng khác gì những cuộc chiến năm xưa”. Để cô và trò phải “Gần hai tháng rồi đàn em thơ trông ngóng/Được đến trường với bè bạn thầy cô”. 
 
Đặc biệt, với bài thơ chống dịch thứ 2 “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?” đã được ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Cường và một sinh viên thanh nhạc ở Hà Nội phổ nhạc. Đó là niềm xúc động khi đất nước đang oằn mình chống dịch nhưng vẫn dang rộng vòng tay đón kiều bào và du học sinh ở vùng tâm dịch về nước, là sự bức xúc trước thái độ của một số người trở về mà không hiểu được ý nghĩa tình cảm khi được đất nước cưu mang: “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa/Mà đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều đến thế… Tổ quốc chấp nhận gồng mình chống giặc lạ/Bởi thiêng liêng hai tiếng gọi đồng bào/Giữa bão giông vẫn ngạo nghễ vút cao/Phi cơ đón đồng bào giữa vùng tâm dịch/Em trở về cớ sao còn hách dịch/Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?”.
 
Rồi lời kêu gọi mọi người hãy thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong bài thơ “Tổ quốc gọi rồi ta theo đúng chủ trương”: “Những dịch vụ ta tạm thời đóng cửa, Lễ hội Vua Hùng ta hẹn đến năm sau…/Tổ quốc gọi rồi ta đáp lại mau mau/Mỗi người dân khẩu trang là vũ khí” để mong chờ đến ngày “Hết dịch rồi, giữa trời rộng cao xanh/Bao nhà máy lại rộn ràng sản xuất/Nụ cười hiền mẹ ta quen chân đất/Các em thơ vui cắp sách đến trường”… Và niềm tin vào chiến thắng của cuộc chiến chống giặc dịch trong bài thơ “Yêu Tổ quốc hãy nghe theo tiếng gọi”: “Tin, làm theo khi Tổ quốc đang cần/Ngày chiến thắng đã sắp đến rất gần/Chỉ cần thôi dân đồng lòng chung sức”.
 
Còn với thầy Duy Hải - một cán bộ quản lý giáo dục ở Đà Lạt, những bài thơ thầy viết là niềm tự hào khi thấy sự chung sức, đồng lòng, sự hy sinh của mỗi con người Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Bài thơ “Tự hào hai tiếng Việt Nam!” là những dòng cảm xúc tự hào trước tinh thần “chống dịch như chống giặc” của các nhà lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân: “Rất tự hào tôi là người Việt Nam!/Giữa đại dịch không có ai bỏ mặc… Dù cuộc sống vẫn còn vất vả/Nước Việt tôi tất cả vì tình yêu/Triệu con tim luôn nung nấu một điều/Luôn tự hào mình là con dân Việt!”.
 
Đó là cảm xúc “Thật hạnh phúc người dân Việt Nam tôi” bởi được chăm sóc trong khu cách ly, là sự sẻ chia từng cái khẩu trang, từng chai nước diệt khuẩn, từng bao gạo, thùng mì cho những người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, là cuộc giải cứu nông sản cho nông dân…: “Dù cuộc sống còn bao nỗi nhọc nhằn/Nhưng dân tôi được chăm sóc miễn phí/Và mọi người không bao giờ kỳ thị/Những việc nhỏ vậy thôi dân tôi hạnh phúc lắm rồi”.
 
Đó là niềm cảm phục những chiến sĩ không quản ngại ngày đêm chống dịch trong bài thơ “Giữa đại dịch anh là điểm tựa của toàn dân”. Và mới đây nhất, khi xem tivi thấy hình ảnh hai vợ chồng bác sĩ làm việc tại một bệnh viện nhưng cả tháng không về nhà, chỉ nhìn nhau qua vách kính ngăn giữa hai khoa, thầy Duy Hải đã sáng tác bài thơ “Có vinh dự nào hơn thế nữa không em” để tặng đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm làm công tác chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19: “Có vinh dự nào hơn thế nữa không em/Hai đứa mình cùng chung một trận tuyến/Đánh giặc Covi cứu người dương tính/Tuy gần nhau nhưng không thấy nụ cười/Chỉ nhìn em qua cử chỉ dáng người… Nghề thầy thuốc mà em đã say mê/Không quản ngày đêm bổ sung phác đồ điều trị/Đã tháng rồi chưa gặp con mình em nhỉ/Thắng giặc Covi rồi gia đình mình quầy tụ bên nhau/Có hạnh phúc nào hơn thế nữa không em”
 
Những bài thơ của các thầy, cô giáo là tình cảm, niềm tự hào, sự xúc động, mến phục các lực lượng đang gồng mình chống lại giặc dịch COVID-19. Đó là sự động viên, chia sẻ để cùng chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh trong một ngày không xa. 
 
VIỆT HÙNG