Tiễn biệt người ''khai sinh'' nghề trà ướp hương ở B'Lao

01:04, 14/04/2020

(LĐ online) - Ở xứ trà B'Lao, có một thương hiệu trà đã trở thành tên của một địa danh riêng mà những ai ngang qua phố trà hương trên Quốc lộ 20 đều biết, ấy là dốc Đỗ Hữu, gắn liền với danh trà Đỗ Hữu nổi tiếng...

(LĐ online) - Ở xứ trà B’Lao, có một thương hiệu trà đã trở thành tên của một địa danh riêng mà những ai ngang qua phố trà hương trên Quốc lộ 20 đều biết, ấy là dốc Đỗ Hữu, gắn liền với danh trà Đỗ Hữu nổi tiếng. Người góp công đầu làm nên tên tuổi trà ướp hương trứ danh xứ B’Lao này chính là bà Đỗ Thị Ngọc Sâm, chủ nhân của danh trà Đỗ Hữu, vừa qua đời hôm 13/4, thọ 96 tuổi.
 
Bà Sâm giới thiệu về Trà Đỗ Hữu (ảnh tư liệu năm 2012)
Bà Sâm giới thiệu về Trà Đỗ Hữu (ảnh tư liệu năm 2012)
 
Một thời vang bóng
 
Bây giờ, những bậc cao niên ở Bảo Lộc, Đà Lạt, Sài Gòn và một số tỉnh miền Trung vẫn còn nhớ rất rõ làn hương nhẹ nhàng, thanh khiết trong gói Trà Đỗ Hữu. Bí quyết làm cho Trà Đỗ Hữu có một hương vị riêng, đọng lại rất lâu trong tâm trí người tiêu dùng, đó là bởi nghệ thuật ướp hương. Bà Sâm lúc sinh thời kể rằng, năm 1952, bà tự chế biến trà hương, bán cho hành khách trên những chuyến xe qua lại Quốc lộ 20. Bà thường dùng hoa của cây hường vi (một loại cây dại) do ông Đỗ Hữu Cẩm Tự Thảo (anh trai bà) trồng trong vườn nhà để ướp trà. Hoa hường vi có hương thơm nhẹ nhàng, thanh khiết rất hợp với trà. Việc sau nữa là chọn giống trà. Gia đình bà thường chọn giống trà bạch mao để trồng và tự chăm sóc, hái trà theo kỹ thuật riêng. Trà sau khi hái về, bà luộc sơ qua rồi dùng sàng để sàng cho đọt trà xoăn lại. Việc kế tiếp là ép và sấy khô trong những cái nia, cái bồ bằng tre trên những vỉa than hồng với nhiệt độ vừa phải, xong gói thành mỗi bịch 1 kg. Hàng ngày, bà chuẩn bị sẵn những ấm trà ướp hương nóng mời mọi người uống thử để mua trà về làm quà. Một thời gian sau, khách đi xe thấy trà ngon mà không có thương hiệu nên thắc mắc. Thế là bà lấy biểu tượng con chim bồ câu trắng ngậm nhành lúa làm thương hiệu. Đến năm 1956, vì muốn mang dấu ấn của dòng họ Đỗ Hữu, nên nhãn hiệu chim bồ câu được bà thay bằng Trà Đỗ Hữu. Kể từ đây, danh Trà Đỗ Hữu vang xa ra tận miền Trung, xuống Sài Gòn, lên Đà Lạt... Thu nhập của gia đình bà vào thời đó trung bình 1 cây vàng/ngày.
 
Bí quyết làm trà hương này được bà Sâm phát huy và tạo nên hương vị riêng cho Trà Đỗ Hữu. Tiếc là sau năm 1975, loài hoa hường vi này không còn nữa, bà Sâm đành sử dụng hoa sói, hoa lài…, để thay thế. Mặc dù không đặc sắc như khi ướp với hoa hường vi, nhưng nhiều năm sau đó, thương hiệu Trà Đỗ Hữu vẫn được khách hàng gần, xa ưa chuộng và tìm mua.
 
Bà Đỗ Thị Ngọc Sâm sinh năm 1924 ở Huế. Năm 1950, bà rời quê Huế vào xứ B’Lao sinh sống. Mới đầu, bà đi làm thuê cho các sở trà của người Pháp. Năm 1952, bà tự chế biến trà hương để bán cho khách đi xe ngang qua Quốc lộ 20. Bà là người khai sinh ra danh Trà Đỗ Hữu và là người đặt nền móng cho nghề ướp trà ở Bảo Lộc. Theo người nhà của bà Đỗ Thị Ngọc Sâm cho biết, do tuổi cao sức yếu, bà đã qua đời hôm 13/4, thọ 96 tuổi.

Giữ một làn hương

Khoa học công nghệ ngày càng phát triển, các công đoạn chế biến trà thủ công xưa dần dần được thay thế bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Trà ngày nay không còn được sấy với số lượng nhỏ trên nia, bồ nữa, mà đã được đưa vào các ống sấy hiện đại, công suất lớn. Các doanh nghiệp trà mới nổi sau này như Phương Nam, Thiên Hương, Thiên Thành, Hương Kim Thảo, Hoa Sen, Bảo Tín, Tâm Châu, Trâm Anh, Quốc Thái…, thường xuyên đầu tư trang thiết bị để đa dạng hoá sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, chế biến, tạo các sản phẩm trà có chất lượng cao, mẫu mã bắt mắt, đáp ứng tốt hơn thị hiếu của người tiêu dùng. Trong khi đó, Trà Đỗ Hữu vẫn giữ nguyên phương thức chế biến thủ công truyền thống và mẫu mã của gia đình, vì thế thị phần tiêu thụ bị thu hẹp dần. Tuy vậy, chủ nhân của những doanh nghiệp trà nói ở trên, vẫn tỏ rõ sự kính trọng bà Sâm, luôn coi bà là người đặt nền móng cho các sản phẩm trà ướp hương đặc trưng ở xứ Trà B’Lao. “Rõ ràng, để có được thương hiệu Trà B’Lao như ngày hôm nay, bà Sâm là người góp công lớn xây dựng nên thương hiệu đó. Câu lạc bộ Trà B’Lao đang có kế hoạch tổ chức một buổi tọa đàm về những đóng góp của bà Sâm đối với sự hình thành và phát triển của ngành trà Bảo Lộc” - ông Trần Đại Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trà B’Lao, chia sẻ.
 
Theo ông Trần Đại Bình, năm 2009, Trà B’Lao được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền. Tính đến nay, cấp có thẩm quyền đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Trà B’Lao cho 32 doanh nghiệp sản xuất, chế biến trà tại Bảo Lộc và Bảo Lâm. Sự lớn mạnh đó hẳn phải được xây trên nền tảng kinh nghiệm của những người đi trước như bà Sâm.
 
TRỊNH CHU