(LĐ online) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có nhiều thay đổi. Ngay sau khi có đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường học khối THPT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương triển khai ôn tập cho học sinh.
(LĐ online) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 có nhiều thay đổi. Ngay sau khi có đề thi tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường học khối THPT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương triển khai ôn tập cho học sinh.
|
Học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long (TP Đà Lạt) trong giờ ôn tập môn Văn, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Giảm áp lực cho học sinh
Với quan điểm “học gì thi nấy”, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các trường học bám sát chương trình tinh giản các môn thi, đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2020 vừa được Bộ GD-ĐT công bố và đề thi THPT quốc gia những năm qua để có kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Khác với những năm trước, kế hoạch tổ chức thi năm nay có sự thay đổi rất lớn, thay vì kết quả được sử dụng để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển đại học, thì năm 2020 kết quả chỉ chủ yếu để xét tốt nghiệp. Do đó, mức độ khó của đề thi năm nay phần nào sẽ được giảm đáng kể, nhằm giảm áp lực cho học sinh.
Thầy Đào Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Chi Lăng (TP Đà Lạt) cho biết: Hiện, nhà trường đang chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên giảng dạy hoàn thành chương trình lớp 12 trên cơ sở giảm tải của Bộ GD-ĐT, không cắt xén chương trình. Trường cũng đang lên kế hoạch tổ chức thi thử nhằm đánh giá năng lực học sinh để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
"Giáo viên chủ nhiệm và bộ môn dựa vào năng lực của học sinh để tư vấn cho các em chọn bài thi, tổ hợp phù hợp. Sau khi kết thúc năm học, trường tập trung ôn tập cho các em trong 4 tuần để đảm bảo kiến thức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT” – Thầy Hưng cho hay.
Còn tại các trường vùng sâu, vùng xa, phần lớn học sinh có nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp. Vì vậy, các trường hướng dẫn các em ôn tập để giúp các em bù lại lượng kiến thức đã mất trong thời gian nghỉ dịch Covid-19.
Ông Đặng Thành Long - Hiệu trưởng Trường THPT Langbiang (huyện Lạc Dương) cho biết: Đa phần học sinh của nhà trường đều ở các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Do đó, trong quá trình nghỉ học do dịch Covid-19, việc tổ chức ôn tập, học trực tuyến cho các em gặp rất nhiều trở ngại. Ngay sau khi học sinh quay lại trường, việc tổ chức ôn tập các môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh đang được các thầy, cô giáo tăng tốc để đảm bảo kiến thức cho các em bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo thầy Long, quy định của Bộ GD-ĐT là các trường sẽ kết thúc chương trình học trước ngày 15/7. Thời gian này, nhà trường cùng giáo viên bộ môn sắp xếp lịch học, thời gian học, không phân biệt môn chính, môn phụ vẫn học đầy đủ căn cứ vào nội dung của từng môn để giảm tải hợp lý.
“Hiện, kế hoạch ôn tập của nhà trường vẫn bám sát vào bộ đề thi thử được đưa ra. Từ đây đến giai đoạn thi còn khá nhiều thời gian nên cả thầy và trò không quá áp lực. Phương án tốt nhất vẫn là phân loại học sinh theo học lực kết hợp với tư vấn tuyển sinh theo năng lực để giúp các em phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra ban đầu” – Thầy Long cho hay.
Chủ động phân luồng học sinh
Kỳ thi THPT năm nay có nhiều thay đổi so với mọi năm. Trước tình hình đó, các trường THPT trên địa bàn tỉnh chủ động lên kế hoạch song hành hoàn thành chương trình chính khoá. Bên cạnh đó, nhiệm vụ luyện thi ôn tập cho học sinh, từng bước phân luồng học sinh để đạt kết quả thi cao nhất.
Tại Trường THPT Chuyên Thăng Long (TP Đà Lạt), để đảm bảo lượng kiến thức cho học sinh, nhà trường lên lịch học chính khoá vào buổi sáng và tổ chức ôn tập, luyện thi vào buổi chiều đối với khối 12.
Thầy Đào Mạnh Trinh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhằm giúp cho học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, nhà trường đã tiến hành phân luồng học sinh theo sức học và nguyện vọng. Buổi sáng, các em sẽ học theo lớp cũ bình thường nhằm hoàn thành chương trình học cơ bản. Buổi chiều, nhà trường sẽ phân chia lại các lớp dựa trên đăng ký nguyện vọng của học sinh theo các tổ hợp môn thi. Việc lựa chọn giáo viên ôn tập cho các em cũng được dựa trên nguyện vọng, đề xuất của chính các em học sinh.
Theo thầy Trinh, nhìn chung, phần lớn học sinh của nhà trường có nguyện vọng đăng ký vào các trường đại học điểm, công lập lớn, nhiều trường còn tổ chức thi riêng nên việc phân luồng để ôn tập nâng cao cho các em là rất cần thiết.
Đối với Trường THPT Chuyên Thăng Long, với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy rất tốt nên việc phân luồng, hoạch định thời khoá biểu, ôn tập cho 270 học sinh khối 12 của nhà trường khá thuận lợi. Đối với kỳ thi năm nay, nhà trường kỳ vọng học sinh trúng tuyển vào các trường đại học điểm sẽ nhiều hơn mọi năm.
Tại thời điểm này, đa phần các trường THPT trong tỉnh cũng đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành chương trình học kỳ 2. Điểm thuận lợi cho các trường đều thực hiện đồng bộ các biện pháp tinh giản kiến thức chương trình học chính khoá, đáp ứng yêu cầu cơ bản của kỳ thi năm nay.
Ngay sau bộ đề thi minh hoạ được Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều trường đã phân công giáo viên bộ môn giảng dạy bám sát vào bộ đề; đồng thời, tham khảo một số đề thi trước đây nhưng ở mức độ thấp hơn. Đối với một số môn học có tính liên kết, học sinh cần ôn tập một số nội dung liên quan ở lớp 10, 11, nhất là chương trình lớp 11 để có thể làm tốt bài thi.
HOÀNG YÊN - NGÂN GIANG