Có một lần đặt chân ra Trường Sa mới thấu hiểu hơn việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển chưa bao giờ dễ dàng...
[links()]
Có một lần đặt chân ra Trường Sa mới thấu hiểu hơn việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển chưa bao giờ dễ dàng. Đi giữa trùng khơi mênh mông, trải qua những cuộc gặp gỡ, chia tay, giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống của quân và dân ta trên quần đảo Trường Sa đầy nắng gió. Để rồi từ đó, nỗi nhớ về một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc nơi tuyến đầu cứ cuộn trào nơi lồng ngực mỗi khi nhìn màu cờ Tổ quốc, nghe một câu hát về biển đảo hay nhìn thấy một trái bàng vuông...
Ươm mầm xanh nơi đảo xa
Trường Sa hôm nay “khoác” lên mình tấm áo tươi mới, từng ngày “thay da đổi thịt”, tràn trề sức sống, như cái cách mà hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn quật cường trước giông gió. Cũng như con người, từng nhành cây, ngọn cỏ nơi đảo xa dường như luôn ẩn chứa trong mình một sức sống mãnh liệt trong thiếu thốn, khó khăn.
|
Trồng phi lao trên đảo Đá Tây A. |
“Báu vật” của đảo chìm
Sau gần 2 ngày lênh đênh vượt hàng trăm hải lý giữa biển khơi, điểm đến đầu tiên trong chuyến hải trình lần này của chúng tôi là đảo chìm Đá Lát. Trong khi đợi xuồng lần lượt đưa người từ tàu lớn lên đảo, Đại tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa tranh thủ khái quát đôi lời: Khắc nghiệt chỉ là nói chung chung thôi. Thực tế, giữa biển khơi lúc nắng như đổ lửa, bỏng rát, khi mưa bão thì sóng cuồn cuộn, gió mịt mù. Đảo chìm chỉ gồm 2 khối nhà bê tông nhô lên giữa biển, thế nên không cách gì tránh được, đành cứ thế hứng chịu. Cán bộ, chiến sĩ cũng sống lâu trong cái khổ, cái khó mà quen thôi.
Hình ảnh các chiến sĩ tiến hành các hoạt động tuần tra quanh đảo, tay bồng súng nghiêm trang bên cột mốc chủ quyền, khiến tôi dâng lên một cảm xúc khó tả, vừa chân thực, vừa oai hùng. Họ chính là những người đang ngày đêm canh biển trời Tổ quốc. Tôi cũng không giấu nổi sự tò mò của một người trẻ lần đầu đến với Trường Sa bằng việc quan sát tỉ mỉ từng vị trí, từng hoạt động trên đảo.
Dường như nhận thấy điều đó, Binh nhất Nguyễn Ngọc Phụng (quê ở Bình Định) nhanh chóng chủ động bắt chuyện và dẫn tôi đi tham quan khắp đảo. Đến một góc được che chắn kỹ càng, Phụng khẽ cười: “Chị đang ở nơi được “nâng niu” nhất ở đây rồi đấy”. Đó là một vườn rau nhỏ được quây lại bằng tôn, nhiều tấm đã rỉ sét, ngả màu nâu gạch. Phụng bảo, rau xanh trên đảo thường được ví như thuốc và còn quý hơn cả thịt, cá. Để có được một mầm xanh có khi phải đánh đổi bằng biết bao giọt mồ hôi của chiến sĩ.
Sở dĩ như vậy vì các loại rau xanh ăn lá vốn đã rất nhạy cảm với thời tiết nay lại phải sinh trưởng trong môi trường vô cùng khắc nghiệt giữa biển cả, khiến việc trồng và chăm sóc thật không phải chuyện dễ dàng. Cơn bão lớn vừa qua đã cuốn đi khối “tài sản” khổng lồ của cán bộ, chiến sĩ trên đảo chìm Đá Lát. Phụng bảo, anh em thấy thế, ai cũng “xót ruột”, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Ở trên đảo chìm Thuyền Chài B, Đại úy Hoàng Thế Anh - Chính trị viên đảo cũng rất tự hào khi dẫn chúng tôi đi thăm khu vực tăng gia của đơn vị. Gà, vịt, lợn… là nguồn thực phẩm tươi cung cấp dinh dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ. Anh cho biết, rau xanh tự trồng hiện nay cũng đã tương đối đảm bảo trong từng bữa ăn. Xung quanh vườn đều che chắn kỹ càng, tránh sóng đánh, sẽ cơ động di chuyển các vườn rau liên tục hoặc để hẳn trong hầm nếu như có sóng lớn.
