Chùa Trường Sa không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo, không chỉ là địa điểm văn hóa tâm linh mà còn là cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của nước ta giữa biển khơi...
[links()]
Bình yên tiếng chuông chùa
Chùa Trường Sa không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo, không chỉ là địa điểm văn hóa tâm linh mà còn là cột mốc khẳng định chủ quyền thiêng liêng của nước ta giữa biển khơi. Giữa muôn trùng sóng xô, từng hồi chuông vang lên như làm ấm thêm tiếng lòng của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
|
Chùa Trường Sa luôn là điểm tựa tâm linh của quân và dân trên đảo |
Bước chân lên đảo Trường Sa - nơi được coi là trái tim của cả quần đảo Trường Sa là một trong những vinh dự lớn lao của chúng tôi trong chuyến công tác chúc tết, thay, thu quân của Vùng 4 Hải quân. Và ở đây, không thể không ấn tượng với chùa Trường Sa, Nhà tưởng niệm Bác Hồ cùng bảo tàng, tượng đài các anh hùng liệt sỹ…
Trường Sa Lớn, 4h30 sáng. Khi mọi người trong đoàn công tác còn đang say giấc nồng thì từng hồi chuông đã vang lên, nối tiếp. Một ngày mới trên đảo được bắt đầu nhẹ nhàng như thế. Khoảng không gian trong và ngoài chùa Trường Sa ban sớm gọn gàng, sạch sẽ như được chuẩn bị kỹ càng để đón tiếp những vị khách phương xa. Cây bồ đề vừa trổ những mầm non, còn phớt đỏ. Chậu hoa sứ khoe sắc hồng, một không khí mùa xuân đương rạo rực. Hôm ấy, trời rải những giọt mưa xuân, cùng với âm thanh từ tiếng còi huấn luyện, tiếng gọi bi bô, nô đùa của đám trẻ như nuôi dưỡng tâm hồn, hun đúc thêm cho ý chí của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đảo xa.
|
Thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ |
Lễ chùa đầu năm, một trong những phong tục tập quán tốt đẹp có tự bao đời. Trong quan niệm xưa nay của người Việt, chùa vẫn là nơi những người con xa quê hương lui tới để nguyện ước cuộc sống hòa bình, vững vàng trước mọi bão giông, sóng gió cuộc đời. Phụ nữ thướt tha bước đi trong tà áo dài mềm mại, cánh mày râu nghiêm chỉnh trong bộ trang phục dân quân, cả 7 gia đình sinh sống tại thị trấn Trường Sa có mặt đủ cả trong sân chùa, phấn khởi như đang trong những ngày tết thực sự.
“Mình ở đây 2 năm rồi. Cứ đều đặn ngày rằm, mùng 1 là lên chùa để cầu an như những ngày còn ở trong bờ. Những ngày đầu ra đảo, cuộc sống chưa quen nên cảm thấy vắng vẻ, nhớ nhà thì mình lại đến chùa để cho tâm, lòng mình tĩnh hơn. Thực ra mình cũng chẳng có ước mong gì nhiều, chỉ cầu cho sức khỏe của người thân, mong mưa thuận gió hòa và thêm cả là mong bình yên cho những người đang ngày đêm canh giữ cho hòn đảo này”, anh Lâm Ngọc Huynh, cư dân thị trấn Trường Sa tâm sự.
Ở đảo Trường Sa Lớn, cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, người dân sinh sống trên đảo lại đến chùa thắp hương và giúp trụ trì quét dọn khuôn viên. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, làm vậy cũng giống như một việc làm công đức, đồng thời để trong tâm tưởng của mình luôn bình yên. Những đứa trẻ cũng thường xuyên được đưa tới, khi để nghe sư thầy giảng giải kinh Phật, nói về những điều hay lẽ phải, đạo lý làm người, lúc thì chơi trốn tìm trong sân, ngoài cổng, chúng cứ thế mà lớn lên một cách bình an.
