Xây dựng hậu phương chống dịch

06:05, 12/05/2020

Giữa những ngày cả nước căng mình chống dịch COVID-19, thì ở nơi được xem như  "đứa con của Thủ đô Hà Nội" nơi vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Hà,...

Giữa những ngày cả nước căng mình chống dịch COVID-19, thì ở nơi được xem như  “đứa con của Thủ đô Hà Nội” nơi vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Hà, không ít câu chuyện được kể về những cụ già đến các em học sinh tìm đến cơ quan Mặt trận huyện, xã để ủng hộ số tiền tiết kiệm cá nhân ít ỏi, hay những hộ khó khăn sẵn sàng từ chối nhận gạo miễn phí với suy nghĩ “nhường phần cho người khó khăn hơn”... Mỗi người một hành động, dù nhỏ bé, nhưng đều đang góp phần xây dựng một “hậu phương” vững chắc về cả vật chất và tinh thần cho tuyến đầu chống dịch.
 
UBMTTQ huyện Lâm Hà tổ chức “Cấp phát gạo miễn phí bằng máy ATM gạo” cho hộ nghèo
UBMTTQ huyện Lâm Hà tổ chức “Cấp phát gạo miễn phí bằng máy ATM gạo” cho hộ nghèo
 
Về xã Gia Lâm những ngày đầu tháng 5, cờ Tổ quốc đỏ rực dọc đường, các trường học đã rộn ràng vì học sinh đi học trở lại. Trong ngày đầu tiên trở lại trường sau thời gian dài nghỉ vì dịch COVID-19, mỗi học sinh đều được trang bị khẩu trang y tế và các trường học đều có nước rửa tay sát khuẩn. Đó là sự chuẩn bị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) xã từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 được chính người dân trong xã ủng hộ, với mong muốn đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên khi đến trường.
 
Ngoài 55 chai nước rửa tay sát khuẩn, đến thời điểm hiện tại, Nhân dân xã Gia Lâm đã cùng đóng góp, ủng hộ gần 78 triệu đồng tiền mặt, cùng 200 kg gạo, 1.000 gói mì tôm. Trong đó, đã nộp về huyện hơn 71 triệu đồng. Số gạo và mì tôm được chia ra làm 28 suất quà dành cho các hộ nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn tại địa phương trong dịch bệnh. Xã Gia Lâm là một trong những địa phương được UBMTTQ huyện Lâm Hà đánh giá cao trong công tác vận động Nhân dân ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Theo ông Nguyễn Ngọc Thăng - Chủ tịch UBMTTQ xã, tất cả là đều dựa vào chính tinh thần tương thân tương ái, là tình cảm và trách nhiệm của chính người dân. Bởi giữa những ngày cách ly xã hội, không thể đi tuyên truyền trực tiếp, UBMTTQ xã chỉ có thể phát động ủng hộ bằng hệ thống loa truyền thanh. “Vậy mà ngay khi xã phát động, hàng trăm lượt cán bộ, đảng viên, Nhân dân và doanh nghiệp đã đến trụ sở Ủy ban xã để được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho công tác phòng, chống dịch. Có nhiều người dân chỉ kịp đến đưa tiền rồi vội vàng đi ngay, không cần lưu lại tên họ. Từ khi phát động ủng hộ, hàng ngày UBMTTQ xã đều tổng hợp danh sách, phát trên hệ thống truyền thanh của địa phương để tạo niềm tin và sức lan tỏa tinh thần, trách nhiệm của mỗi người” - ông Thăng cho hay.
 
Người dân xã Gia Lâm chủ yếu làm nông nghiệp. Những tháng đầu năm, tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà giá cả các loại nông sản bấp bênh, không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của Nhân dân. Thế nhưng, nói như ông Đào Văn Hinh - Chủ tịch UBND xã Gia Lâm: “Mặc dù cuộc sống của người dân tại địa phương không phải là giàu có, dư giả gì, nhưng họ vẫn sẵn sàng sẻ chia vì qua tivi, báo đài, họ thấy được hình ảnh của các chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch và trân trọng, cảm kích vô cùng. Và bằng cách này hay cách khác, họ tự hào vô cùng khi được góp sức mình vào công cuộc chống dịch đó”. 
 
Sau hơn 1 tháng triển khai vận động, hiện huyện Lâm Hà đã tiếp nhận từ người dân và các doanh nghiệp, tổ chức trên 500 triệu đồng, 1.000 khẩu trang, hơn 2.000 kg gạo. 
 
Với phương châm “Minh bạch, kịp thời, thiết thực, đúng đối tượng”, với nguồn kinh phí huy động được, Ủy ban MTTQ huyện Lâm Hà đã phối hợp với các đoàn thể, ban ngành của huyện và UBND, Ủy ban MTTQ thị trấn Đinh Văn, các xã Đạ Đờn, Tân Văn, Tân Thanh, Đan Phượng, Mê Linh, Phi Tô tổ chức “Cấp phát gạo miễn phí bằng máy ATM gạo” cho hơn 3.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn. Hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuyến đầu của huyện 200 triệu đồng và 1.000 khẩu trang. “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tiếp nhận nguồn vận động, hỗ trợ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ các đối tượng nghỉ việc, mất thu nhập do dịch COVID-19, trong đó đối tượng chủ yếu là giáo viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn huyện” - ông K’Tân, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lâm Hà cho biết.
 
Giữa những ngày khó khăn, mỗi người dân có cách đóng góp riêng của họ. Nhưng tất cả đều hy vọng, tất cả đều vững một niềm tin hướng về phía các chiến sĩ nơi tuyến đầu. Như chia sẻ của ông Nguyễn Văn An (68 tuổi, Thôn 4, xã Gia Lâm) - mang lên Ủy ban xã ủng hộ 200 nghìn đồng ngay từ những ngày đầu phát động: “Thời gian chiến tranh chống Mỹ khó khăn đến mấy mà chúng tôi cũng có thể vượt qua, vẫn “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Bây giờ không còn trực tiếp ra chiến trường, thì mình làm hậu phương vững chắc cho chiến trường chống dịch”.
 
VIỆT QUỲNH