Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

02:05, 01/05/2020

Nhân Tháng Công nhân năm 2020, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Thị Phúc - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, về những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được LĐLĐ tỉnh triển khai tổ chức.

Nhân Tháng Công nhân năm 2020, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Thị Phúc - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, về những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được LĐLĐ tỉnh triển khai tổ chức.
 
PV: Thưa bà, xin bà cho biết, chủ đề của Tháng Công nhân năm nay là gì và các hoạt động trọng tâm nào sẽ được các cấp công đoàn cơ sở tổ chức trong Tháng Công nhân?
 
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
Đồng chí Phạm Thị Phúc: Chủ đề Tháng Công nhân năm 2020 đó là “An toàn - Việc làm - Phúc lợi; Chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025”. Với chủ đề này, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động trong đó có các hoạt động cụ thể như: Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”. Với chương trình này, các cấp công đoàn trong tỉnh sẽ tích cực phối hợp với các đối tác đã ký kết với LĐLĐ tỉnh và Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai các lợi ích đến đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ; chủ động tìm kiếm các đối tác mới để ký kết thỏa thuận hợp tác mang lại lợi ích cho đoàn viên, công nhân lao động của đơn vị. Ban chấp hành công đoàn cơ sở căn cứ những quy định của pháp luật về quyền, lợi ích của người lao động (NLĐ) rà soát thỏa ước lao động tập thể và đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động cam kết để NLĐ có “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” so với năm 2019. Đồng thời xây dựng quan hệ lao động ổn định hài hòa trong các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và chào mừng đại hội Đảng các cấp.
 
Ngoài ra, các cấp công đoàn còn phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp và người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân, tập trung cao điểm vào ngày 11/5/2020, phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở như: Văn hóa, thể thao; tham quan, du lịch; ngày hội công nhân lao động; sân chơi gameshow; khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí; hội thảo, hội thi, nói chuyện chuyên đề tìm hiểu về pháp luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ);… Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi có điều kiện chủ trì tổ chức “Ngày hội tư vấn pháp luật” gắn với diễn đàn “Nghe công nhân nói - Nói để công nhân nghe”, mời lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền và NLĐ cùng tham gia để nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của CNVCLĐ, đặc biệt là các chế độ, chính sách liên quan đến NLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như BHXH, BHYT, BHTN và xây dựng các thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
 
Song song với đó, các cấp công đoàn còn tổ chức các hoạt động như: Thăm và tặng quà nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và khu tập thể CNLĐ trong tỉnh; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, CNVCLĐ. Tổ chức tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS đợt chào mừng Tháng Công nhân năm 2020. Phối hợp thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động...
 
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại Ngày hội Tết sum vầy Xuân Canh Tý 2020, do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn, UBND TP Đà Lạt tổ chức
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh trao quà cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn tại Ngày hội Tết sum vầy Xuân Canh Tý 2020, do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Tỉnh Đoàn, UBND TP Đà Lạt tổ chức
 
PV: Điểm nhấn của Tháng Công nhân năm nay là gì? Việc tổ chức Tháng Công nhân năm nay có gì mới so với các năm trước, thưa bà?
 
Đồng chí Phạm Thị Phúc: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các cấp công đoàn trong tỉnh không tổ chức Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2020, chỉ triển khai các hoạt động Tháng công nhân của đơn vị mình bằng văn bản đến các công đoàn cơ sở.
 
Trong Tháng Công nhân, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức triển khai các hoạt động tập trung hướng về cơ sở và NLĐ, có các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp, NLĐ bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn của công nhân, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, công nhân lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Cùng đó, làm tốt hơn nữa các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, ổn định tinh thần cho công nhân lao động; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền, chủ doanh nghiệp có những hoạt động cụ thể, thiết thực chăm lo cho công nhân như: Thăm hỏi, tặng quà, đề xuất các chính sách tháo gỡ khó khăn cho NLĐ sau dịch bệnh COVID-19. Tăng cường các hoạt động tư vấn pháp luật cho NLĐ bằng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, điện thoại…, nhất là các vấn đề liên quan đến quyền lợi của NLĐ như việc làm, tiền lương, tiền công, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp... và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19.
 
Trong Tháng Công nhân năm nay, từ tình hình thực tế của các cấp công đoàn, LĐLĐ tỉnh dự kiến tổ chức “Gian hàng nghĩa tình đoàn viên công đoàn” tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn và Cơ quan LĐLĐ thành phố Bảo Lộc, dự kiến thời gian từ ngày 19 - 21/5/2020. Kinh phí tổ chức hoạt động do LĐLĐ tỉnh sử dụng nguồn tài chính công đoàn và tổ chức vận động quyên góp, tập kết và trưng bày các sản phẩm đồ gia dụng, nhu yếu phẩm còn giá trị sử dụng để đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn lựa chọn sử dụng theo nhu cầu mà không phải trả tiền.
 
LĐLĐ tỉnh đã phối hợp các ngành chức năng rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với đời sống, việc làm của công nhân lao động. Tính đến nay, có 146 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn với tổng số 11.522 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Trong đó, có 1.982 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 4.121 lao động bị ngừng việc và 5.419 lao động làm việc luân phiên đóng bảo hiểm xã hội.

PV: Tháng Công nhân năm nay diễn ra trong bối cảnh cả nước đang “gồng mình” chống dịch COVID-19, vậy các cấp công đoàn đã và đang triển khai những hoạt động gì để người lao động yên tâm làm việc, thưa bà?

Đồng chí Phạm Thị Phúc: Xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, ngay từ cuối tháng 1 đầu tháng 2 năm 2020, LĐLĐ tỉnh đã đưa nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, nhằm bảo vệ sức khỏe và tạo tâm lý yên tâm cho đoàn viên, CNVCLĐ.
 
Công tác tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh, LĐLĐ tỉnh yêu cầu CĐCS phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động xây dựng chương trình hành động, thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe đoàn viên, NLĐ; thường xuyên cập nhật, nắm bắt chính xác, đầy đủ các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng về diễn biến và các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn lây lan dịch, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhóm zalo, facebook của công đoàn. Bảng tin được nhiều công đoàn cơ sở sử dụng, trên đó liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, cách thức phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đồng thời, đề xuất với người sử dụng lao động trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ phòng tránh lây nhiễm, giữ gìn vệ sinh phòng dịch.
 
Cùng với các biện pháp phổ biến và trở thành bắt buộc như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc xã hội, các cấp công đoàn trong tỉnh cũng chú trọng phối hợp với người sử dụng lao động triển khai thêm một số biện pháp để tăng cường công tác phòng, chống dịch như: Nâng cao chất lượng bữa ăn ca, bố trí các ca làm việc hợp lý, hỗ trợ công nhân lao động chi phí trông con do phải nghỉ học… Đồng thời, xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh cụ thể trong các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường.
 
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động rà soát, nắm tình hình đời sống, thu nhập của đoàn viên, NLĐ, kịp thời thăm hỏi, động viên đoàn viên NLĐ bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến NLĐ về các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị Quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đồng thời, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động rà soát đối tượng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xét hỗ trợ NLĐ theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch. Chủ động giám sát việc thực hiện hỗ trợ NLĐ theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, đặc biệt là giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách, quy định của pháp luật để chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 38 Bộ luật Lao động; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ theo quy định tại Điều 19. 
 
Song song với các hoạt động trên, các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân, đơn vị đóng góp vật chất để hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn, đặc biệt là NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
 
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!
 
THY VŨ (thực hiện)