Thầy và trò sáng tạo với ứng dụng phần mềm Microsoft Teams

05:04, 21/04/2020

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, thầy và trò Trường THPT Yersin Đà Lạt đã có ý tưởng sáng tạo trong ứng dụng dạy...

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, thầy và trò Trường THPT Yersin Đà Lạt đã có ý tưởng sáng tạo trong ứng dụng dạy và học trên phần mềm Microsoft Teams và thực hiện hiệu quả tinh thần “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.
 
Đây cũng chính là một hình thức thích ứng nhanh với việc học trực tuyến, nhằm duy trì nền nếp sinh hoạt, học tập cho học sinh. Được biết, sự linh hoạt này được triển khai ngay khi các quy định và văn bản của tỉnh được ban hành.
 
Học sinh Trường THPT Yersin Đà Lạt học trực tuyến
Học sinh Trường THPT Yersin Đà Lạt học trực tuyến
 
Tâm thế “sẵn sàng và thích ứng nhanh”
 
Vốn đã được tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào hoạt động giảng dạy hàng ngày, ngay sau khi nhận được chỉ đạo, hướng dẫn từ Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng; toàn thể đội ngũ nhà trường trong tâm thế sẵn sàng cho việc triển khai phương thức dạy học trực tuyến trên phần mềm Microsoft Teams. Song song đó, nhà trường cũng ban hành hướng dẫn sử dụng Microsoft Teams cùng với “Nội quy khi tham gia lớp học trực tuyến” dành cho học sinh, phụ huynh. Điều này góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo thông suốt các nội quy, an toàn an ninh thông tin cho học sinh trong thời gian học tập tại nhà.
 
Cô Phạm Thị Lan Phi, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Trường THPT Yersin Đà Lạt cho biết: Đây cũng là lần đầu tiên nhà trường phải tổ chức và soạn lại toàn bộ giáo án, giáo trình 100% để phù hợp với phương pháp học tập, giảng dạy trực tuyến. Nhà trường cũng đã đầu tư nhiều cho hạ tầng công nghệ thông tin để hỗ trợ giáo viên giảng dạy và những học sinh khó khăn, không có đủ thiết bị tại nhà. Tất cả nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng học tập của học sinh theo khung điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, giảm thiểu những hệ lụy khi nghỉ học trong một thời gian dài.
 
Theo đó, các lớp học được lên giáo án bài bản, do chính giáo viên phụ trách hướng dẫn và tương tác với học sinh. Nội dung giảng dạy bám sát chương trình học, hình thức truyền tải sinh động, kích thích học sinh chủ động học tập.
 
Trong buổi học trên Microsoft Teams, giáo viên có thể giảng dạy một cách sinh động, giao bài tập để học sinh thực hành. Ngoài ra, phần mềm này còn hỗ trợ giáo viên chia sẻ, sắp xếp, theo dõi, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Ngoài giờ học, học sinh có thể đặt câu hỏi, trao đổi với giáo viên, bạn bè qua phần chat trực tuyến. Vì thế, giáo viên có sự sát sao về tiến độ học của học sinh, đảm bảo kiến thức được truyền đạt đầy đủ. Học sinh có thời gian và cơ hội thực hành kiến thức được giảng dạy không khác gì giờ học truyền thống.
 
Những hiệu quả bước đầu
 
Tại Trường THPT Yersin Đà Lạt, những hiệu quả của hình thức học tập trực tuyến được minh chứng và ghi nhận có nhiều kết quả khả quan, đáng khích lệ, cụ thể là số lượng học sinh tham gia và tinh thần học tập của các em trong suốt thời gian học vừa qua. Qua một thời gian ứng dụng triển khai, đến nay các giáo viên cũng đã tự tin hơn, chủ động hơn trong việc thích ứng với hình thức giảng dạy mới.
 
Cô Phạm Thị Mai, giáo viên môn Lịch sử chia sẻ: “Những ngày đầu khi tiếp cận với hình thức mới này, tôi khá bối rối, lo lắng. Với quyết tâm không gì là không thể, tôi đã mạnh dạn trao đổi, học hỏi đồng nghiệp. Mỗi ngày tôi thấy mình hiểu biết và tự tin hơn khi có thể tự mình làm, giải quyết những vấn đề có liên quan đến bài giảng online. Đến nay, tôi bắt đầu cảm nhận được niềm vui vì các bài giảng của tôi đã đến được với học sinh một cách thuận tiện và dễ hiểu nhất. Nhất là khi học sinh đã mạnh dạn, chủ động trao đổi, lĩnh hội được nhiều kiến thức”.
 
Với học sinh, nhà trường cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và theo dõi chặt chẽ quá trình học tập của các em. Em Lưu Gia Linh - lớp 10A3 bày tỏ: “Học trực tuyến vui lắm. Các bạn ai cũng giành phần trả lời câu hỏi. Em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, không rụt rè khi hỏi bài như ở trên lớp. Em cảm ơn thầy, cô đã luôn quan tâm đến chúng em và làm hết những gì có thể để chúng em có thể tiếp tục được học tập mỗi ngày,...”.
 
Cô Phạm Thị Lan Phi, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Trường THPT Yersin Đà Lạt chia sẻ thêm về hình thức học trực tuyến này: “Chúng tôi tin rằng, việc chú trọng đào tạo đội ngũ, đầu tư kỹ lưỡng về cơ sở hạ tầng, cùng với sự đồng lòng của tập thể sư phạm và sự tin tưởng đồng hành của phụ huynh, thử thách nào cũng sẽ vượt qua. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của dịch bệnh, cập nhật thường xuyên các chỉ đạo của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng để có thể tiếp tục thông tin kịp thời và đảm bảo chất lượng học tập cho học sinh”.
 
NGUYỆT THU