“Hằng năm, đất màu, giống, phân bón liên tục được vận chuyển, tăng cường từ đất liền. Với điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt nơi đảo chìm thì việc có cây xanh che bóng, có rau xanh hằng ngày đưa vào bếp ăn, dù không nhiều nhưng cũng đảm bảo sức khỏe cho anh em cán bộ, chiến sĩ”, Đại úy Hoàng Thế Anh chia sẻ.
Món quà từ đất mẹ
Cả An Bang như cây nấm trồi lên giữa mặt biển, một màu xanh phủ kín hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Trung úy Nguyễn Duy Hải (quê Nghệ An) cho biết, ngoài bàng vuông, bàng ta, cây tra thì những đợt có đoàn công tác thăm, tặng quà có kèm theo những chậu quất, đào, hoa giấy, hoa sứ…
“Cây nào lúc mới đem ra cũng có hoa rất đẹp nhưng nếu muốn ra hoa nữa thì phải chăm kỹ lắm, y như mẹ chăm con mọn vậy. Ngày nào chúng em cũng tỉ mẩn tưới cây, bón phân, che chắn. Nhớ có lần gió thổi chỉ một đêm là rụng hết lá, anh em ai nhìn cũng xót xa. Mỗi lần ra đảo công tác, mọi người cũng muốn đem theo nhiều cây cối nhưng mà biết là không thể sống được nên đành chịu”, Hải tâm sự.
Ở các đảo nổi, cây cối dễ trồng, dễ phát triển hơn. Lý thuyết là thế nhưng để có thể chứng kiến những mầm xanh nhú lên, công sức bỏ ra chẳng biết bao nhiêu mà kể. Như ở đảo Đá Tây A, vài năm trở lại đã trồng hơn 10.000 cây xanh, ấy vậy mà đến nay vẫn chỉ cao lên được chừng vài chục cm. Nhiều cây phi lao trồng cả chục năm mới trổ những bông hoa nhỏ xíu được mọi người nâng niu. Sau những đợt sóng biển đánh rát, không ít cây trồng như bàng, tra bị cháy lá loang lổ, nhưng ngay dưới những cành khô, lá chết là những chồi non bật lên và phủ xanh, sự sống sẽ cứ thế mà tiếp diễn. Ở một số đảo, lá cây rụng còn được thu gom cẩn thận và tận dụng để chôn ủ làm phân hữu cơ, bổ sung dinh dưỡng cho vườn rau xanh.
Một trong những ấn tượng đối với chúng tôi trong chuyến công tác lần này chính là được nhấp ngụm nước vối xanh giữa cái nắng nóng khủng khiếp, không khí khô mặn vị muối biển của Trường Sa. Thứ nước quê ngai ngái, đắng nhẹ nhưng đậm vị thơm, mát. “Ở giữa Trường Sa, được uống thứ nước đi suốt những năm tháng của tuổi thơ trong trẻo, những lời ru của mẹ, của bà lúc trưa hè trong cái nắng vàng rực mới thấy được sự thiêng liêng của hai từ Tổ quốc. Tưởng chừng như đang được mẹ pha cho ca chè vối để cùng cha đi làm đồng, giúp gia đình sau buổi học”, Hạ sĩ Đào Minh Thi chia sẻ.
Bộ đội trồng được một cây vối phải “giấu” ở một góc trong khu vườn rau xanh của đơn vị. Cây vối được mẹ của một đồng chí gửi từ quê, cả đơn vị chăm sóc kỹ càng. Thiếu tá Nguyễn Đức Khánh, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 của đảo Trường Sa Đông tâm sự: Khác với lá bàng vuông hay lá cây tra, cây vối phải được che chắn cẩn thận mới có sức để chống lại gió, bão Trường Sa. Uống nước lá vối không chỉ để xua tan đi cái nắng nóng, không khí khắc nghiệt nơi biển đảo trùng khơi mà còn là để yêu hơn mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, thân thuộc như bờ tre gốc rạ, như lời ru của bà, của mẹ trong những trưa hè rộn tiếng ve.
HỒNG THẮM