|
Tiếng chuông chùa vang vọng giữa trùng khơi |
Thời gian thỉnh chuông của các ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa đều đặn 2 lần sáng, chiều. Theo lý giải của sư thầy trụ trì, tiếng chuông chùa lúc 4 giờ 30 phút mỗi sáng, khi giấc ngủ đã căng tròn và bình minh bắt đầu hừng sáng một ngày mới, đó không chỉ là tiếng chuông thức tỉnh lương tri con người hướng về nguồn cội, mà còn là tiếng chuông báo hiệu một ngày mới an lành. Tiếng chuông lúc 18 giờ chiều như khép lại sau một ngày làm việc, mưu sinh, là thời gian mọi người nghỉ ngơi, lòng hướng về Tam bảo.
Trụ trì Thích Tuệ Nhân kể rằng trước khi ra đảo Trường Sa làm phật sự, thầy Thích Tuệ Nhân cũng đã có thời gian dài trụ trì chùa trên đảo Phan Vinh. Việc chuyển sang làm việc tại thị trấn Trường Sa, ông coi đó là cơ duyên lớn để tiếp duyên lành của trụ trì trước đó. Chùa cũng được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian, hai chái bằng chất liệu gỗ có sức chịu đựng độ mặn của nước biển.
Theo thầy Thích Tuệ Nhân, chùa đóng vai trò quan trọng. Vì rằng: “Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó có mái chùa. Và chùa, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ”. Chùa Trường Sa cùng với Nhà tưởng niệm Bác Hồ, nghĩa trang liệt sĩ... là những công trình tâm linh có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo.
|
Cột mốc chủ quyền thiêng liêng nơi đảo tiền tiêu |
“Đặc biệt, với cán bộ, chiến sĩ công tác ngoài đảo xa, mỗi khi gia đình có việc ma chay, hiếu hỉ, họ lên chùa thắp hương cầu siêu, cầu an để cảm thấy ấm áp như ở đất liền. Đơn giản hơn, có người ngày rằm, mùng 1 hay giỗ chạp đến dâng nén hương để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Có người thì chỉ lên chùa để gửi gắm tâm tư, tình cảm như tìm lấy một điểm tựa nào đó về mặt tinh thần”, thầy Thích Tuệ Nhân kể thêm.
Không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quân và dân bao đời nay trên đảo, ngôi chùa cũng là điểm đến của những ngư dân đi biển sau những ngày tháng lênh đênh trên biển cả. Họ thường viếng thăm chùa, thắp hương cầu nguyện cho những chuyến đi trời yên biển lặng. Như ngư dân Đinh Văn Lưu (quê Quảng Ngãi) chỉ ghé chùa chốc lát, thắp nén nhang cùng lời khấn cầu xin hải trình bình an, xin thầy trụ trì một chuỗi hạt rồi lại lặng lẽ rời đi.
Chùa ở Trường Sa không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo, không chỉ là địa điểm văn hóa tâm linh mà còn là cột mốc khẳng định chủ quyền của người Việt trước bạn bè quốc tế. Ngoài ban thờ Phật, tất cả các chùa ở huyện đảo Trường Sa đều có ban thờ anh hùng liệt sĩ - những người mãi mãi nằm xuống để bảo vệ cho sự bình yên của Tổ quốc. Dù ai đến với chùa với mục đích gì đi chăng nữa cũng đều một lòng thành kính, hướng về Tổ quốc Việt Nam, tin tưởng vào mọi điều tốt đẹp ở phía trước.
Chia tay Trường Sa, đến giờ chúng tôi vẫn chẳng hiểu sao mỗi khi nghe tiếng chuông chùa nơi đây ngân vang trong gió cứ cảm tưởng như kéo dài mãi không dứt. Nó khắc khoải, da diết, trầm mặc, hòa quện giữa nắng, gió, sóng của biển đảo quê hương, thấm đẫm trong mỗi trái tim của những người một lần được đến với nơi là một phần máu thịt của Tổ quốc.
HỒNG THẮM