10 năm "cân, đo, đong, đếm" phục vụ sự phát triển

05:04, 24/04/2020

Năm 2010, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận Chất lượng tỉnh Lâm Đồng ra đời, năm 2016 đổi tên thành Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Lâm Đồng trực thuộc Chi cục TCĐLCL (Sở Khoa học và Công nghệ)...

Năm 2010, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận Chất lượng tỉnh Lâm Đồng ra đời, năm 2016 đổi tên thành Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (KTTCĐLCL) Lâm Đồng trực thuộc Chi cục TCĐLCL (Sở Khoa học và Công nghệ). 10 năm hình thành và phát triển, Trung tâm đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật ở mọi hoạt động: phân tích, kiểm nghiệm, chứng nhận, đo lường, nghiên cứu ứng dụng, góp phần đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sự minh bạch trong sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 
 
Thực hiện kiểm định đồng hồ taximet bảo vệ người tiêu dùng.
Thực hiện kiểm định đồng hồ taximet bảo vệ người tiêu dùng.
 
Phân tích, kiểm nghiệm chất lượng tạo sự minh bạch
 
Thực hiện tốt chức năng phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và lưu thông trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước; chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và giám định sản phẩm hàng hóa, quá trình, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, khu vực, quốc tế và các tổ chức khác; kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường; Trung tâm được công nhận đạt yêu cầu tiêu chuẩn về năng lực phòng thí nghiệm, hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017. Năng lực thử nghiệm ngày càng được khẳng định, số lượng chỉ tiêu Trung tâm thử nghiệm được công nhận và chỉ định tăng hàng năm. Hiện nay, có 124 chỉ tiêu được công nhận theo ISO/IEC 17025:2017, trong đó 73 chỉ tiêu về hóa lý, 17 chỉ tiêu về vi sinh, 34 chỉ tiêu về vật liệu xây dựng. 
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã đầu tư hệ thống trang thiết bị thử nghiệm hiện đại phục vụ cho các hoạt động phân tích, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Hàng năm, Trung tâm triển khai phân tích khoảng 3.000 mẫu sản phẩm với hơn 14.000 chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, vật liệu xây dựng cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, còn phối hợp thanh, kiểm tra và phân tích chất lượng sản phẩm thực phẩm, đất, phân bón…; phối hợp với thành phố Đà Lạt triển khai phân tích, đánh giá chất lượng sản phẩm cho các đơn vị, doanh nghiệp sản suất rau, hoa làm cơ sở cho thành phố cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
 
Trung tâm đã tiến hành đánh giá chứng nhận cho 160 cơ sở, doanh nghiệp về tiêu chuẩn VietGAP áp dụng cho sản phẩm trồng trọt với gần 1.500 ha và chứng nhận chất lượng cho một số sản phẩm như: chè, cà phê, nước uống đóng chai, đồ uống có cồn, gạch ngói xây dựng của các đơn vị sản xuất. Hiện nay, hàng năm, Trung tâm thực hiện đánh giá chứng nhận mới cho hơn 50 cơ sở, doanh nghiệp; duy trì khoảng 100 cơ sở, doanh nghiệp về tiêu chuẩn VietGAP áp dụng cho sản phẩm trồng trọt, trong đó 85 cơ sở trong tỉnh với tổng diện tích quản lý hơn 600 ha và 15 cơ sở ngoài tỉnh với diện tích gần 200 ha. Phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành khảo sát, phân tích chất lượng 470 mẫu đất về các chỉ tiêu hóa, lý cho 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; phân tích chất lượng mẫu đất, nước và sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. 
 
Với đội ngũ 26 viên chức và người lao động, trong đó có 4 thạc sỹ, 19 đại học, cao đẳng và 3 lao động, cùng cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm được đầu tư đồng bộ, hiện đại; đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo và thường xuyên cập nhật kiến thức; 10 năm qua, ngoài nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước, Trung tâm đã đồng hành, phối hợp và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

 

“Cân, đo, đong, đếm” chính xác, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo và chuẩn đo lường được Trung tâm đặc biệt quan tâm. Hiện nay đã thực hiện kiểm định 19/60 loại phương tiện đo theo quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2. Trong đó, gồm các lĩnh vực: kinh doanh xăng dầu, taxi, y tế, điện, nước, cân dùng trong bán lẻ, cân ô tô, góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước. 
 
Cụ thể, Trung tâm thực hiện kiểm định 1.157 cột đo xăng, dầu của 245/280 cửa hàng kinh doanh xăng - dầu trên địa bàn tỉnh (chiếm 87,5%). Kiểm định đồng hồ taximet cho 6/7 hãng taxi với 1.350 phương tiện (chiếm 81,5%). Kiểm định các phương tiện đo trong lĩnh vực y tế như máy đo điện tim, điện não, huyết áp, cân sức khỏe… nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh tại các cơ sở, bệnh viện, Trung tâm Y tế trong tỉnh. Phối hợp với Công ty Điện lực Lâm Đồng, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc, Đức Trọng tiến hành kiểm định đối chứng đồng hồ điện, nước. Thực hiện kiểm định cân dùng trong bán lẻ, cân ô tô theo nhu cầu của người dân để phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin đối với người tiêu dùng.
 
Đi đôi với kiểm định, Trung tâm từng bước tăng cường tiềm lực mở rộng lĩnh vực hoạt động hiệu chuẩn. Hiện Trung tâm được chỉ định thực hiện hiệu chuẩn phương tiện đo gồm: quả cân có cấp chính xác M1 đến 20 kg, quả cân chuẩn F2 (1 g - 10 kg); bình chuẩn kim loại hạng 2 dung tích đến 1.000 lít; áp kế chuẩn kiểu chỉ thị số và tương tự đến 600 bar; cân cấp chính xác III có mức cân đến 60 tấn (cân trạm trộn bê tông…).
 
Sự phát triển lớn mạnh trong các lĩnh vực kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, chứng nhận của Trung tâm đã ghi dấu cho sự trưởng thành, góp phần nâng cao vị thế của Trung tâm trong việc giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị lợi ích khi các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam; từ đó, tăng cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đến các nước trong khu vực và thế giới, phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Ông Lê Thành Trung - Giám đốc Trung tâm cho biết, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì những thành quả đã và đang làm được, Trung tâm thực hiện lộ trình mở rộng, nâng cao năng lực hoạt động trên một số lĩnh vực như: hiệu chuẩn phương tiện, thiết bị đo lường; mở rộng các chỉ tiêu thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Coi đây là những bước đi cần thiết để phát triển hoạt động của Trung tâm, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong tình hình mới.
 
QUỲNH UYỂN