Trường Sa miền nhớ (Bài 3)

05:04, 21/04/2020

Cùng hoạt động trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn có một bộ phận dân sự, họ làm những công việc chuyên môn của mình, góp phần bảo vệ đảo, hỗ trợ ngư dân...
 

[links()]
Những cuộc đời bám biển
 
Cùng hoạt động trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn có một bộ phận dân sự, họ làm những công việc chuyên môn của mình, góp phần bảo vệ đảo, hỗ trợ ngư dân. Tuy không mang trên mình màu áo lính nhưng các anh vẫn tham gia huấn luyện chiến đấu, thực hiện tăng gia không khác gì những chiến sĩ thực thụ.
 
Trạm Hải đăng vững chãi trên đảo An Bang.
Trạm Hải đăng vững chãi trên đảo An Bang.
 
Thắp đèn cho biển bình yên
 
“Nếu đi biển gặp trời tối, chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng là cảm thấy yên tâm đánh bắt hải sản. Những ghe, tàu của ngư dân bị mất định vị, lạc trôi lúc nửa đêm mà nhìn thấy ánh sáng của hải đăng giữa trùng khơi là vui mừng thốt lên: “Hải đăng Trường Sa đấy, nhà mình đây rồi...”, anh Nguyễn Hoài Long, một ngư dân kể với chúng tôi về Hải đăng An Bang nằm hiên ngang giữa quần đảo Trường Sa. 
 
Ở quần đảo Trường Sa có 9 trạm hải đăng được xây dựng trên các đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây do Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý. Mỗi trạm thường có 4-6 người, thay nhau túc trực 24/24 giờ. Với họ, trạm cũng là nhà bởi nhiều người đã dành nửa đời mình với trạm, bám biển “soi đường” cho ngư dân.
 
Anh Ngô Văn Chương, Trạm trưởng Hải đăng An Bang là người có thâm niên hơn 20 năm gác đèn ở cả 9 hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Cũng như cuộc sống của những người lính đảo Trường Sa, những người gác đèn như anh Chương gắn bó với đảo như quê hương thứ hai của mình. Được ra công tác tại quần đảo Trường Sa với anh là điều chưa bao giờ hết vinh dự và tự hào. Chính vì thế, đa phần những người gác đèn ở Trường Sa đều muốn gắn bó với quần đảo này và cứ vậy, các anh xoay tua từ đèn này sang đèn kia, chẳng biết khi nào mới có điểm dừng.
 
“Công việc hàng ngày của lính nhà đèn tuy không nặng nhọc, vất vả nhưng cần sự kiên trì, cẩn thận. Nước muối mặn và gió biển cũng dễ làm hư hỏng máy móc, thiết bị nên phải bảo quản, lau chùi hàng ngày. Thiết bị sạch thì mới hấp thụ tốt năng lượng và làm cho đèn sáng hơn, tàu thuyền dễ nhận biết hơn dù cách xa cả chục hải lý”, anh Chương tâm sự.
 
Hơn hai chục năm công tác thì già nửa thời gian anh Vũ Duy Minh (Trạm trưởng Hải đăng Trường Sa) ăn tết ngoài đảo xa. Anh trải lòng, Trường Sa là nơi có khí hậu rất khắc nghiệt, khi thì gió bão, mưa nhiều, lúc lại khô hạn, vì vậy, cuộc sống và sinh hoạt của nhân viên tại các trạm hải đăng cũng chưa thật đủ đầy.
 
Hải đăng Đá Tây
Hải đăng Đá Tây
 
Cách anh Minh kể chuyện với chúng tôi về cuộc sống xa gia đình, về những thiếu thốn của cán bộ nhà đèn vô cùng nhẹ nhàng, bình dị. Ban ngày, lính nhà đèn huấn luyện chiến đấu như bộ đội. Đêm xuống, họ thức cùng với ánh sáng hải đăng. “Nhiều đêm đứng dưới chân hải đăng thấy nhớ nhà chỉ biết lẳng lặng lau nước mắt, không để anh em nhìn thấy, nhất là những người trẻ. Mùa biển lặng còn đỡ, khi biển động sóng lớn, mưa biển trút nước ầm ầm, lúc đó chúng tôi phải thay nhau trèo lên đỉnh để kiểm tra, thay ắc quy. Bất luận thế nào cũng cố gắng để hải đăng không được tắt. Bởi đó là ánh sáng của chủ quyền quốc gia trên biển”, anh Minh chia sẻ.
 
Giữa trùng khơi mênh mông, những người thợ đèn chẳng khác nào những chú ong chăm chỉ, đang ngày đêm ngày thầm lặng cống hiến đời mình để những ngọn hải đăng sáng mãi. Mạnh dạn một lần thử leo lên vị trí cao nhất của nhà đèn Trường Sa, chúng tôi bắt gặp ánh mắt đau đáu của anh Vũ Quang Cách (quê Hải Phòng) nhìn về xa xăm. Hỏi anh đất liền ở phía nào, anh chỉ về phía đường chân trời thẳng tắp, nơi ấy là đất liền, là vợ con...
 
Mặc dù đã đón nhiều cái tết xa nhà nhưng mỗi chuyến tàu mang quà tết từ đất liền ra đảo, các anh cũng không tránh khỏi giây phút chạnh lòng. Anh Minh tâm sự: “Ai chẳng mong ngày tết được sum vầy ấm cúng với gia đình, người thân. Hình như là nghề chọn mình, vì nhiệm vụ được giao, anh em chúng tôi ai cũng nỗ lực để hoàn thành thật tốt. Được sự quan tâm của các cấp và đơn vị, tết này anh em chúng tôi đã có thịt lợn, gạo nếp, có gà, vịt, măng, miến đủ cả. Công ty đã cung cấp đầy đủ để anh em đón tết ngoài đảo đầm ấm nhất”.
 
“Lính nhà đèn” Trường Sa Lớn vệ sinh thiết bị khỏi nước muối mặn và gió biển bào mòn
“Lính nhà đèn” Trường Sa Lớn vệ sinh thiết bị khỏi nước muối mặn và gió biển bào mòn
 
Điểm tựa của ngư dân xa khơi
 
Đó là Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá được xây dựng ở đảo Đá Tây A. Ở đây có siêu thị cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá niêm yết của Nhà nước tại đất liền; cấp nước ngọt miễn phí; sản xuất và cung ứng nước đá; hỗ trợ miễn phí tiền công sửa chữa tàu thuyền; miễn phí các dịch vụ cầu cảng, neo đậu; bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão; hỗ trợ, chăm sóc, cấp phát thuốc miễn phí; thu mua và vận chuyển sản phẩm hải sản khai thác và nuôi trồng về đất liền...
 
“Tính đi tính lại, cũng ngót nghét hai chục năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân lên đảo”, anh Phạm Trí Vinh (quê Nga Sơn, Thanh Hóa) nhớ lại. Đó là thời điểm trước khi Trung tâm dịch vụ được hình thành, lúc chỉ có một dãy nhà cho cán bộ ở và làm việc, chủ yếu trực hỗ trợ cung cấp nhiên liệu, sửa chữa máy móc cho ngư dân. Từ năm 2009, anh Vinh ở hẳn, mỗi năm về chỉ vỏn vẹn 24 ngày phép để sum họp với gia đình.
 
“Vài ngày nữa là đám cưới con gái đầu của mình ở quê. Không về được nên ngày nào cũng tranh thủ nhắn tin, gọi điện về nhà để nắm tình hình. Biết nói sao được, cái nghiệp đã vận vào thân. Mỗi lần về nhà, vui vầy sum họp nhưng vẫn nhớ biển quay quắt. Nhiều hôm đang ngủ bất giác giật mình nghe như báo hiệu có tàu gặp sự cố vào sửa chữa, lục đục dậy chuẩn bị như người mất hồn”, anh Vinh xúc động kể lại.
 
Siêu thị trong Khu hậu cần nghề cá, cung cấp thực phẩm cho ngư dân
Siêu thị trong Khu hậu cần nghề cá, cung cấp thực phẩm cho ngư dân
 
Anh Vinh bảo, có ở đây mới thấy hết được sự “thay da đổi thịt” của hòn đảo từng được coi là thủ phủ đảo chìm ở Trường Sa. Cuộc sống trên đảo ngày nay được cải thiện nhiều hơn, cơ sở vật chất khang trang hơn, những thiếu thốn ngày trước đã được khắc phục nhờ vào sự chung tay, ủng hộ của Nhân dân cả nước. Dẫu vậy, sau mỗi lần về phép trở lại, trong anh vẫn vương vấn những nỗi niềm về cuộc sống, gia đình “Mình giấu riêng trong lòng thôi không dám nói ra vì không muốn mọi người lo lắng, nhất là những bạn trẻ mới xa nhà, còn đang độc thân. Mình lên thắp hương cho cụ Lý (Tượng đài Lý Thường Kiệt), đọc vài lần bài thơ Nam Quốc Sơn Hà là lại thấy bình an ở trong lòng”, anh Vinh tâm sự.
 
Bởi vậy, họ - những người bám biển ngày càng có thêm sức mạnh để chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Cũng tăng gia, cũng sinh hoạt như những người lính thực thụ bên cạnh công tác chuyên môn để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Anh Vinh cũng bảo, nhiều khi có cảm giác “thèm” được ở chốn đông người nhưng rồi lại sợ bởi “chỉ khi biển động, tàu bè vào tránh trú bão thì mới có, mà điều này thì chẳng ai mong”. 
 
Lúc đó, tôi chợt hiểu lý do anh trải lòng mình nhiều đến vậy. Hái một nhánh phi lao với hoa đỏ li ti, anh Vinh tặng tôi cùng câu hát “Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua, chiến sĩ Trường Sa...”, trong bài Khúc quân ca Trường Sa thay cho lời tạm biệt. Những người dành một đời bám biển như anh so sánh mình với những nhành cây, ngọn cỏ đang từng ngày lớn lên trên cát trắng, dù là bão gió, mưa sa nhưng vẫn không bao giờ bị quật ngã.
 
HỒNG THẮM